Mường Chà khuyến khích người dân trồng rừng gắn với phát triển kinh tế

06:19 - Thứ Sáu, 24/06/2022 Lượt xem: 4276 In bài viết

ĐBP - Là huyện miền núi diện tích đất chủ yếu là đồi núi dốc; bên cạnh đó diện tích đất nương bỏ hoang, đất cằn chưa sử dụng còn nhiều, là điều kiện thích hợp để huyện Mường Chà phát triển trồng rừng. Những năm qua, huyện đã tích cực vận động người dân trồng rừng gắn với phát triển kinh tế.

Người dân bản Huổi Hạ, xã Na Sang (huyện Mường Chà) chuyển đổi trồng cây quế trên đất nương bạc màu.

Xã Na Sang có diện tích đất chủ yếu là đồi, dốc; khó khăn trong việc canh tác nông nghiệp. Ông Vàng A Pó, Chủ tịch UBND xã cho biết: Tuy điều kiện tự nhiên không thuận lợi để phát triển nông nghiệp, nhưng đất đồi lại thuận lợi để phát triển lâm nghiệp. Xã đã tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng với phương châm “không trông chờ, ỷ lại”. Xã phối hợp với các tổ công tác phụ trách thôn, cán bộ thôn tuyên truyền, khuyến khích vận động người dân cải tạo đất nghèo, chuyển toàn bộ diện tích đất trống sang trồng rừng. Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nhân dân thực hiện việc chăm sóc rừng, nghiêm cấm các hành vi đốt rừng và chặt phá rừng bừa bãi... Nhìn thấy lợi ích của việc trồng rừng, các hộ trên địa bàn đã chủ động mua cây giống về trồng. Cùng với đó là học hỏi cách trồng, chăm sóc sao cho phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương.

Bên cạnh đó, các bản đã đưa nội quy bảo vệ rừng vào hương ước, quy ước của bản, như vận động người dân kí cam kết không chăn thả trâu, bò vào vùng rừng trồng và thực hiện nghiêm quy định về việc xử lý, nộp phạt nếu hộ nào vi phạm gây hư hỏng đến cây của người dân. Từ đó, đã tạo sự yên tâm và động lực cho nhiều hộ dân đăng kí chuyển đổi diện tích đất bỏ hoang sang trồng rừng. Đến nay, trên địa bàn xã người dân đã trồng được 4ha, 100% là cây quế.

Ông Vừ Chá Dơ, bản Huổi Hạ (xã Na Sang) là một trong những hộ đi đầu trong việc chuyển đổi từ đất nương bạc màu sang trồng rừng gắn với phát triển kinh tế ở Na Sang. Ông Dơ chia sẻ: Năm 2021, trong một lần sang thăm nhà người thân ở huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, thấy ở đây chủ yếu sống bằng nghề trồng rừng (trồng quế) cho thu nhập từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng/năm. Trồng quế chỉ vất vả 3 năm đầu thường xuyên phải chăm sóc, làm cỏ còn các năm tiếp theo không mất nhiều công. Từ năm thứ 5 trở đi cứ vào rừng tỉa cành, tỉa lá là có thu nhập. Ngoài vỏ quế, thương lái thu mua cả lá, cành và gỗ quế sau khi bóc vỏ cũng được thu mua. Tôi thấy điều kiện địa hình khí hậu bên mình khá tương đồng; tại địa phương cũng có gia đình ông Vàng A Dế, bản Huổi Lóng trồng hơn 1.000m2 từ năm 2018, đến nay cây sinh trưởng phát triển tốt (đường kính thân trên 10cm) nên tôi đã nhờ mua hộ cây giống để chuyển đổi toàn bộ 3ha đất nương bạc màu sang trồng quế.

Nhằm hỗ trợ người dân, đồng thời triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn, huyện Mường Chà đã triển khai thực hiện Dự án Hỗ trợ phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Quyết định 45/2018/QĐ-UBND tỉnh. Dự án trồng và tiêu thụ sản phẩm cây quế; địa điểm trồng tại các xã Na Sang, Ma Thì Hồ, Huổi Lèng, Mường Tùng, Sá Tổng; tổng diện tích 84ha. Ông Bùi Tuấn Thanh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Chà cho biết: Ngoài diện tích 84ha trong Dự án người dân đăng ký trồng, thì hiện tại trên địa bàn huyện đã có khoảng 36ha cây quế được người dân chủ động mua giống trồng trước đó (một số diện tích đã có đường kính thân trên 10cm). Tập trung chủ yếu ở xã Na Sang, Huổi Lèng.

Thông qua Dự án Hỗ trợ phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Quyết định 45/2018/QĐ-UBND tỉnh, người dân sẽ được hỗ trợ cây giống, phân bón, được tập huấn hướng dẫn kĩ thuật trồng và chăm sóc cây quế. Đặc biệt, UBND huyện đã liên kết với Công ty TNHH Giống lâm nghiệp Tây Bắc; Công ty Cổ phần Nông sản sạch tỉnh Điện Biên để hỗ trợ cây giống và bao tiêu đầu ra, tiêu thụ sản phẩm cây quế. Phòng phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cử cán bộ kỹ thuật xuống tận thôn bản để hướng dẫn người dân kỹ thuật đào hố, trồng, chăm sóc cây quế đạt hiệu quả, năng suất cao. Đồng thời, thành lập đoàn đưa 30 hộ dân tham gia dự án đi học tập kinh nghiệm trồng quế tại huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Đến thời điểm hiện tại, 100% hộ tham gia dự án đã đào hố đảm bảo đúng khoảng cách, đúng kĩ thuật. Dự kiến cuối tháng 6, triển khai trồng đồng loạt tại 4 xã tham gia dự án.

Bài, ảnh: Anh Nguyễn
Bình luận

Tin khác

Back To Top