Chợ truyền thống trong xu thế mới

08:37 - Thứ Năm, 02/12/2021 Lượt xem: 4010 In bài viết

ĐBP - Sự phát triển của hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, cùng việc thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân đã làm tăng áp lực cạnh tranh, giảm sức tiêu thụ của các chợ truyền thống. Phát triển chợ truyền thống trong xu thế mới, các ngành có liên quan của tỉnh, các địa phương, tiểu thương kinh doanh tại chợ đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để phát triển ổn định, hiệu quả, phù hợp với thị trường.

Người dân mua hàng tại chợ Trung tâm III, phường Mường Thanh (TP. Điện Biên Phủ).

Phường Mường Thanh (TP. Điện Biên Phủ) hiện đang quản lý chợ Trung tâm III và chợ Mường Thanh, đây là các chợ chiếm tỷ trọng lớn trong mua bán hàng hóa của người dân thành phố. Tại chợ Mường Thanh hiện có gần 20 gian hàng đang hoạt động và khoảng 400 hộ buôn bán nhỏ lẻ hàng ngày. Tuy nhiên, do chưa được quy hoạch hợp lý nên người dân hoạt động phần lớn trên hành lang hè phố, họp chợ tràn lan trên diện tích đất của Công viên sông Nậm Rốm và điểm di tích lịch sử. Nhiều người dân tự ý giăng ô che khắp nơi, thậm chí có người bán hàng còn đặt ô ngay giữa lòng đường, khiến cho đoạn đường ở khu vực này trở nên chật hẹp, gây khuất tầm nhìn.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch UBND phường Mường Thanh cho biết: UBND phường đã xây dựng phương án để giải quyết những bất cập tại khu vực chợ Mường Thanh. Trong đó, tiến hành xây dựng 1 điểm chợ tạm tại khu vực cạnh Cung Văn hóa Thiếu nhi tỉnh với diện tích 3.200m2 để di chuyển những hộ dân đang buôn bán tại khu vực đất Công viên sông Nậm Rốm và điểm di tích lịch sử sang, nhằm quy hoạch lại chợ cho hợp lý và giảm áp lực quá tải của chợ. Cùng với đó, trong năm 2022, tỉnh, thành phố và phường cũng đã xây dựng chiến lược phát triển chợ Mường Thanh theo hướng hiện đại nhưng vẫn mang đậm thương hiệu truyền thống.

Theo ông Tùng, không chỉ có vai trò quan trọng phân phối tiêu thụ hàng hóa, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động; chợ truyền thống còn hàm chứa giá trị văn hóa gắn với những thói quen, tập quán của từng vùng mà các loại hình thương mại khác khó có thể thay thế được.

Còn tại chợ Trung tâm III, sau khi UBND phường Mường Thanh tiếp nhận quản lý chợ từ cuối năm 2020, phường đã triển khai nhiều biện pháp như xây dựng quy chế hoạt động của chợ, mở lại hệ thống trật tự đô thị tại khu vực chợ, vận động bà con không lấn chiếm hành lang hè phố, khuyến khích người bán di chuyển vào bên trong chợ…; từng bước thay đổi nhận thức của các hộ kinh doanh.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, xu hướng mua sắm trực tuyến trở thành xu thế tất yếu. Các ban quản lý chợ thường xuyên tuyên truyền để tiểu thương nâng cao chất lượng phục vụ, bảo đảm kinh doanh thực phẩm an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nâng cao sức cạnh tranh với hàng hóa cùng loại trên thị trường. Cùng với đó, để bắt kịp với xu thế mới của thị trường, nhiều tiểu thương đã phải tự “chuyển mình” để tiếp tục kinh doanh.

Tại chợ Trung tâm I (TP. Điện Biên Phủ), thời gian qua, sức mua của người tiêu dùng với các mặt hàng quần áo, nông sản… giảm mạnh do vấp phải sự cạnh tranh của các kênh bán lẻ hiện đại. Chị Nguyễn Thị Oanh, chủ một cửa hàng thời trang cho biết: Mặc dù chợ đã được đầu tư, quy hoạch khang trang, sạch đẹp nhưng do hình thức bán lẻ trực tuyến thời gian gần đây “lên ngôi”, nên các hộ kinh doanh tại chợ gặp nhiều khó khăn do sức mua giảm mạnh. Để đảm bảo doanh thu, ngoài hình thức bán hàng theo kiểu truyền thống, tôi đã bắt đầu quen với việc bán hàng online, giới thiệu sản phẩm của mình qua mạng xã hội, kết hợp với phát video để bán hàng trực tiếp thu hút khách hàng.

Toàn tỉnh hiện có 34 chợ (16 chợ thành thị, 18 chợ nông thôn); trong đó, 1 chợ hạng I, 8 chợ hạng II, 25 chợ hạng III. Nhiều chợ truyền thống đã bộc lộ hạn chế về cơ sở hạ tầng, điều kiện kinh doanh, kém cạnh tranh như: Chợ còn quá tải, xuống cấp, chưa đảm bảo vệ sinh, không gian mua bán chật hẹp, hàng hóa bán tại chợ chưa được niêm yết giá đầy đủ… Tuy nhiên, chợ truyền thống cũng có những lợi thế nhất định: Đa dạng mặt hàng, thuận tiện mua sắm, phương thức thanh toán linh hoạt...

Để chợ truyền thống phát triển bền vững, Sở Công Thương đang nỗ lực cùng các địa phương tiếp tục xóa bỏ, ngăn chặn việc phát sinh chợ cóc, chợ tạm, đồng thời triển khai nhiều dự án nâng cấp, xây mới chợ truyền thống theo hướng hiện đại, văn minh, đảm bảo vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó là hướng dẫn các giải pháp nâng cao công tác quản lý, kinh doanh và khai thác chợ; tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc tại các khu vực chợ, đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các hộ kinh doanh để xây dựng chợ an toàn thực phẩm và văn hóa kinh doanh.

Châu Linh
Bình luận
Back To Top