Khó phát triển nông nghiệp công nghệ cao

08:24 - Thứ Năm, 30/06/2022 Lượt xem: 4538 In bài viết

ĐBP - Phát triển nông nghiệp công nghệ cao được xem là xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp nhằm tạo ra các sản phẩm an toàn, tăng năng suất, chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Thời gian qua, các địa phương đang tích cực vận động, khuyến khích người dân, nhà đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh còn gặp rất nhiều khó khăn.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa thăm, kiểm tra mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao của gia đình bà Nguyễn Thị Lưu, bản Bó, thị trấn Tủa Chùa.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiệu quả kinh tế của các mô hình nông nghiệp công nghệ cao gấp 2,5 - 3 lần so với hình thức sản xuất truyền thống. Hiện nay, tỉnh ta đã có nhiều mô hình, dự án nông nghiệp công nghệ cao hoạt động và cho hiệu quả kinh tế ổn định, từng bước được nhân rộng, nhất là trong lĩnh vực trồng trọt. Điển hình như: Mô hình sản xuất lúa chất lượng cao tại Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên với quy mô 10ha; mô hình trồng bưởi, thanh long của Công ty TNHH Thực phẩm SafeGreen tại xã Thanh Yên trên diện tích 3ha; mô hình trồng rau, củ, quả của Hợp tác xã Trang trại sinh thái Điện Biên với 1ha; mô hình sản xuất chè an toàn của Công ty TNHH Trà Phan Nhất tại huyện Mường Ảng 5ha, cà phê được chứng nhận UTZ là 1.318,47ha và chứng nhận theo tiêu chuẩn HACCP 40ha tại huyện Mường Ảng. Dự án sản xuất rau an toàn trong nhà lưới 4,2ha tại xã Thanh Yên… Đặc biệt, tỉnh ta đã thu hút được 11 dự án trồng mắc ca, trong đó có 6 dự án trồng mắc ca công nghệ cao trên địa bàn tỉnh với việc ứng dụng công nghệ cao trong quá trình chăm sóc (tưới thông minh, tiết kiệm), bảo quản, chế biến. Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cũng góp phần làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân, giúp họ tiếp cận được với khoa học tiên tiến, sản xuất theo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt... để tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh còn gặp rất nhiều khó khăn.

Khó khăn đầu tiên là suất đầu tư các dự án nông nghiệp công nghệ cao rất lớn và nguồn nhân lực có trình độ hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất. Do đó, để người nông dân tự đầu tư và áp dụng đứng quy trình sản xuất của nông nghiệp công nghệ cao là điều rất khó.

Đầu tháng 4/2022, gia đình bà Nguyễn Thị Lưu, bản Bó (thị trấn Tủa Chùa, huyện Tủa Chùa) đầu tư trên 100 triệu đồng thực hiện mô hình trồng dưa trong nhà lưới với tổng diện tích 500m2. Áp dụng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bà Lưu đã đầu tư hệ thống nhà lưới khung sắt và hệ thống tưới phun sương. Bên cạnh đó, bà Lưu tham khảo ý kiến của cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện và học hỏi các mô hình trên mạng về quy trình kỹ thuật từ khâu chọn giống, trồng, chăm sóc để đảm bảo kỹ thuật. Tuy nhiên, đến nay, khi vườn dưa chuẩn bị cho thu hoạch lại đúng đợt cao điểm mùa mưa, đất đá sạt lở tràn vào vườn khiến nhà lưới bị đổ sập một phần; vườn dưa có nguy cơ không đạt năng suất, chất lượng như dự kiến. Bà Nguyễn Thị Lưu cho biết: Đầu tư dự án phát triển công nghệ cao rất tốn kém, gấp nhiều lần so với sản xuất truyền thống. Đúng chuẩn công nghệ cao thì với diện tích 500m2 phải đầu tư khoảng 200 - 300 triệu đồng về công nghệ gồm: Nhà lưới, hệ thống tưới, công nghệ sản xuất… Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hạn hẹp nên gia đình tôi chỉ đầu tư 100 triệu đồng cho tất cả công đoạn nên chưa đáp ứng yêu cầu. Do trồng trong hệ thống nhà lưới nên cây dưa không thể tự thụ phấn nhờ gió hoặc côn trùng nên 100% cây dưa đều phải thụ phấn thủ công, mất rất nhiều thời gian và công sức. Ngoài ra, điều kiện thời tiết trên địa bàn phức tạp, diễn biến thất thường cũng ảnh hưởng nhiều đến việc sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Vốn lớn, kỹ thuật cao, người nông dân, hợp tác xã chưa thể tự lực để phát triển các mô hình công nghệ cao bền vững. Do đó, đòi hỏi các địa phương cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo động lực để thu hút người dân, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên đến nay, việc áp dụng cơ chế, chính sách cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế. Mặc dù trong những năm qua, tỉnh ta đặc biệt quan tâm thực hiện các chính sách trong phát triển nông nghiệp, trong đó có nông nghiệp công nghệ cao nhằm thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân tham gia đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực, thế mạnh của tỉnh, như: Sản xuất, chế biến lúa gạo, chăn nuôi, trồng cây ăn quả... Tỉnh đã ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển, sản xuất nông nghiệp định hướng công nghệ cao như: Quyết định số 04/2017/QĐ UBND ngày 13/1/2017 quy định một số chính sách hỗ trợ việc áp quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 45/2018/QĐ-UBND ngày 24/12/2018 về việc Quy định về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên; Quyết định số 02/2021/QĐ-UBND ngày 19/1/2021 của UBND tỉnh Điện Biên quy định về nội dung chi và mức hỗ trợ cho các hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, tỉnh ta vẫn chưa có một chính sách riêng biệt cho đầu tư, phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Trong số 3 chính sách đang thực thi, đến nay, mới chỉ có duy nhất trường hợp Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mường Báng (huyện Tủa Chùa) được lồng ghép hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Nội dung hỗ trợ chủ yếu tập trung các hạng mục chính như: Hỗ trợ nhà kính, nhà lưới. Theo thông tin của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì, hiện tại Sở đang phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung 2 chính sách: Quyết định số 45/2018/QĐ-UBND và Quyết định số 02/2021/QĐ-UBND để phù hợp với thực tế và nhu cầu phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó có nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, một số chính sách về tích tụ ruộng đất, thủ tục hành chính về đất đai, chính sách tín dụng… cũng đang là các rào cản trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh.

Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top