Giá thịt lợn tăng cao: Người nuôi phấn khởi, người dùng thêm lo

15:45 - Thứ Ba, 02/08/2022 Lượt xem: 6182 In bài viết

ĐBP - Khoảng 1 tháng trở lại đây, giá lợn hơi tăng cao đã kéo theo giá thịt lợn thành phẩm tăng từ 20.000 - 30.000 đồng/kg. Giá bán lợn tăng khiến người chăn nuôi phấn khởi nhưng với người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh giá cả nhiều mặt hàng thực phẩm vẫn chưa giảm theo giá xăng dầu.

Tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Mường Thanh.

Tín hiệu vui với người chăn nuôi

Sau một thời gian dài giữ giá ở mức 53.000 - 56.000 đồng/kg, khoảng gần 1 tháng trở lại đây, giá lợn hơi trên địa bàn tỉnh bất ngờ tăng "nóng” trở lại. Hiện tại, lợn hơi có giá dao động từ 67.000 - 70.000 đồng/kg (tuỳ vùng và tuỳ loại lợn). Theo đó, mỗi ki-lô-gam lợn hơi đã điều chỉnh tăng thêm từ 14.000 - 17.000 đồng so với đầu tháng 7/2022.

Chị Nguyễn Thị Huê, tổ dân phố 1, phường Thanh Bình, TP. Điện Biên Phủ - một thương lái chuyên thu mua lợn cho biết: Khoảng đầu tháng 7 giá lợn hơi bắt đầu có dấu hiệu tăng giá. Liên tiếp 2 tuần sau đó, lợn tăng giá từng ngày. Đến thời điểm này giá lợn hơi dao động từ 67.000 – 70.000 đồng/kg và mức giá này đã duy trì được khoảng 2 tuần nay. Lợn hơi tăng giá khiến việc thu mua lợn cũng khó khăn hơn khi người dân có lợn đến kỳ xuất chuồng nhưng chưa vội bán vì còn chờ... tăng giá.

Giá lợn hơi tăng được lý giải do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, hiện kinh tế đã phục hồi trở lại, các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể đều đã hoạt động, nhu cầu thịt lợn tăng cao. Thứ hai, sau một thời gian dài giá lợn cầm chừng, xuống thấp trong khi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao khiến người dân thua lỗ, nhiều hộ chăn nuôi đã chuyển sang vật nuôi khác, hoặc giảm đàn, hay để trống chuồng. Do đó, nguồn cung lợn không dồi dào như trước. Trong khi giá xăng dầu tăng cao, giá thức ăn chăn nuôi leo thang đã tạo áp lực tăng giá lên lợn hơi.

Trung bình mỗi lứa nuôi từ 20 – 30 con lợn, mỗi năm xuất bán khoảng 3,5 tấn lợn thương phẩm, bởi vậy việc lợn hơi tăng giá được coi là tín hiệu đáng mừng đối với gia đình ông Lò Văn Trịnh - một hộ chuyên chăn nuôi lợn tại tổ dân phố 1, thị trấn Mường Chà, huyện Mường Chà. Theo ông Trịnh, từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã điều chỉnh tăng 6 lần, tương đương tăng trên 20%, cộng các chi phí đầu vào khác (con giống, chuồng trại, nhân công, thuốc khử khuẩn, sát trùng...) cũng tăng, khiến việc đầu tư chăn nuôi lợn gặp rất nhiều khó khăn. “Với mức giá khoảng 55.000 đồng/kg lợn hơi thì người chăn nuôi hầu như không có lãi. Việc giá lợn tăng trở lại, lên mức 70.000 đồng/kg đã giúp các hộ chăn nuôi như chúng tôi hết sức phấn khởi” - ông Lò Văn Trịnh cho biết.

Có thâm niên làm kinh tế trang trại lâu năm, mỗi tháng cung ứng ra thị trường khoảng 25 tấn lợn hơi, anh Nguyễn Hữu Huy, Giám đốc Doanh nghiệp TN Thương mại Huy Toan Điện Biên, cho biết: “Trang trại của tôi đang nuôi hơn 3.000 con lợn thịt và 350 con lợn nái. Trước tháng 7 giá bán lợn hơi tại trang trại là 66.000 đồng/kg. Từ đầu tháng 7 đến nay, giá lợn tăng liên tiếp theo ngày và hiện tại tôi đang xuất bán trung bình 30 con/ngày với giá 72.000 đồng/kg. Đây là tín hiệu vui cho người chăn nuôi, nhất là đối với hệ thống trang trại sau một thời gian dài phải “gồng gánh” chi phí thức ăn và phòng dịch quá lớn.

Tiểu thương, người tiêu dùng e dè

Giá lợn tăng khiến giá thịt thương phẩm tại các chợ dân sinh cũng tăng vọt trong những ngày gần đây. Hiện tại, 1kg các loại sườn, thịt thăn, vai, ba chỉ... có giá từ 120.000 - 140.000 đồng/kg, tức là tăng từ 20.000 – 30.000 đồng/kg tùy loại so với tháng trước. Các sản phẩm chế biến từ thịt lợn, như: giò, chả, xúc xích, mọc… cũng tăng thêm từ 15.000 - 20.000 đồng/kg do giá thịt tăng và các nguyên liệu tăng. Điều này khiến người tiêu dùng khá cân nhắc khi lựa chọn thịt lợn trong bữa ăn hàng ngày.

Bà Nguyễn Thị Tuyết, tổ 1, phường Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ chia sẻ: Gia đình tôi có 7 người, nguồn thu nhập của gia đình chỉ có từ lương hưu của vợ chồng và lương cán bộ công chức của các con. Vì vậy, chúng tôi phải cân đối, sắp xếp các khoản chi phí hàng tháng sao cho hợp lý. Và bữa ăn cũng vậy, thịt lợn là món ăn thường ngày không thể thiếu, việc thịt lợn lên giá ảnh hưởng trực tiếp đến việc cân đối chi tiêu hàng tháng trong gia đình.

Tâm tư của bà Tuyết cũng là băn khoăn, lo lắng của nhiều bà nội trợ và ngay cả những tiểu thương kinh doanh thịt lợn vì giá lợn tăng cao, lượng bán ra hạn hẹp, có khi bù lỗ. Quầy hàng thịt lợn của chị Nguyễn Thị Tình tại chợ Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ từ đầu tháng 7 đến nay sức mua đã giảm khoảng 40%, do giá cả tăng cao hơn. Chị Tình cho biết: Dù thịt lợn là thực phẩm chính trong bữa ăn của nhiều gia đình, nhưng giá thịt tăng cao trong bối cảnh giá nhiều mặt hàng cũng tăng giá thời gian qua đã khiến người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu. Lượng thịt bán ra cũng vì thế giảm đáng kể. Ngày trước, trung bình 1 ngày tôi lấy khoảng 25 - 30kg thịt, thì bây giờ chỉ lấy 15 -  20kg. Nếu bán hết sớm thì về nghỉ sớm, còn hơn là ế hàng.

Theo số liệu từ Phòng Chăn nuôi – Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tổng đàn lợn toàn tỉnh hiện có trên 303.500 con; sản lượng thịt lợn hơi 6 tháng đầu năm đạt trên 13.307 tấn, tăng 1.302 tấn so với cùng kỳ năm 2021. Về cơ bản, sản lượng thịt lợn đang đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng thịt tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Mặc dù giá thịt lợn hơi tăng cao trong thời gian qua, nhưng theo ngành chức năng của tỉnh, người chăn nuôi cần có kế hoạch và cần cẩn trọng trong việc tăng đàn, không vì thấy giá tăng mà tái đàn ồ ạt, bởi hiện tại giá nguyên liệu đầu vào cũng tăng cao, tình hình dịch bệnh phức tạp, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa có vắc xin phòng bệnh.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận

Tin khác

Back To Top