Tín dụng chính sách - “chìa khóa” xóa đói giảm nghèo

14:41 - Thứ Tư, 20/10/2021 Lượt xem: 4287 In bài viết

ĐBP - Thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo và đối tượng chính sách, thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh triển khai các gói tín dụng giúp người nghèo tiếp cận vốn vay nhanh chóng, thuận tiện để phát triển kinh tế. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã mở ra cơ hội, giúp nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh có vốn phát triển sản xuất, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội.

Nhờ nguồn vốn của Ngân hàng CSXH, nhiều hộ nghèo trên địa bàn huyện Mường Nhé được vay vốn đầu tư chăn nuôi.

Với lợi thế có diện tích đất canh tác, sản xuất khá lớn nhưng vì không có nguồn vốn mua con giống phát triển chăn nuôi nên những năm trước cuộc sống của gia đình anh Quàng Văn Thắng, xã Mường Đăng (huyện Mường Ảng) gặp không ít khó khăn. Kể từ khi được Ngân hàng CSXH huyện Mường Ảng cho vay 30 triệu đồng, anh Thắng mạnh dạn đầu tư chăn nuôi lợn và gia cầm, đến nay, kinh tế gia đình đã khấm khá hơn. Khi tích lũy được nguồn vốn, hàng năm anh Thắng duy trì chăn nuôi 2 lứa lợn thịt, mỗi lứa trên 20 con. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm, gia đình anh thu lãi gần 50 triệu đồng, vươn lên thoát nghèo. Anh Thắng chia sẻ: “Từ 30 triệu đồng vốn vay ban đầu, mình mua lợn giống về chăn nuôi. Lứa lợn đầu tiên bán đi, mình lại dùng tiền ấy xây dựng thêm chuồng nuôi, mua cả gà, vịt về nuôi nữa. Sau mấy năm chăn nuôi, cũng may đàn lợn và gia cầm đều phát triển tốt không bị dịch bệnh, vì thế mình mới có đủ tiền trả ngân hàng và tiếp tục đầu tư chăn nuôi. Nguồn vốn vay ngân hàng CSXH có ưu điểm là lãi suất thấp, thời gian vay kéo dài nên mình cũng yên tâm hơn khi vay để làm ăn”.

Với gia đình anh Vừ Trùng Phùa, bản Nậm Pố 4, xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé) trước đây cũng chỉ trông vào nương lúa, nương ngô, năm được mùa năm thất bát, thu nhập khá bấp bênh. Năm 2015, thông qua ủy thác của Hội Nông dân xã, gia đình anh Phùa được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện với lãi suất ưu đãi. Có vốn anh Phùa đầu tư chăn nuôi lợn kết hợp nuôi thả cá. Sau vài năm tích lũy được vốn và kinh nghiệm chăn nuôi, anh Phùa mở rộng quy mô theo hướng trang trại. Từ việc quay vòng đồng vốn, lấy ngắn nuôi dài, đến nay gia đình anh đã xây dựng được mô hình nuôi lợn nái sinh sản kết hợp nuôi lợn thịt, nuôi cá cho thu nhập gần 60 triệu đồng/năm. Từ một hộ nghèo của bản thì nay gia đình anh Phùa đã trở thành điển hình tiêu biểu về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH.

Đối với địa phương còn gần 60% hộ nghèo như huyện Mường Nhé thì việc giúp người dân tiếp cận với nguồn vốn vay chính sách có ý nghĩa hết sức quan trọng để họ vươn lên thoát nghèo. Ông Mai Ngọc Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Mường Nhé, cho biết: Hiện tại, Ngân hàng CSXH huyện đã và đang triển khai 13 chương trình tín dụng chính sách cho hơn 2.300 lượt khách hàng vay vốn, với tổng dư nợ trên 280 tỷ đồng. Đây là các chính sách tín dụng rất thiết thực và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước đối với người nghèo cũng như đồng bào dân tộc thiểu số. Từ các chương trình tín dụng chính sách đã giúp người dân có động lực vươn lên làm giàu, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; từ đó bà con cũng dần thay đổi tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng CSXH đã góp phần giúp nhiều người nghèo, người yếu thế trong xã hội có điều kiện duy trì, ổn định cuộc sống. Bà Lường Thị Yến, Phó trưởng Phòng Kế hoạch nghiệp vụ (Ngân hàng CSXH tỉnh), cho biết: Tính đến hết tháng 9/2021, Ngân hàng CSXH tỉnh đã cho hơn 17.800 lượt khách hàng vay vốn với tổng dư nợ trên 850 tỷ đồng; trong đó hơn 7.000 khách hàng vay ưu đãi hộ nghèo, gần 2.700 khách hàng vay hộ cận nghèo… Nhờ chính sách tín dụng cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn mà nhiều gia đình có nguồn lực, cơ hội vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Hiện nay, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, đơn vị cũng tiến hành giãn nợ cho khách hàng. Mặt khác, để đồng vốn đến tay hộ nghèo đạt hiệu quả cao, Ngân hàng CSXH phối hợp tốt với các tổ chức chính trị - xã hội ở các địa phương thực hiện ủy thác vay vốn, như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Không chỉ tích cực giải ngân các chương trình tín dụng cho đúng đối tượng, thời gian qua, cán bộ ngân hàng đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể phổ biến, hướng dẫn các hộ vay vốn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, tìm mô hình sản xuất phù hợp để bà con học tập, sử dụng vốn đúng mục đích. Nhờ vậy, nhiều hộ vay vốn đã phát triển tốt mô hình kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu và trở thành tấm gương tiêu biểu, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong phong trào xóa đói giảm nghèo.

Có thể thấy, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng hỗ trợ hộ nghèo vươn lên, cải thiện đời sống. Đặc biệt hơn khi tín dụng chính sách tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong ý thức sử dụng nguồn vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh nhằm mục đích thoát nghèo của người dân. Thực tế đó đã minh chứng rằng, nguồn vốn tín dụng chính sách là chiếc “chìa khóa” góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo cũng như tạo tiền đề thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bài, ảnh: Quang Hưng
Bình luận
Back To Top