Đủ tiềm lực ổn định thị trường dù tỷ giá biến động mạnh

14:10 - Thứ Tư, 20/07/2022 Lượt xem: 3771 In bài viết

Mấy ngày gần đây, thị trường ngoại tệ biến động mạnh. Trên thị trường tự do, có thời điểm đồng USD leo lên ngưỡng 24.700 VND/USD, mức cao nhất kể từ trước đến nay. Mặc dù có những thời điểm “hạ nhiệt”, nhưng đồng USD vẫn ở mức cao.

Theo các chuyên gia, yếu tố chính tác động đến tỷ giá là do đồng USD trên thị trường quốc tế “leo thang”. Trong bối cảnh đó, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định, Ngân hàng Nhà nước đủ tiềm lực tài chính để ổn định thị trường.

Đồng USD quay đầu giảm

Sau khi tăng mạnh, ngày 20-7, tỷ giá trung tâm giữa VND và USD được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.214 VND/USD, giảm 7 VND/USD. Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng là 23.913 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.520 VND/USD. Tại các ngân hàng thương mại, giá đồng USD cũng diễn biến cùng chiều với tỷ giá trung tâm khi đồng loạt giảm giá.

Tại ngân hàng thương mại cổ phần, đồng USD tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) được niêm yết ở mức 23.250 VND/USD (mua vào) - 23.560 VND/USD (bán ra), giảm 30 VND/USD. Còn tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), đồng USD được niêm yết ở mức 23.275 VND/USD (mua vào) - 23.555 VND/USD (bán ra), giảm 25 VND/USD. Trên thị trường "chợ đen", đồng USD được giao dịch ở mức 24.220 - 24.300 VND/USD.

Trên thị trường quốc tế, USD-Index đạt 106.530 điểm, giảm 0,03% (vào lúc 7h15 theo giờ Việt Nam). Hiện, thị trường giảm kỳ vọng vào mức tăng 100 điểm cơ bản từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Đồng Euro đã tăng trở lại sau khi giảm xuống dưới 1,0000 USD vào tuần trước, lên mức cao nhất là 1,0269 USD, tăng 1,2%. Giới chuyên gia quốc tế nhận định, diễn biến tiền tệ những ngày tới sẽ tiếp tục xoay quanh kỳ vọng đối với chính sách của các ngân hàng trung ương.

Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, các nước khác xuất khẩu vào Mỹ thời điểm này có lợi, còn Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ không có lợi nhiều vì đồng USD chỉ tăng giá so với VND khoảng 1,5% trong 6 tháng qua, trong khi đồng USD tăng giá so với các đồng tiền khác tới 9-10%. Chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là bảo đảm VND ổn định so với đồng USD, đồng thời cũng để giữ uy tín đối với Bộ Tài chính Mỹ trong việc tuân thủ nghiêm túc cam kết, tránh rơi vào tình trạng "thao túng tiền tệ".

Tuy nhiên, có một vấn đề khác là lần đầu tiên trong nhiều năm, cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam thâm hụt. Điều này cho thấy, có một sức ép là VND phải mất giá khi cán cân thanh toán tổng thể thâm hụt, cũng như cho thấy cán cân vãng lai của Việt Nam đang rơi vào chu kỳ thâm hụt, chu kỳ này cũng có thể kéo dài. Hiện tại, Việt Nam đang cố gắng ổn định tỷ giá hối đoái, chủ yếu là để ổn định lạm phát, vì nếu không, hàng nhập khẩu đã đắt lên rồi nhân với tỷ giá hối đoái tăng thêm 3-5% nữa, thì sẽ là vấn đề rất lớn.

Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối - Thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam cho rằng, việc Fed đưa ra thông điệp tiếp tục thắt chặt tiền tệ đã khiến USD-Index tăng vọt và nhiều loại hàng hóa định giá bằng USD như dầu, vàng, kim loại... lao dốc. Trong bối cảnh đó, thị trường tài chính toàn cầu và các nhà đầu tư đã cố gắng giảm bớt rủi ro, và việc này rõ ràng đã mang lại lợi ích cho USD. Ngoài ra, việc bán tháo cổ phiếu cũng dẫn đến đồng USD mạnh lên và nhiều đồng tiền khác suy yếu.

Cũng theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Ngân hàng Nhà nước sau một thời gian ngắn đã buộc phải dùng dự trữ ngoại tệ bán ra để ổn định tỷ giá hối đoái và cân bằng cung cầu của nhập khẩu. Việc này còn có thể kéo dài khi tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam so với năm ngoái đã giảm nhiều, năm ngoái là 29% nhưng năm nay, 6 tháng chỉ đạt 17%. Bên cạnh đó, năm ngoái, thặng dư thương mại là 1,8 tỷ USD nhưng năm nay hiện là hơn 0,7 tỷ USD. Điều này cho thấy khả năng thâm hụt cán cân vãng lai có thể còn kéo dài.

Tuy nhiên, ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng, nếu Việt Nam tiếp tục duy trì được kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát tương đối thấp thì dòng tiền này có thể quay trở lại khi kinh tế Mỹ bắt đầu rơi vào suy thoái. Bởi cho dù là lãi suất cao nhưng Ngân hàng Trung ương Mỹ khó có thể tăng lãi suất với nhịp độ lớn như vừa rồi nữa. Khi dòng tiền quay trở lại thì cán cân thanh toán tổng thể của chúng ta được một lợi thế là cán cân tài chính, nhất là đầu tư gián tiếp có thể tăng lên. Đó cũng là điều chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đang hướng đến, tập trung vào việc ổn định lạm phát và giữ tỷ giá hối đoái.

Ngoài ra, Việt Nam cần phải tiếp tục theo dõi vấn đề thâm hụt cán cân thanh toán tổng thể, số lượng ngoại tệ dùng để cân đối quan hệ cung cầu trong đợt vừa rồi không phải là nhiều, chiếm khoảng 11-12% dự trữ ngoại tệ mà Việt Nam có, nhưng như thế cũng là một cảnh báo nếu để tình trạng kéo dài, dự trữ ngoại tệ có thể suy giảm. Hy vọng đến cuối năm nay hoặc năm sau có thể phục hồi lại cán cân thanh toán tổng thể, vì dự đoán, đồng USD tăng 1,9-2% cho cả năm 2022 cho thấy một sự kiềm chế rất lớn của Ngân hàng Nhà nước.

Đủ tiềm lực ổn định thị trường

Nhiều chuyên gia khác cũng nhận định, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế khôi phục. Tuy nhiên, rủi ro lạm phát gia tăng, cùng với chu kỳ thắt chặt tiền tệ của đa số các quốc gia khác trên thế giới, sẽ tạo nhiều áp lực hơn lên quá trình điều hành lãi suất nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá và kiểm soát lạm phát.

Dựa trên dự báo lạm phát, áp lực giá có thể sẽ gay gắt hơn từ quý IV năm nay, thậm chí tạm thời vượt quá mức trần lạm phát 4%. Vì vậy, có thể quá trình chính sách tiền tệ bớt nới lỏng được dự báo sẽ đến sớm hơn trước áp lực giá cả gia tăng.

Về dự báo tỷ giá thời gian tới, hầu hết các đồng tiền châu Á sẽ tiếp tục gặp áp lực giảm giá so với USD trong những tháng tới khi các điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn nữa, lo ngại về suy thoái tại các khu vực kinh tế phát triển (Mỹ và châu Âu) tăng lên và giá dầu vẫn ở mức cao. Việt Nam nhiều khả năng cũng không phải là một ngoại lệ.

Giá năng lượng toàn cầu tăng cao vẫn là rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng của Việt Nam. Tác động rõ ràng nhất là hóa đơn năng lượng ngày càng tăng của Việt Nam. Mặc dù xuất khẩu tăng mạnh, cán cân thương mại đã thu hẹp xuống mức thặng dư ước tính chỉ còn 0,7 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2022. Điều này sẽ làm xói mòn lợi thế tài khoản vãng lai của Việt Nam, gây áp lực mất giá đối với VND.

Ngoài ra, sự giảm tốc của tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đe dọa tới đà hồi phục của thương mại Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn có cơ hội cho tỷ giá USD/VND có thể điều chỉnh giảm nhẹ sau đó, nếu những rủi ro kể trên dần hạ nhiệt và cho phép VND tận dụng câu chuyện phục hồi trong nước.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, 6 tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng, thích ứng kịp thời với thị trường trong và ngoài nước. Theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để điều hành linh hoạt tỷ giá, phù hợp với điều kiện thị trường thông qua việc phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ.

Bà Nguyễn Thị Hồng khẳng định, với dự trữ ngoại hối được tích lũy nhiều năm qua, Ngân hàng Nhà nước đủ tiềm lực để bình ổn thị trường và tỷ giá, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top