Hàng hóa chưa giảm giá theo xăng dầu

07:18 - Thứ Hai, 22/08/2022 Lượt xem: 7470 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, mặc dù giá xăng dầu đã điều chỉnh giảm, nhưng giá nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân vẫn ở mức cao, gây ảnh hưởng đến cung cầu hàng hóa và cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh. Trước tình hình đó, Sở Công Thương, các đơn vị trong phạm vi, lĩnh vực, thẩm quyền quản lý đẩy mạnh theo dõi diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu trong tỉnh, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.

Người dân mua sắm đồ dùng thiết yếu tại cửa hàng tạp hóa trên địa bàn xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé).

So với cuối tháng 6, hiện giá xăng, dầu đã giảm từ 6.000 đến trên 7.000 đồng/lít. Giá xăng, dầu giảm mạnh được xem là tín hiệu tốt, là cơ sở để giá nhiều loại hàng hóa được giảm theo. Tuy nhiên, trái với mong đợi, người tiêu dùng từ khu vực thành phố đến các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh vẫn phải cân đong đo đếm từng đồng vì giá cả nhiều loại hàng hóa vẫn ở mức rất cao. Giá nhiều mặt hàng rau, củ, thịt, lương thực, thực phẩm... đến cước vận tải vẫn chưa giảm hoặc giảm nhỏ giọt, gây bức xúc cho người tiêu dùng.

Ghi nhận tại một số cửa hàng, chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh cho thấy, các mặt hàng lương thực, thực phẩm giá vẫn cao, như: Gạo tám thơm 16.000 - 17.000 đồng/kg; thịt lợn mông sấn dao động từ 120.000 - 140.000 đồng/kg; hành lá 80.000 đồng/kg; sữa Ông Thọ giật nắp 31.000 đồng/hộp. Đặc biệt, mặt hàng phân bón, thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng vẫn neo ở mức giá cao, do ảnh hưởng của giá nguyên liệu trên thị trường thế giới và trong nước, như: Đạm U rê Hà Bắc 18.000 đồng/kg, phân lân Văn Điển 4.800 đồng/kg; thép cuộn phi 6, phi 8 của Thái Nguyên tại TP. Điện Biên Phủ là 18,8 triệu đồng/tấn; tôn xốp lợp giá 155.000 đồng/m2; thép hộp mạ kẽm 2x4 giá 155.000 - 160.000 đồng/cây…

Chị Nguyễn Thị Quyên, người dân TP. Điện Biên Phủ chia sẻ: “Các loại hàng hóa thiết yếu, thực phẩm tăng giá chóng mặt được người bán giải thích là do giá xăng tăng dẫn đến chi phí vận chuyển tăng lên. Hiện nay giá xăng đã giảm nhưng chúng tôi vẫn chưa thấy giảm giá mặt hàng nào”.

 Các loại hàng hóa nhập về vẫn giữ giá cao, thậm chí một số mặt hàng thức ăn chăn nuôi còn tăng giá, như: Khô dầu đậu tương Nam Mỹ là 16.600 đồng/kg (tăng 50 - 100 đồng/kg so với tháng trước); giá cám gạo (cám khô, xơ dưới 7%, không trộn) trong nước tăng 500 - 800 đồng/kg, giá sắn nguyên liệu cũng tăng. Tác động làm giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm tăng 300 - 400 đồng/kg. Hiện nay giá thức ăn hỗn hợp cho lợn từ 16.700 - 23.100 đồng/kg, thức ăn hỗn hợp cho gà, vịt 12.600 - 13.800 đồng/kg tùy theo hãng sản xuất.

Còn tại các doanh nghiệp, siêu thị, giá của các mặt hàng, nhất là mặt hàng thực phẩm tương đối ổn định, nhiều sản phẩm đã được các đơn vị chủ động giảm lợi nhuận để giảm giá. Tại Siêu thị Hoa Ba, giá hộp sữa đặc có đường Ông Thọ trắng nhãn vàng lon 380g có giá 30.000 đồng; dầu đậu nành tự nhiên Coba can 2 lít có giá 105.000 đồng; bánh kem trứng Custas hộp 282g giá niêm yết 52.000 đồng… Để hỗ trợ người tiêu dùng, siêu thị đã giảm lợi nhuận, thực hiện nhiều chương trình giảm giá hàng loạt sản phẩm thiết yếu nhằm bình ổn giá hàng hóa. Đơn cử, thùng 48 bịch sữa tiệt trùng hương dâu Dutch Lady Canxi & Protein 220ml (1 bịch) giảm từ 6.500 đồng xuống còn 6.400 đồng/bịch; 24 chai nước ngọt Fanta hương cam 390ml giảm từ 150.000 đồng xuống còn 130.000 đồng…

Theo lý giải của một số thương nhân, thì xăng dầu chỉ là một phần, còn các yếu tố về nguyên liệu sản xuất, cung cầu chiếm vai trò lớn trong cơ cấu hình thành giá. Mới chỉ giảm giá xăng trong khi các chi phí sản xuất, nguyên liệu khác vẫn chưa giảm thì khó có thể kéo giảm giá thành sản phẩm. Cùng với đó, việc điều chỉnh giảm giá hàng hóa khó có thể thực hiện trong một sớm một chiều. Khi giá đầu vào giảm, các doanh nghiệp cần một khoảng thời gian nhất định để đưa mức giá mới ra thị trường. Có thể giá xăng dầu phải giảm một thời gian dài, khi đó mới tác động đến giá hàng hóa bán ra trên thị trường. Bởi tuy giá xăng dầu đã giảm nhưng đa số doanh nghiệp sản xuất sẽ không thể điều chỉnh ngay giá hàng hóa mà họ còn phải căn cứ theo xu hướng giá chung, theo lộ trình.

Thực hiện Công điện số 679/CĐ-TTg ngày 31/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá và chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công Thương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, kịp thời tham mưu, đề xuất các giải pháp bình ổn giá cả thị trường, cung ứng hàng hóa thiết yếu đáp ứng nhu cầu của người dân. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý tăng cường dự trữ nguồn hàng đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Cùng với đó, khuyến khích tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh khôi phục hoạt động thương mại, dịch vụ  đáp ứng nhu cầu của thị trường. Cùng với đó tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá đối với các mặt hàng thiết yếu.

Hàng hóa trên thị trường được điều tiết bởi quy luật cung - cầu, các hệ thống siêu thị có thể can thiệp, yêu cầu các nhà sản xuất điều chỉnh giá thông qua nhiều hình thức khác nhau để hỗ trợ người tiêu dùng. Trong khi đó, đối với thị trường tự do, các mặt hàng không nằm trong danh mục quản lý giá (rau, thịt, hoa quả…), tiểu thương nhận thấy bán với giá cao vẫn có người mua thì họ không có lý do gì để hạ giá. Muốn hàng hóa giảm giá cần có sự vào cuộc của các doanh nghiệp, cơ quan quản lý và bản thân người tiêu dùng.

Bài, ảnh: Phong Vân
Bình luận

Tin khác

Back To Top