Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng

08:21 - Thứ Hai, 17/01/2022 Lượt xem: 2624 In bài viết

ĐBP - Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa nương sang trồng cây dứa tại huyện Mường Chà, giai đoạn 2017 - 2021 là mô hình được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá đạt hiệu quả. Với mô hình này, huyện đã thực hiện chuyển đổi 240ha; trong đó, 75ha chuyển đổi năm 2017; 42ha năm 2018; 17ha năm 2019, 36ha năm 2020 và 70ha năm 2021. Thông qua công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã và đang góp phần giảm xói mòn, rửa trôi đất, tăng thu nhập cho người dân (thu nhập tăng gấp 4 - 5 lần so với trồng lúa nương).

Tương tự, mô hình nuôi hươu sao tại Hợp tác xã Tiến Đạt, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên cũng vậy. Hợp tác xã thành lập năm 2021, với 7 thành viên tham gia (trên cơ sở các hộ gia đình đã nuôi từ trước). Hiện nay, hợp tác xã nuôi tổng số 176 con hươu sao; trong đó, 130 con trưởng thành, 46 con còn non. Bình quân 1 hộ thành viên nuôi 8 con, doanh thu của HTX/năm ước tính 1.215 triệu đồng; thu nhập bình quân/thành viên/năm khoảng 170 triệu đồng. Sản phẩm chủ yếu là nhung hươu, ước giá trị 525 triệu đồng và hươu con giống 690 triệu đồng (các hộ để lại đầu tư mở rộng sản xuất).

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nương, cây xoài Đài Loan được trồng tại xã Nà Tòng, huyện Tuần Giáo mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa nương.

Không chỉ với 2 mô hình trên, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chú trọng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; trong đó tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực có lợi thế. Đặc biệt là lúa, gạo, cà phê, chè, chăn nuôi đại gia súc, thủy sản và các cây trồng, vật nuôi mới, phù hợp có giá trị kinh tế cao theo hướng liên kết, tạo sản phẩm hàng hóa bền vững. Năm 2021, tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng ước đạt 2.188ha (chưa bao gồm cây mắc ca). Trong đó, chuyển đổi sang trồng cây công nghiệp dài ngày (cây gai xanh) 7ha trên đất lúa nương; chuyển đổi sang trồng cây ăn quả (dứa, xoài, bơ...) 189ha, chuyển đổi trên đất lúa nương 181ha, trên đất màu 9ha. Ngoài ra, tỉnh còn chuyển đổi sang trồng cây thức ăn gia súc (cỏ và ngô sinh khối) 281ha trên đất lúa nương... Xác định là cây trồng mới, chủ lực cho giá trị kinh tế cao Điện Biên đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện chuyển đổi cây mắc ca. Tính đến hết năm 2021, tổng diện tích cây mắc ca đã trồng trên địa bàn tỉnh là 3.821ha (trong đó trồng thuần 3.767ha, trồng xen canh 54ha); riêng năm 2021 trồng mới được 929ha chủ yếu trên diện tích đất lâm nghiệp, tăng 62% so với năm 2020. Diện tích này tập trung chủ yếu tại các huyện như: Tuần Giáo, Mường Ảng, Điện Biên. Đến nay, toàn tỉnh đã có 8 dự án trồng cây mắc ca được phê duyệt chủ trương đầu tư, với tổng diện tích 47.046ha, tổng vốn đầu tư 8.812 tỷ đồng; các doanh nghiệp đã trồng được 3.375ha.

Không chỉ với cây trồng, thời gian qua ngành Nông nghiệp còn tập trung phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê). Đây là những đối tượng vật nuôi ít chịu ảnh hưởng bởi nguồn thức ăn thương mại, những đối tượng này có khả năng tận dụng tốt các nguồn thức ăn xanh và phụ phẩm của nông nghiệp, có sức đề kháng, thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên địa phương. Ngoài ra là phát triển chăn nuôi ong, hươu sao theo mô hình liên kết nhằm đa dạng hóa các sản phẩm chăn nuôi, phát triển kinh tế, ổn định đời sống người chăn nuôi. Song song với đó, đơn vị cũng tập trung phát triển nuôi trồng các loại cá truyền thống, cá rô phi đơn tính và một số loài đặc sản như baba, cá lăng, cá tầm, cá hồi; chú trọng phát triển nuôi cá lồng bè trên sông, hồ chứa và nuôi thủy sản nước ngọt (rô phi đơn tính, cá chép giòn).

Theo kết quả rà soát thực trạng diện tích đất nông, lâm nghiệp, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 408.941 ha đất trống không có rừng có thể thực hiện các dự án đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, gồm 227.979ha đất thuộc quy hoạch rừng phòng hộ, sản xuất và 135.962ha đất khác. Đây chính là tiềm năng, lợi thế sẵn có của Điện Biên để tiếp tục đẩy mạnh hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Đức Kiên
Bình luận

Tin khác

Back To Top