Tạo thế và lực cho nông dân thoát nghèo

17:17 - Chủ Nhật, 24/10/2021 Lượt xem: 2817 In bài viết

ĐBP - 5 năm qua, Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã thực sự đi vào đời sống, có sức lan toả rộng khắp trong các lĩnh vực sản xuất, cơ bản đáp ứng  nhu cầu thực tiễn cuộc sống; tạo thế và lực cho người nông dân vươn lên thoát nghèo, góp phần tạo sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị…

Chị Lường Thị Nguyệt, bản Tin Tốc, xã Mường Tùng (huyện Mường Chà), ngoài nuôi 50 con lợn, chị còn bán hàng tạp hóa, may quần áo, rèm cửa. Mỗi năm cho thu nhập gần 200 triệu đồng. Trong ảnh: Chị Lường Thị Nguyệt chăm sóc đàn lợn. Ảnh: Thùy Trang

Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” (sau đây gọi tắt là Phong trào) là một trong những phong trào được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động. Tại tỉnh Điện Biên, việc triển khai có những khó khăn riêng do là tỉnh miền núi, giao thông khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo cao; đời sống nông dân các dân tộc vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn; lao động qua đào tạo nghề thấp; thiên tai, dịch bệnh diễn biến bất thường, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm…

Để phong trào đạt kết quả cao, Hội Nông dân tỉnh đã thực hiện nghiêm túc, kịp thời việc phổ biến, quán triệt sâu rộng các nghị quyết, chương trình về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Việc chỉ đạo tổ chức thực hiện đảm bảo bám sát chủ trương, nghị quyết của Đảng và mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chương trình hành động của Hội Nông dân tỉnh. Gắn các hoạt động của Hội với chương trình dự án hỗ trợ của tỉnh, của Trung ương Hội và chương trình xây dựng mô hình hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật. Hội cũng phối hợp với các cấp, ngành tạo nguồn lực hỗ trợ nông dân mở rộng các ngành nghề sản xuất và kinh doanh. Tích cực nhân rộng mô hình kinh tế có hiệu quả cao, đánh giá kết quả phong trào gắn với tổng kết công tác và phong trào nông dân, trên cơ sở đó Hội Hội Nông dân tỉnh đề ra các nhiệm vụ, biện pháp cụ thể để triển khai thực hiện.

Công tác tuyên truyền, xây dựng mô hình đẩy mạnh phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi luôn được Hội Nông dân tỉnh quan tâm thực hiện. Hội đã không ngừng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện phong trào. Đặc biệt, với các điển hình tiên tiến, gương sản xuất kinh doanh giỏi, Hội gắn công tác tuyên truyền với tổ chức các hoạt động tham quan mô hình, trao đổi kinh nghiệm, hội thi kiến thức nhà nông, hội thi nông thôn mới... giúp hội viên nông dân hiểu biết sâu, rộng về phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ vươn lên làm giàu và giảm nghèo bền vững. Thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động đã giúp nhận thức của cán bộ, hội viên nông dân có sự chuyển biến tích cực; tạo sự đồng thuận trong hội viên, nông dân và nhân dân với chủ trương của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Phong trào đã phát triển cả bề rộng, chiều sâu, tạo tiền đề cho nông dân tiếp cận thị trường. Đến nay, Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi được duy trì và phát triển sâu rộng tới 129/129 cơ sở với 1.444 chi hội nông dân.

Toàn tỉnh hiện có 3.029 hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Trong đó, 28 hộ đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương; 148 hộ đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh; 820 hộ đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, thị và 2.033 hộ đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp cơ sở.

Tích cực vận động cán bộ, hội viên nông dân thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, tham gia các mô hình chuỗi liên kết sản xuất, chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; từ năm 2016 đến nay, phong trào đã thu hút trên 35.000 hộ nông dân đăng ký tham gia. Qua bình xét, toàn tỉnh có 3.029 hộ nông dân đạt tiêu chuẩn sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Hàng năm Hội đề cử nông dân tiêu biểu tham gia bình chọn danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” và sản phẩm nông nghiệp tham gia bình chọn “Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều gương nông dân điển hình tiêu biểu trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi đã được Trung ương Hội tôn vinh và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc như: Ông Nguyễn Văn Công, ông Lò Văn Pâng (TP. Điện Biên Phủ); Lò Văn Miên, Nguyễn Anh Dũng, Lường Văn Bình (huyện Điện Biên); ông Vàng Văn Lập (Nậm Pồ)…

Bên cạnh tuyên truyền, phổ biến các chính sách của Nhà nước, của tỉnh về hỗ trợ giảm nghèo; Hội Nông dân các cấp trong tỉnh cũng phối hợp hướng dẫn chuyển đổi ngành nghề cho nông dân vùng tái định cư Thủy điện Sơn La tại thị xã Mường Lay, huyện Tủa Chùa, TP. Điện Biên Phủ; phối hợp hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi cho nông dân vùng sắp xếp dân cư theo Đề án 79 tại huyện Mường Nhé. Các cấp Hội phối hợp với chính quyền địa phương vận động hội viên, nông dân tham gia phát triển kinh tế hợp tác, tuyên truyền luật hợp tác xã, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế nhóm hộ. Thông qua thực hiện các mô hình ở 9 huyện, thị, thành phố 17 xã điểm trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ được hàng nghìn hộ phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo (bình quân mỗi năm có trên 1.000 hộ nông dân thoát nghèo bền vững).

Đặc biệt coi trọng việc thực hiện các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất. Đến nay tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đang quản lý đạt 22.089 triệu đồng, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai và nhân rộng các dự án vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân. Toàn tỉnh đã xây dựng và đang thực hiện 63 dự án để phát triển trồng trọt, chăn nuôi trâu, bò sinh sản, chăn nuôi lợn, nuôi trồng thủy sản cho 496 hộ vay với số tiền 21.252 triệu đồng. Hội Nông dân các cấp cũng phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện chương trình ủy thác vốn vay cho 20.459 hộ nông dân với tổng dư nợ 939.234 triệu đồng. Quan tâm hỗ trợ đào tạo nghề cho nông dân, 5 năm qua, 97.255 lượt nông dân trong tỉnh cũng đã được tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt cho; 7.882 hội viên, nông dân được đào tạo nghề...

Với sự hỗ trợ giúp đỡ của Nhà nước và cố gắng vươn lên của hội viên, nông dân, bình quân mỗi năm đã giảm nghèo được 3 - 4% (riêng huyện thuộc Chương trình 30a của Chính phủ giảm từ 5 - 6%), đến nay toàn tỉnh còn 29,96% hộ nghèo. Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” tiếp tục phát triển về số lượng, chất lượng và quy mô, tạo bước chuyển biến trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao đời sống của nông dân và tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Kết quả đạt được trong Phong trào đã thực sự đi vào đời sống nông dân, nông thôn và có sức lan toả rộng khắp trong tất cả các lĩnh vực sản xuất hàng hoá nông, lâm, thuỷ sản, tiểu thủ công nghiệp và kinh doanh dịch vụ. Phong trào đã tạo thế và lực cho người nông dân vươn lên thoát nghèo; góp phần tạo sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị.

Mai Thủy
Bình luận
Back To Top