Thúc đẩy tín dụng nông nghiệp, nông thôn

06:05 - Thứ Năm, 21/04/2022 Lượt xem: 1838 In bài viết

ĐBP - Không ngừng đưa nguồn vốn vay phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn đến tay người dân, những năm qua Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh Điện Biên (Agribank Điện Biên) đã đồng hành, giúp nhiều hộ dân có vốn để xây dựng thành công mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Agribank Điện Biên đã triển khai nhiều giải pháp, thực hiện tốt chính sách tín dụng, như: Cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn, giảm lãi, phí... cho người dân bị ảnh hưởng. Qua đó giúp người dân tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh Điện Biên.

Nối tiếp thành công việc thực hiện Nghị định 41/2010/NĐ - CP về chính sách cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tháng 8/2015 Chính phủ đã ban hành Nghị định 55/2015/NĐ - CP, thay thế Nghị định 41; gần nhất là Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều về chính sách cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Nghị định 116 đã tháo gỡ được nút thắt cho vay vốn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với những quy định thông thoáng hơn về đối tượng vay vốn và hạn mức cho vay, như: Nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng; từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình sản xuất nông nghiệp cư trú ngoài khu vực nông thôn; đối với tổ chức, cá nhân có dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong sản xuất nông nghiệp được xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm lên đến 70 - 80% giá trị phương án sản xuất kinh doanh; nhiều doanh nghiệp được vay vốn tổ chức thực hiện các dịch vụ phụ trợ cho sản xuất nông nghiệp, đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn...

Trước đây gia đình ông Lò Văn Tắn, bản Ho Cang, xã Lay Nưa (TX. Mường Lay) gặp nhiều khó khăn, kinh tế phát triển không ổn định do thiếu vốn, thiếu tư liệu sản xuất và chưa biết áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào thâm canh tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi. Khi chính sách cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được triển khai, ông Tắn mạnh dạn vay 200 triệu đồng đầu tư phát triển kinh tế gia đình, gồm: Chăn nuôi gia súc, gia cầm, cá, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đến nay tổng thu nhập (sau khi đã trừ chi phí) mỗi năm của gia đình ông đạt hơn 410 triệu đồng.

Cũng là khách hàng lâu năm của Agribank Điện Biên, năm 2016 ông Mùa Chớ Sùng, bản Pá Kha, xã Nà Bủng (huyện Nậm Pồ) vay vốn ngân hàng để mua giống cây trồng, vật nuôi, thuốc trừ sâu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hiện nay gia đình ông có 6ha đất sản xuất, 65 con trâu, 30 con bò. Mô hình phát triển kinh tế của gia đình ông hàng năm đã tạo việc làm cho người thân trong gia đình và thường xuyên thuê 15 lao động theo mùa vụ với mức thu nhập từ 3 - 4  triệu đồng/tháng. Ngoài ra, ông Sùng còn giúp đỡ các hộ nghèo, anh em trong bản về giống, vật nuôi trị giá trên 30 triệu đồng không lấy lãi.

Nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực nhiều tiềm năng nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro bởi dịch bệnh, thời tiết, thiên tai... nên tín dụng đầu tư cho lĩnh vực này cũng đối mặt với cả thời cơ và thách thức.

Theo ông Vũ Anh Thắng, Phó Giám đốc Agribank Điện Biên thì hoạt động trong lĩnh vực được cho là nhiều rủi ro nhưng những năm qua Ngân hàng luôn nỗ lực đa dạng kênh dẫn vốn, mang nguồn vốn tín dụng đến tận tay người dân. Đặc biệt, để chính sách đến với người dân có hiệu quả, Agribank Điện Biên kịp thời cập nhật và áp dụng đầy đủ những bổ sung, sửa đổi các quy định của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về cho vay vốn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân biết. Đồng thời ký thỏa thuận và quy chế phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể để thực hiện chính sách tín dụng; đơn giản hóa thủ tục vay vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay và phù hợp với các quy định của pháp luật.

Nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách, những năm qua dư nợ cho vay đối với nông nghiệp, nông thôn luôn đạt tốc độ tăng trưởng bình quân cao hơn so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung. Tính đến hết tháng 3/2022, tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn toàn tỉnh đạt 4.476 tỷ đồng, chiếm 69,2% tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh, với 15.671 khách hàng dư nợ. Agribank Điện Biên cũng chủ động thực hiện các biện pháp gỡ khó cho khách hàng trong trường hợp gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh. Đến hết tháng 3/2022, có 1.096 khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 được cho vay ưu đãi với doanh số cho vay 8,031 tỷ đồng; dư nợ cho vay do ảnh hưởng dịch Covid-19 trong tháng 3/2022 gần 2,58 tỷ đồng. Agribank Điện Biên cũng rà soát, đánh giá, tháo gỡ khó khăn và thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí... với  tổng dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ hơn 53,2 tỷ đồng đối với 28 khách hàng.

Agribank Điện Biên phấn đấu đến cuối năm dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm trên 70% tổng dư nợ nền kinh tế. Để dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được khơi thông hiệu quả, thời gian tới đơn vị tăng cường các biện pháp huy động vốn, mở rộng lĩnh vực cho vay nông nghiệp, nông thôn, nông dân, cho vay hộ sản xuất, cá nhân. Coi đây là lĩnh vực then chốt, ổn định lâu dài trong định hướng tín dụng của đơn vị.

Văn Tâm
Bình luận
Back To Top