ĐBP - Hiện nay, toàn tỉnh có trên 2.726ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, tập trung chủ yếu trên lòng hồ Thủy điện Sơn La tại khu vực TX. Mường Lay, huyện Mường Chà và Tủa Chùa. Nhằm nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm trong nuôi trồng thủy sản, những năm qua tỉnh đã khuyến khích các tổ chức, cá nhân đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nuôi trồng thủy sản. Nhiều dự án, ứng dụng khoa học đã được áp dụng, mang lại hiệu quả thiết thực, tăng năng suất, hiệu quả kinh tế cho người dân, góp phần thúc đẩy ngành thủy sản phát triển bền vững.
Dự án “Ứng dụng công nghệ nuôi cá rô phi đơn tính siêu thâm canh bằng công nghệ Biofloc” do Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng vật nuôi tỉnh áp dụng khoa học công nghệ vào triển khai thực hiện đã mang lại hiệu quả cao. Dự án được thực hiện liên tục trong 2 vụ (năm 2020 - 2021), diện tích ao nuôi là 2.200m2, mật độ 7 con/m2. Toàn bộ dự án được vận hành hệ thống theo quy trình công nghệ Biofloc có sử dụng hệ thống sục khí kết hợp với máy quạt nước sử dụng động cơ điện. Hệ thống thổi khí đáy được bố trí hai máy chéo góc ao, đảm bảo trộn đều nước từ tầng đáy lên tầng mặt và tạo dòng nước chảy trong ao khi vận hành. Định kỳ hàng tuần tiến hành lấy mẫu nước để kiểm tra độ pH, nhiệt độ, oxy và theo dõi tình hình dịch bệnh của cá nuôi. Ngoài ra, cán bộ kỹ thuật thường xuyên kiểm tra định kỳ tốc độ phát triển của cá 1 lần/tháng, điều chỉnh lượng thức ăn nuôi cá phù hợp tránh bị ô nhiễm môi trường nước.
Qua 2 vụ sản xuất, nuôi cá rô phi bằng công nghệ Biofloc cho thấy tốc độ tăng trưởng nhanh, hiệu quả sử dụng thức ăn được cải thiện và giảm được các yếu tố gây ô nhiễm môi trường; tỷ lệ cá sống gần 90%. Sản lượng cá rô phi thương phẩm cung cấp ra thị trường 21,52 tấn. Hạch toán kinh tế thu lãi gần 64 triệu đồng; tương đương với lãi ròng mỗi héc ta trên 145 triệu đồng/vụ. Phương thức nuôi cá này còn đảm bảo tạo ra nguồn thực phẩm an toàn, nâng cao hiệu quả sử dụng nước và giảm sự ảnh hưởng của những diễn biến thời tiết cực đoan. Không những thế, thông qua dự án còn hoàn thiện được các quy trình kỹ thuật, gồm: Quy trình thiết kế ao, lắp đặt hệ thống máy móc, thiết bị sục khí ao nuôi cá rô phi đơn tính siêu thâm canh bằng công nghệ Biofloc; quy trình ủ men vi sinh và quy trình Biofloc trong ao cá rô phi siêu thâm canh bằng công nghệ Biofloc; quy trình chăm sóc và phòng bệnh trong nuôi trồng nuôi cá rô phi siêu thâm canh bằng công nghệ Biofloc.
Thời gian qua Sở Khoa học và Công nghệ đã nghiên cứu, ứng dụng thành công nhiều mô hình ứng dụng khoa học vào nôi trồng thủy sản, như: Dự án Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình ương cá giống và nuôi cá trắm đen thương phẩm trong ao trên địa bàn tỉnh; Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình sản xuất giống và nuôi ba ba gai (Trionyx steinnachderi) thương phẩm trong ao trên địa bàn tỉnh Điện Biên”... Cùng với đó, nhiều hộ dân đã ứng dụng một số công nghệ mới vào sản xuất, như: Làm giàu ô xy bằng quạt nước, sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý môi trường, sử dụng công nghệ Biofloc; đồng thời áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào nuôi trồng thủy sản.
Các mô hình ứng dụng công nghệ cho năng suất cao hơn nhiều lần so với phương pháp nuôi truyền thống. Không chỉ nâng cao chất lượng cá thương phẩm trên thị trường, các mô hình này còn giảm được nhiều rủi ro từ dịch bệnh gây ra. Mở rộng các mô hình ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới theo hướng thâm canh không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân mà còn góp phần phát triển bền vững ngành thủy sản. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm gần đây ngành nuôi trồng thủy sản được chú trọng hơn, qua đó, diện tích, năng suất đều tăng. Cụ thể, đến nay diện tích nuôi trồng thủy sản đạt hơn 2.726ha, tăng 3,71% so với cùng kỳ năm trước. Đối tượng nuôi chủ yếu cá rô phi đơn tính, cá truyền thống; đã hình thành và phát triển nuôi một số đối tượng cá nước lạnh (tầm, hồi) có giá trị kinh tế cao. Nhờ đó, tổng sản lượng thủy sản trong quý I/2022, ước đạt trên 1.142 tấn, tăng 5,98% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng nuôi trồng hơn 1.069 tấn; sản lượng khai thác 72,21 tấn, tăng 1,56% so với cùng kỳ năm trước.