Tín hiệu tích cực từ cây mắc ca trên đất Nà Khoa

10:01 - Chủ Nhật, 28/11/2021 Lượt xem: 3528 In bài viết

ĐBP - Sau 1 năm trồng thử nghiệm, cây mắc ca được đánh giá phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng tại xã Nà Khoa (huyện Nậm Pồ). Nhìn chung cây sinh trưởng và phát triển tốt, có triển vọng trở thành cây xóa đói giảm nghèo, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống của người dân xã Nà Khoa.

Thành viên Hợp tác xã Nông sản sạch xã Nà Khoa chăm sóc cây mắc ca.

Gắn bó 14 năm với mảnh đất Nà Khoa, anh Trần Ngọc Phương nhận thấy nơi đây nhiều đất trống, có tiềm năng để phát triển cây trồng mang lại hiệu quả cao. Vì vậy, anh tham gia Hợp tác xã Nông sản sạch xã Nà Khoa cùng 7 gia đình khác tìm hướng phát triển kinh tế. Qua nghiên cứu, anh Phương cùng các thành viên Hợp tác xã thống nhất lựa chọn cây mắc ca đưa về trồng thử nghiệm tại Nà Khoa với diện tích ban đầu khoảng 5ha. Anh Phương cho biết: Trước đây gia đình tôi cũng chỉ trồng ngô, sắn, sau đó mới chuyển đổi sang một số cây ăn quả khác. Trong quá trình vừa trồng vừa tìm hiểu tôi nhận thấy cây mắc ca có tiềm năng mang lại hiệu quả kinh tế cao nên quyết định chuyển hướng sang giống cây này. Hơn 1 năm trồng thử nghiệm tôi thấy cây mắc ca dễ sống, khá phù hợp với thổ nhưỡng ở Nà Khoa. Không chỉ vậy, quá trình trồng khá đơn giản, mỗi năm chỉ làm cỏ và bón phân 3 tháng/lần với các loại NPK, phân gà Nhật Bản…

Cùng với anh Trần Ngọc Phương, anh Lý Văn Phượng, bản Nà Khoa cũng đang huy động vốn để trồng thử nghiệm khoảng 200 cây mắc ca. Ngoài chuyển đổi diện tích đất nương kém hiệu quả, anh Phượng còn sử dụng kỹ thuật, kinh nghiệm sau mấy năm làm việc với cây mắc ca ở huyện Mường Nhé. Anh Phượng chia sẻ: Gia đình tôi có nhiều diện tích đất trống nhưng càng trồng càng bạc màu, làm nương không mang lại hiệu quả kinh tế. Thấy Hợp tác xã Nông sản sạch xã Nà Khoa chuyển đổi đất kém hiệu quả sang trồng mắc ca, tôi mới bàn với gia đình trồng thử nghiệm, nếu sinh trưởng, phát triển tốt mới mở rộng diện tích. Vì trồng cây này đòi hỏi nguồn vốn đầu tư ban đầu khá lớn. Dẫu vậy tôi cũng rất tin tưởng dự án này sẽ thành công vì cây mắc ca nhìn chung hợp thổ nhưỡng, lớn nhanh, phát triển tốt… 

Ngoài gia đình anh Phương, anh Phượng, ở Nà Khoa cũng có nhiều hộ dân khác mạnh dạn trồng thử nghiệm cây mắc ca, như gia đình bà Lý Thị Đào, bản Nà Khoa trồng với diện tích 3,5ha; gia đình ông Thào A Sàng, bản Nậm Nhừ 2, trồng 1ha… Theo thống kê của UBND xã Nà Khoa, tổng diện tích trồng cây mắc ca trên địa bàn khoảng 9,5ha. Qua 1 năm trồng thử nghiệm cho thấy cây dễ chăm sóc, không bị sâu bệnh hại và khá phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng; sinh trưởng, phát triển tương đối tốt, tỷ lệ cây sống đạt trên 98%. Hiện nay, cây đã cao khoảng 1m trở lên. Ông Thùng Văn Quân, Bí thư Đảng ủy xã Nà Khoa cho biết: Đảng bộ xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao, trong đó có cây mắc ca. Đặc biệt, trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đã đề ra chỉ tiêu trồng 40ha cây mắc ca trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tuy nhiên chỉ sau 1 năm thực hiện Nghị quyết, diện tích mắc ca trên địa bàn xã đã được khoảng 9,5ha, đạt gần 24% so với chỉ tiêu đề ra. Trong thời gian tới, xã tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục chuyển đổi những diện tích đất nương kém hiệu quả, tận dụng diện tích đất trống để trồng cây có hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là cây mắc ca.

Hơn 1 năm bén rễ đất Nà Khoa, cây mắc ca đang mang lại những tín hiệu tích cực cho nông dân nơi đây về một tương lai thoát đói nghèo. Dẫu vậy vẫn cần thời gian để có thể đánh giá được chính xác hiệu quả cây mắc ca mang lại bằng những sản phẩm cụ thể. Thế nhưng, chỉ tính riêng công chăm sóc, bón phân 4 lần/năm với diện tích mắc ca ngày càng tăng như hiện nay cũng đã tạo việc làm cho không ít người dân ở xã Nà Khoa.

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận
Back To Top