Thực hiện tiêu chí thu nhập còn nhiều khó khăn

08:32 - Thứ Năm, 21/10/2021 Lượt xem: 3423 In bài viết

ĐBP - Thu nhập được đánh giá là một trong những tiêu chí quan trọng nhất trong xây dựng nông thôn mới (NTM), có vai trò thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nhưng đây cũng là tiêu chí khó đối với các địa phương, nhất là với những xã vùng cao, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh. Đến nay, còn nhiều xã, ngay cả xã được công nhận cơ bản đạt chuẩn vẫn chưa đạt tiêu chí này; còn đối với những xã đã đạt chuẩn NTM thì việc giữ vững tiêu chí này cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là trong 2 năm nay do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Gia đình ông Cà Văn Lún, bản Bông, xã Noong Hẹt (huyện Điện Biên) nuôi gà để tăng thu nhập.

Sau gần 11 năm triển khai xây dựng NTM, đến nay xã Mường Mươn (huyện Mường Chà) được công nhận cơ bản đạt chuẩn với 17/19 tiêu chí. Bộ mặt nông thôn xã Mường Mươn đã có sự thay đổi tích cực. Cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, các điều kiện về y tế, giáo dục, văn hóa và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, cùng với tiêu chí hộ nghèo thì tiêu chí thu nhập hiện nay vẫn khiến chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn. Đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã mới đạt 23 triệu đồng/người/năm. Trong khi theo quy định Bộ tiêu chí NTM, xã đạt chuẩn thì thu nhập phải đạt từ 36 triệu đồng/người/năm trở lên.

Ông Lò Văn Tân, cán bộ địa chính xã Mường Mươn, phụ trách lĩnh vực xây dựng NTM cho biết: Mường Mươn vốn là xã thuần nông, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Thời gian qua, xã đã tranh thủ các nguồn lực, hỗ trợ thực hiện các mô hình phát triển kinh tế, như: Chăn nuôi trâu, bò; phát triển kinh tế rừng, cao su… Tuy nhiên do tập quán sản xuất, chăn nuôi của người dân còn nhỏ lẻ, manh mún; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế nên những mô hình này chưa phát huy hết hiệu quả. Vì vậy xã xác định việc hoàn thành tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM là chặng đường dài. Thời gian tới, xã sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, đưa giống mới, chất lượng vào sản xuất để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Đồng thời tranh thủ và huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao thu nhập; trong đó, chú trọng phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng tập trung.

Tương tự, xã Mường Luân (huyện Điện Biên Đông) cũng gặp không ít khó khăn về tiêu chí thu nhập. Mặc dù đã được công nhận cơ bản đạt chuẩn NTM, nhưng đến nay xã còn 3/19 tiêu chí chưa đạt chuẩn, trong đó có tiêu chí thu nhập. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã mới đạt trên 19 triệu đồng/người/năm. Để tăng thu nhập cho người dân, thời gian tới xã Mường Luân xác định tăng cường tạo việc làm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, trọng tâm là các giống có năng suất, chất lượng cao; tăng cường công tác đào tạo đội ngũ cán bộ khuyến nông; phát triển hình thức hợp tác, liên kết trong cung ứng giống, vật tư, công nghệ sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Không chỉ khó khăn cho các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM, tiêu chí thu nhập còn là nguy cơ đe dọa “rớt chuẩn” đối với một số xã đã đạt chuẩn. Xã Thanh Xương (huyện Điện Biên) được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2018. Hiện nay, mức thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 39 triệu đồng/người/năm. Để nâng cao thu nhập, chính quyền xã đã chỉ đạo, vận động nhân dân tập trung phát triển sản xuất, mở rộng diện tích cây ăn quả có giá trị cao, dồn điền đổi thửa tăng năng suất lúa trên một đơn vị diện tích, tăng đàn gia súc, gia cầm… Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến các hoạt động phát triển sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nên mức thu nhập trên địa bàn chưa được cải thiện.

Theo quy định Bộ tiêu chí xã NTM của tỉnh giai đoạn 2017 - 2020 (năm 2021 vẫn áp dụng), tiêu chí về thu nhập như sau: Thu nhập bình quân năm 2017 phải đạt 26 triệu đồng/người trở lên; năm 2018 đạt 30 triệu đồng/người; năm 2019 đạt 33 triệu đồng/người và năm 2020 phải đạt 36 triệu đồng/người trở lên. Song đến nay, thu nhập bình quân khu vực nông thôn mới đạt 20 triệu đồng/người. Toàn tỉnh mới có 24/115 xã đạt tiêu chí thu nhập. Để nâng cao thu nhập cho người dân, đòi hỏi chính quyền địa phương cần tập trung xây dựng các mô hình phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất phù hợp. Trong đó trọng tâm đẩy mạnh thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi, trồng trọt, thực hiện thâm canh cây trồng có hiệu quả. Cùng với đó thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên cơ sở khai thác lợi thế đất đai, khí hậu của địa phương và gắn với thị trường. Triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; tạo việc làm thường xuyên cho lao động nông thôn.

Thành Đạt
Bình luận
Back To Top