Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu khó khăn trong tìm kiếm đơn hàng

15:12 - Thứ Sáu, 08/07/2022 Lượt xem: 4376 In bài viết

Tình hình lạm phát tại Mỹ và châu Âu - những thị trường lớn nhất của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam khiến giá lương thực thực phẩm tăng vọt, làm giảm sức mua các mặt hàng tiêu dùng, ảnh hưởng đến đơn hàng của doanh nghiệp Việt Nam trong nửa cuối năm 2022.

Doanh nghiệp gặp khó trong tìm đơn hàng xuất khẩu hàng hóa.

Doanh nghiệp khó khăn

Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu điều lớn nhất thế giới và hiện có đến 70% kim ngạch xuất khẩu điều vào thị trường Mỹ và EU. Tuy nhiên, do lạm phát diễn ra ở Mỹ, châu Âu và đang lan ra khắp thế giới, người dân đang có xu hướng tập trung hơn vào những mặt hàng thiết yếu. Do đó, những mặt hàng không thiết yếu như hạt điều sẽ tiêu thụ chậm và giá cũng rất khó tăng trong thời điểm này.

Ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Điều Long Sơn chia sẻ, rất khó để dự báo về tình hình thị trường đối với mặt hàng điều hiện nay bởi vì đây là mặt hàng không thiết yếu. Từ nay đến khoảng tháng 9, thị trường được dự báo sẽ ảm đạm. Từ quý 4 năm 2022 đến đầu năm 2023, doanh nghiệp đang kỳ vọng thị trường sẽ khá lên khi khách hàng có nhu cầu cao tiêu dùng cho Noel, Tết Dương lịch và Tết Âm lịch.

Theo Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong nửa đầu năm 2022 đạt xấp xỉ 186 tỷ USD với mức tăng trưởng 13%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 185,3 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Xét về cán cân thương mại, hiện nay cả nước đang duy trì xuất siêu nhẹ ở mức khoảng 700 triệu USD. Điểm tích cực là tất cả các nhóm hàng đều có tăng trưởng xuất khẩu rất tốt, đặc biệt là nhóm hàng thủy sản.

Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa đang đối diện với nhiều khó khăn khi lạm phát tại các quốc gia đã đạt ở mức rất cao so với thời kỳ trước đó. Cụ thể, tỷ lệ lạm phát tại Mỹ đã cán mốc 8,6% trong 5 tháng đầu năm nay, đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 1981 đến nay, trong bối cảnh giá lương thực và xăng dầu tăng chóng mặt và chưa có dấu hiệu gì hạ nhiệt. Đối với EU, tỷ lệ lạm phát tiếp tục gia tăng trong tháng 5/2022, lên mức 2,3%; Nhật Bản là 2,5%, Hàn Quốc là 5,4%, Trung Quốc là 2,1%. Các chuyên gia đánh giá xuất khẩu sẽ có phần khó khăn hơn do những ảnh hưởng từ các thị trường đích đến khi người dân thắt chặt chi tiêu, trong khi giá thành sản xuất tăng mạnh.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam chia sẻ, doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn khi Trung Quốc vẫn chưa bỏ chính sách Zero Covid. Bên cạnh đó, căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine chưa biết khi nào chấm dứt. Điều này ảnh hưởng mạnh đến giá nhiên liệu và tác động trực tiếp đến giá thành sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp. Do đó, tình hình xuất khẩu dự báo sẽ còn khó khăn hơn so với nửa đầu năm.

Tìm thị trường ngách

Năm 2022, sự phục hồi của các nền kinh tế giúp Việt Nam kỳ vọng đạt được tốc độ tăng trưởng 6-6,5%. Nhưng tác động của lạm phát hiện nay khiến cho hành vi tiêu dùng, quy mô tiêu dùng, thậm chí kỳ vọng tiêu dùng bị ảnh hưởng theo hướng thu hẹp do biến động của tăng giá, kéo theo tốc độ tăng trưởng ảnh hưởng không chỉ cuối năm 2022, mà còn kéo dài sang cả năm 2023. Do đó các doanh nghiệp xuất khẩu đang cố gắng thực hiện các giải pháp đa dạng hóa thị trường cũng như xúc tiến thương mại để bù đắp vào những đơn hàng có thể sụt giảm.

Đơn cử, Công ty TNHH Hồng Đức (Đắk R’lấp, Đắk Nông) đang sản xuất sản phẩm điều nhân trắng xuất khẩu đi thị trường châu Âu, Mỹ. Tuy nhiên, dịch bệnh đã khiến nửa đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của công ty giảm tới 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Để khắc phục tình trạng này, công ty đang thu gọn hoạt động sản xuất, trong đó tập trung nguồn lực cho sản phẩm điều rang muối để phục vụ thị trường Trung Quốc. Đây là sản phẩm có giá bán không quá cao, không tốn quá nhiều chi phí sản xuất và dễ tiêu thụ trong bối cảnh hiện nay.

Xây dựng chuỗi cung ứng khép kín nhằm bảo đảm các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa, tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng là điều các doanh nghiệp hướng tới. Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) chia sẻ, việc xây dựng chuỗi cung ứng hoàn chỉnh là không đơn giản. Dù vậy, các doanh nghiệp thuộc Vinatex đang tích cực hoàn thiện các khâu sản xuất, từng bước phát triển các mắt xích nguyên liệu (sợi, vải) để đáp ứng nhu cầu cho khâu may, bảo đảm khép kín chuỗi cung ứng. Vinatex cũng liên tục cập nhật biến động nguyên phụ liệu đầu vào cho các doanh nghiệp thành viên; nhập khẩu một lượng bông dự trữ nhất định cho các doanh nghiệp sợi với giá tốt, tránh những rủi ro về tăng giá, sẵn sàng cho các đơn hàng trong nửa cuối năm.

Về phía Bộ Công thương, để hỗ trợ cho doanh nghiệp, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu chia sẻ, Bộ Công thương sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động cải cách hành chính và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, cắt giảm chi phí, giữ ổn định cho lưu thông hàng hóa trong nước. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền việc tận dụng các lợi ích của các FTA cũng như phòng, chống gian lận xuất xứ, các giải pháp ứng phó kịp thời đối với các biện pháp phòng vệ thương mại các quốc gia dựng lên cho hàng hóa xuất khẩu.

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top