Các dự án đầu tư vào nông, lâm nghiệp còn khó khăn

06:34 - Thứ Bảy, 11/06/2022 Lượt xem: 3891 In bài viết

ĐBP - Việc thu hút các dự án đầu tư vào nông, lâm nghiệp được xem là yếu tố then chốt để thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn.

Lãnh đạo UBND tỉnh kiểm tra dự án cây công nghiệp, ăn quả chất lượng cao tại phố 4, thị trấn Mường Ảng (huyện Mường Ảng).

Ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Giai đoạn từ 2015 đến nay có 25 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp được tỉnh cấp giấy chứng nhận, chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng số vốn đầu tư khoảng 11.184 tỷ đồng. Trong đó, năm 2021 có 4 doanh nghiệp được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp với tổng vốn điều lệ khoảng gần 3.600 tỷ đồng. Để đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư vào nông, lâm nghiệp ngành nông nghiệp cùng chính quyền các địa phương đã thực hiện rà soát, tham mưu cho các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các cơ chế, chính sách hỗ trợ. Cùng với đó, tổ chức xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; cung cấp kịp thời, đầy đủ về tình hình thị trường. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các rào cản về điều kiện kinh doanh trong nông nghiệp, tạo sức hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư. Ngành nông nghiệp và các huyện, thị xã, thành phố cũng thường xuyên phối hợp, trao đổi với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư để nắm bắt tình hình, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn.

Một số dự án tiêu biểu như: Dự án trồng cây mắc ca công nghệ cao tại huyện Tuần Giáo do Công ty cổ phần Maccadamia Điện Biên là một trong những dự án đầu tư vào linh vực nông lâm nghiệp trong năm qua. Dự án có quy mô  trồng 2.000ha cây mắc ca, hiện nay đã trồng 1.600ha. Năm 2021 có khoảng 50ha ra quả, sản lượng ước đạt khoảng 35 tấn. Dự án đầu tư xây dựng nhà máy thu mua và chế biến cà phê Việt Bắc của Công ty TNHH xuất nhập khẩu cà phê Việt Bắc là nhà máy đầu tiên trong lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản cho người dân trên địa bàn huyện Mường Ảng, công suất tối đa đạt 250 tấn/ngày. Nhà máy xây dựng, lắp đặt xong và đưa vào vận hành năm 2021, giải quyết nhu cầu bức thiết của người dân trên địa bàn về tiêu thụ sản phẩm cà phê nguyên liệu; góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn huyện...

Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực song hiện nay việc đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp chưa xứng với tiềm năng. Ngoài ra, việc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp có nhiều rủi ro bởi ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh, giá cả nông sản không ổn định. Đơn cử như với Dự án Trồng cây mắc ca kết hợp với trồng rừng, dược liệu và xây dựng khu chế biến sản phẩm tại xã Phu Luông, huyện Điện Biên của Công ty TNHH xuất nhập khẩu thương mại và Đầu tư Phú Thịnh. Dự án có quy mô 3.508,6ha nhưng đến nay Công ty mới trồng được 358ha (đạt 10,2% so với tổng quy mô dự án). Có nhiều khó khăn, vướng mắc trong đó có việc một số hộ dân chưa đồng thuận. Công ty thực hiện đo đạc, quy chủ, hỗ trợ khai hoang, cải tạo đất để lập hồ sơ xin thuê đất tại 4 bản (Huổi Cảnh, Loọng Ngua, Pá Chả, C5) tuy nhiên một số hộ dân chưa đồng ý nhận chi phí hỗ trợ khai hoang, cải tạo đất và trả lại đất cho Nhà nước để thu hồi cho doanh nghiệp thuê. Ngoài ra, khu vực suối Nặm Ma còn khoảng 500ha nằm trong vùng dự án (là khu vực làm nương, bãi chăn thả của người dân các bản Huổi Cảnh, Pá Chả, Loong Ngua), đa số các hộ dân chưa đồng ý cho Công ty thực hiện công tác đo đạc, quy chủ đất đai; đồng thời, giữa một số hộ dân còn tranh chấp đất đai nên chưa thể thực hiện công tác đo đạc, quy chủ.

Mai Khôi
Bình luận

Tin khác

Back To Top