Khi phụ nữ vươn lên làm chủ

05:42 - Thứ Năm, 09/06/2022 Lượt xem: 4266 In bài viết

ĐBP - Với ý chí và khát vọng dựng xây, tinh thần dám nghĩ, dám làm, nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện ngày càng nhiều những “bông hoa” triệu phú. Họ là nữ giám đốc, nữ chủ doanh nghiệp, những tấm gương sáng, tiếp nối truyền thống, khẳng định phẩm chất cao đẹp “Tự tin - tự trọng - trung hậu - đảm đang” của người phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới.

Chị Hạng Thị Chá, bản Cây Sặt, xã Huổi Lếch (huyện Mường Nhé) xay xát thóc phục vụ người dân trong bản. Ảnh: C.T.V

Vượt quãng đường hơn 200km, chúng tôi có mặt tại huyện biên giới Mường Nhé. Từ trung tâm huyện xuôi theo con đường mòn, khấp khểnh đá hộc, chúng tôi về bản Cây Sạt, xã Huổi Lếch tìm gặp chị Hạng Thị Cha, gương điển hình trong phát triển kinh tế, tự thân lập nghiệp của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện.

Vừa tất bật băm cỏ cho bò ăn, chị Cha vừa chia sẻ: “Muốn đàn bò khỏe mạnh, sinh trưởng và phát triển tốt thì chuồng trại phải sạch sẽ, nguồn thức ăn đảm bảo, tiêm thuốc thú y định kỳ”. Khởi nghiệp từ đôi bàn tay trắng, chị Cha đã tự thân vận động, dám nghĩ dám làm, đẩy mạnh phát triển kinh tế, nhất là thay đổi tư duy, nếp nghĩ cách làm trong sản xuất, canh tác, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương. Chị Cha phấn khởi tiếp lời: “Nếu như mình có nghị lực thì không có việc gì là khó cả!. Để có được những thành quả như hôm nay, mình đã tích cực khai hoang, cải tạo vườn đồi; huy động các nguồn vốn xây dựng chuồng trại, phát triển mô hình VAC. Không biết thì đi học, tìm hiểu ở những mô hình chăn nuôi thành công, chịu khó nghe đài, đọc sách báo, tham gia các khóa học do xã, huyện tổ chức... đó là những kinh nghiệm được chị Cha đúc kết để xây dựng thành công mô hình VAC. Với đức tình cần cù, chịu thương, chịu khó, sau nhiều năm nỗ lực bền bỉ chị Hạng Thị Cha đã cất dựng được ngôi nhà sàn rộng rãi, có trong tay trang trại nuôi 40 con lợn, 14 con bò, 30 con dê, 22 con trâu, 4 con ngựa và hàng trăm con gia cầm các loại đã mạng lại nguồn thu nhập ổn định trên 200 triệu/năm. Từ số tiền tích lũy, chị Cha tiếp tục đầu tư hệ thống máy xay xát thóc, ngô; bán hàng tạp hóa (bánh, kẹo, thức ăn chăn nuôi...) phục vụ người dân trong bản. Không chỉ “sáng” về phát triển kinh tế, phát huy tinh thần “tương thân tương ái”, chị Cha đã tích cực đi từng ngõ, gõ từng nhà, vận động, hỗ trợ kinh nghiệm, tư liệu sản xuất để chị em trong bản vươn lên xóa đói giảm nghèo, làm chủ kinh tế.

Chia tay Huổi Lếch, chúng tôi về bản Chăn, xã Quài Nưa (huyện Tuần Giáo), thăm hội viên phụ nữ trẻ Quàng Thị Minh (sinh năm 1991). Là người chăm chỉ, tích cực chăn nuôi, sản xuất nên gia đình chị Minh đã thoát khỏi đói nghèo, trở thành hộ tiêu biểu về phát triển kinh tế của bản, xã. Chị Minh giãi bày: Tận dụng lợi thế về thổ nhưỡng, đồng cỏ rộng lớn, mình đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 50 triệu đồng để xây dựng chuồng trại, phát triển chăn nuôi dê, lợn nái, lợn giống và lấy thịt (theo hình thức nuôi nhốt). Đàn lợn, nhất là lợn nái cần được chăm sóc theo quy trình kỹ thuật rất khắt khe. Để lợn giống đạt chất lượng tốt nhất, lợn thịt bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, thì ngay từ khi bắt đầu nuôi cần được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh. Để có nguồn thức ăn đảm bảo, mình luôn lựa chọn hãng thức ăn gia súc có uy tín và kết hợp rau trồng tại vườn nhà để làm thức ăn xanh cho lợn. Nhờ vậy, trang trại lợn nhà chị luôn phòng tránh được dịch bệnh, lợn giống và lợn thương phẩm bán được giá, bởi thương lái và hộ chăn nuôi tin tưởng vào chất lượng. Hiện nhà chị Minh có 20 con dê thịt, 6 con lợn nái, 50 con lợn giống, hơn 10 con lợn thịt và 6 con trâu, bò. Mỗi năm chị Minh xuất 2 lứa lợn cho thu nhập từ 130 - 150 triệu/năm.

Phát huy tính chủ động, sáng tạo, những năm qua Hội LHPN các cấp đã nhân rộng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động gắn với đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; từ đó tạo động lực, khí thế, khơi gợi ý chí phấn đấu trong mỗi hội viên phụ nữ. Thông qua các phong trào, cuộc vận động, như: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; phong trào thi đua “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới” gắn với Cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; “Mỗi hộ gia đình nông thôn có 1 vườn rau sạch và nuôi từ 10 con gia cầm trở lên”... đã xuất hiện ngày càng nhiều tập thể, cá nhân phụ nữ tiêu biểu trên mặt trận phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, đối với phụ nữ vùng cao, họ đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, vượt qua mặc cảm, sự tự ti, nhất là mạnh dạn khởi sự kinh doanh, sản xuất, hiện thực hóa ước mơ làm giàu, góp phần cùng với Đảng bộ và chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Theo thống kê, năm 2021 Hội LHPN các cấp đã hỗ trợ, giúp đỡ 6.620 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ; trong đó, 550 phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo đã cho thấy sự tiến bộ rõ rệt của những người phụ nữ vốn quanh năm chỉ biết lo lắng việc trong bếp, dưới sàn. Đặc biệt đã xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương tiêu biểu, những “bông hoa” triệu phú trong sản xuất, kinh doanh giỏi (toàn tỉnh hiện có 302 nữ giám đốc, chủ doanh nghiệp; 43 nữ giám đốc hợp tác xã và hàng nghìn phụ nữ kinh doanh giỏi...).

Dù số lượng phụ nữ trên địa bàn tỉnh làm chủ doanh nghiệp, giám đốc hợp tác xã, thoát nghèo bền vững chưa phải nhiều, nhưng đó là bước tiến vượt bậc tại tỉnh vùng cao, biên giới còn nhiều khó khăn như Điện Biên. Họ đã và đang chứng tỏ bản lĩnh, vị thế của người phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ Điện Biên nói riêng: “Kiên cường - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.

Sầm Phúc
Bình luận

Tin khác

Back To Top