ĐBP - Những ngày này, các vùng vải ở huyện Thanh Hà (Hải Dương) liên tục đón những đoàn doanh nghiệp tới kiểm tra thực tế sản xuất để chuẩn bị cho các đơn hàng mang đi tiêu thụ.
Nhiều đoàn khách quốc tế (Nhật Bản, Australia…) xuống tận các vườn vải tham quan, kiểm định chất lượng… chuẩn bị cho các đơn hàng xuất khẩu.
3 tăng
Năm nay, sản lượng vải tăng, chất lượng, mẫu mã được đánh giá cao hơn những năm trước.
Để khẳng định giá trị, chất lượng vải thiều trên thị trường, đặc biệt là thị trường quốc tế, Hải Dương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nghiêm túc thực hiện quy trình sản xuất theo hướng dẫn chuyên môn, không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục. Các phòng chuyên môn thường xuyên kiểm tra, giám sát, động viên nông dân sản xuất vải theo quy trình. Các cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật cam kết không bán các loại thuốc có chất cấm dùng cho vải.
Ông Vũ Văn Nhuận ở thôn Thiệu Mỹ, xã Vĩnh Lập, người đầu tiên của huyện Thanh Hà có vải u trứng trắng bán rất mừng vì có 3 tạ vải được chọn xuất khẩu đi Mỹ. Vải của gia đình ông được doanh nghiệp mua tại vườn mỗi cân 80.000 đồng. Ông Nhuận cho biết: "Để sản phẩm xuất khẩu được sang thị trường Mỹ, chúng tôi đã nghiêm túc tuân thủ quy trình sản xuất vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP như hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, khi cần thì dùng liều lượng thấp và dùng thuốc trong danh mục cho phép. Chúng tôi đều có sổ sách ghi chép rõ thời gian, liều lượng thuốc đã dùng. Nhờ đó, sản phẩm đã đáp ứng được yêu cầu chất lượng cao của thị trường này".
Còn ông Trịnh Tố Tôn ở thôn Vĩnh Ninh, xã Thanh Cường (cùng huyện Thanh Hà) cho biết vải sớm trước đây có vị hơi chua, chát nhưng bằng việc áp dụng các tiến bộ khoa học, thay đổi trong quy trình chăm sóc nên nay đã ngon, ngọt và thơm hơn, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Nhờ vậy, giá trị quả vải không ngừng tăng lên. Giá mỗi cân vải u trứng trắng đầu vụ (trà vải sớm nhất) gần 200.000 đồng, cao hơn 60.000 đồng so với cùng kỳ năm ngoái, giữa vụ (nửa cuối tháng 5), giá bán ổn định khoảng 90.000 đồng/kg.
Chuỗi sự kiện quảng bá cho quả vải
Để chủ động về đầu ra cho quả vải thiều, ngay từ sớm, tỉnh Hải Dương đã có kế hoạch kết nối, xúc tiến, quảng bá để tiêu thụ vải thiều. Đáng chú ý nhất là chuỗi các sự kiện được tổ chức vào các ngày 28, 29, 30.5 như Lễ hội mở vải xuất khẩu, Hội thi “Vải thiều - Tinh hoa văn hóa Xứ Đông”; Diễn đàn khuyến nông với chủ đề “Nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn góp phần thúc đẩy tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sản phẩm vải thiều Thanh Hà”...
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch để quảng bá, kết nối tiêu thụ vải với các doanh nghiệp, siêu thị lớn ở các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Đà Nẵng... Ngoài ra, Sở Công thương cũng có nhiều chương trình xúc tiến để đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều.
Ông Vũ Việt Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Việc kết nối không chỉ dừng ở các sự kiện tập trung mà còn diễn ra thường xuyên trong năm. Ngay trong năm 2021, sở đã mời nhiều doanh nghiệp về thăm các vùng vải để khảo sát, đánh giá việc tiêu thụ vải ở thị trường trong nước và xuất khẩu vải năm 2022. Sở cũng phối hợp với các đơn vị để nhờ phía nước bạn quảng bá sản phẩm quả vải Hải Dương. Chính vì vậy, vụ này đã có nhiều doanh nghiệp đến ký hợp đồng ngay từ sớm. Trong đó, các đơn hàng xuất khẩu vải đi thị trường châu Âu tăng mạnh so với mọi năm".
Việc chủ động thị trường, thường xuyên kết nối doanh nghiệp, xúc tiến thương mại cùng với kiểm soát vùng trồng để nâng cao chất lượng đã giúp vải Hải Dương tạo uy tín trên thị trường và có sức hút với nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. Ngoài những doanh nghiệp truyền thống, năm nay vùng vải của Hải Dương đón tiếp thêm nhiều doanh nghiệp mới, đặc biệt là các đơn vị xuất khẩu.
Thêm nhiều bạn hàng mới
Nhờ tích cực tổ chức những hoạt động xúc tiến thương mại, nhiều doanh nghiệp đã đến ký kết hợp đồng tiêu thụ vải Hải Dương với số lượng lớn. Chị Thái Thị Thanh Lan, đại diện Công ty TNHH Việt Nam Đông Dương ở quận Long Biên (Hà Nội) - đơn vị chuyên xuất khẩu các mặt hàng nông sản cho biết: “Qua tìm hiểu thị trường, chúng tôi nhận thấy quả vải Thanh Hà được đánh giá cao hơn các vùng miền khác bởi hương vị thơm ngon đặc trưng. Đầu tháng 6, chúng tôi sẽ xuất khẩu lô hàng đầu tiên sang thị trường châu Âu. Nếu tiêu thụ thuận lợi, chúng tôi sẽ tiếp tục thu mua vải của Hải Dương”.
Vụ này, Công ty CP Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu (Bắc Giang) cũng có kế hoạch thu mua hơn 200 tấn vải ở Hải Dương để xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản và các nước khu vực Trung Đông… cao gấp nhiều lần so với vụ vải năm 2021. Theo bà Đỗ Linh Nhâm, Phó Giám đốc công ty, hiện các đơn hàng vải tươi đã được ký kết thành công. Với những diện tích vải bảo đảm chất lượng tốt, công ty sẽ thu mua với số lượng lớn. Giá vải thu mua để xuất khẩu cao hơn từ 30-40% so với ngoài thị trường. Công ty cũng thu mua hàng nghìn tấn vải để chế biến đông lạnh.
Không chỉ có sức hút đối với doanh nghiệp, quả vải Hải Dương còn hấp dẫn nhiều đoàn chuyên gia của nước ngoài. Mới đây, vùng vải ở xã Thanh Quang (Thanh Hà) đã tiếp đón đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp, Nước và Môi trường Australia. Ông Peter Creaser, Trợ lý Bộ trưởng Nông nghiệp, Nước và Môi trường Australia chia sẻ: "Vải được nông dân trồng theo quy trình nghiêm ngặt, quả vải được xử lý qua nhiều công đoạn trước khi xuất sang nước chúng tôi. Với quy trình như vậy, quả vải Hải Dương chắc chắn sẽ đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Chúng tôi sẽ xem xét để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu vải tươi Việt Nam vào thị trường Australia".
Đến cuối tháng 5, khoảng 50 doanh nghiệp đã làm việc và có kế hoạch thu mua vải của Hải Dương. Trong đó có hơn 30 doanh nghiệp xuất khẩu vải đi các thị trường khó tính như Nhật Bản, Australia, châu Âu... Ngoài doanh nghiệp thường xuyên thu mua vải của Hải Dương thì có khoảng 40% số doanh nghiệp lần đầu tiên đến thu mua vải. Dự kiến, năm nay vải Hải Dương sẽ "mở cửa" thêm thị trường các nước như Hà Lan, Séc và một số nước Đông Âu.
Năm 2022, Hải Dương có 8.900 ha trồng vải, trong đó huyện Thanh Hà có 3.250 ha, TP Chí Linh 3.400 ha, còn lại là các địa phương khác. Năm nay thời tiết thuận lợi cùng với việc áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật hiện đại nên sản lượng vải ước đạt trên 60.000 tấn, tăng khoảng 10% so với vụ trước. Sản lượng vải trồng được chứng nhận theo quy trình VietGAP, GlobalGAP đạt khoảng 6.000 tấn, ngoài ra còn khoảng 27.000 tấn vải cũng được sản xuất theo quy trình VietGAP và BasicGAP.