Dưa xóa nghèo ở Tỏa Tình

06:59 - Thứ Bảy, 03/09/2022 Lượt xem: 5370 In bài viết

ĐBP - Từ trên nương, những quả dưa Mèo của đồng bào Mông trên đỉnh Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo) đang vươn tới các siêu thị, điểm bán rau, củ, quả ở thành phố, thị trấn... Giống quả “siêu khủng” này hứa hẹn mang lại những đổi thay tích cực cho bà con vùng cao.

Thành viên HTX Nông sản sạch Tây Bắc kiểm tra chất lượng quả dưa trước khi vận chuyển đi tiêu thụ.

Những ngày này, đi dọc từ đỉnh đèo Pha Đin về Điện Biên Phủ, du khách dễ dàng bắt gặp hình ảnh những sạp dưa Mèo bày bán trên các tuyến quốc lộ. Giống quả này có sức hút đặc biệt, thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Ông Vàng Chứ Dơ, bản Lồng, xã Tỏa Tình chia sẻ: Tên gọi dưa Mèo xuất phát từ việc giống cây này thường được bà con người Mông trồng xen canh cùng các loại cây trên nương. Cây mọc lan trên mặt đất hoặc các mỏm đá và ít khi chăm bón mà hút toàn bộ dưỡng chất từ tự nhiên để sống. “Vì thế quả dưa rất lớn, có quả trọng lượng tới 2kg, ruột đặc, cùi dày. Đặc biệt là dù hái về để lâu nhưng vẫn giữ được vị ngọt đậm hơn dưa chuột thông thường”, ông Dơ nói. Cũng theo chia sẻ của ông Dơ, mấy năm gần đây, giao thông thuận tiện, thấy cây dưa sai quả, dùng không hết nên bà con ở Tỏa Tình gùi xuống dọc đường quốc lộ bán. Không ngờ thứ quả này lại được nhiều người ưa chuộng và bán rất chạy. Từ đó, bà con bảo nhau tập trung trồng nhiều hơn, xen canh trên các nương lúa, ngô.

Với kinh nghiệm trồng dưa từ 7 năm nay, anh Giàng Nhìa Páo, bản Hua Sa A, xã Tỏa Tình chia sẻ: Dưa Mèo còn đặc biệt ở chỗ, mặc dù có ngoại hình “siêu khủng”, song đây lại là loại quả tốn ít chi phí đầu tư, chăm sóc nhất. “Sau khi thu hoạch lúa nương xong, tôi chỉ cần cuốc hố, xuống giống, bón phân chuồng rồi để dưa tự mọc bò lan dưới mặt đất. Đợt nào nắng nóng kéo dài nhiều ngày quá thì tưới nước cho cây. Sau 30 ngày trồng là dưa bắt đầu cho thu hoạch rồi, anh Páo cho hay. Năm nay thời tiết mưa nhiều nên thuận lợi cho dưa Mèo phát triển. Đến thời điểm này, gia đình anh Páo đã thu hoạch được hơn 5 tấn dưa. Với giá bán tại vườn từ 12.000 - 14.000/kg, dự kiến vụ năm nay gia đình anh thu về trên 60 triệu đồng. “Trước đây tôi chỉ trồng mỗi năm một lứa. Nhưng thấy còn dư mấy tháng, nương để không lãng phí nên tôi chuyển sang trồng gối lứa. Cứ lứa dưa này sắp lụi, tôi lại trồng thêm lứa khác. Giờ một vụ tôi trồng được ba lứa liên tiếp. Cứ cách 2, 3 ngày tôi thu hoạch một lần. Hái đến đâu thương lái mua hết đến đó”, anh Páo tâm sự.

Cũng được mùa, song vì thấy giá dưa bán ở chợ cao hơn tại vườn nên năm nay, gia đình chị Lầu Thị Mái, bản Hua Sa B, xã Tỏa Tình đã chọn cách bán lẻ. Mỗi lần thu hoạch, chị Mái chở xuống Chợ Trung tâm huyện Tuần Giáo bán. Trung bình mỗi ngày chị bán được khoảng 2 tạ. Thu nhập gấp từ 2 - 3 lần so với trồng lúa. 

Nhận thấy xu hướng của người tiêu dùng hiện nay đặc biệt quan tâm đến những sản phẩm sạch, an toàn, Hợp tác xã (HTX) Nông sản sạch Tây Bắc ra đời. Cùng với một số nông sản khác, dưa Mèo là sản phẩm chủ lực được HTX lựa chọn. Năm 2021, dưa Mèo của HTX được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Theo bà Hạng Thị Manh, Phó Giám đốc HTX: Hiện đơn vị đang sở hữu vùng trồng dưa Mèo rộng hơn 6ha và 3ha liên kết với người dân. Gia đình ông Vàng Chứ Dơ là một trong những thành viên của HTX. Ông Dơ không chỉ được hỗ trợ về đầu ra, mà còn được tiếp cận phương pháp trồng, chăm sóc bằng phân hữu cơ để tạo ra sản phẩm có chất lượng hơn. “Để tận dụng diện tích đất và dễ chăm sóc, tôi được hướng dẫn làm giàn cho cây dưa. Trồng theo cách này nhàn hơn nhiều, quả dưa không bị giảm chất lượng mà lại có mẫu mã đẹp hơn. Mỗi lứa trồng, tôi chỉ cần chịu khó ngắt lá, bắt sâu và bón phân chuồng. Bắt đầu từ tháng 5 bà con xuống giống, các vụ gối nhau. Rồi từ tháng 6 chúng tôi đã có thu hoạch, kéo dài đến hết tháng 8”, ông Dơ tâm sự.

Cũng theo bà Manh, vụ dưa năm nay HTX bắt đầu ký kết nhiều hợp đồng cung ứng dưa Mèo cho chuỗi các siêu thị cửa hàng lớn. Ví dụ như: Công ty Phúc An, Tâm An, Siêu thị Đức Thành... với số lượng trên 20 tấn sản phẩm. “Từ những tín hiệu tích cực này, dự kiến trong năm 2023, chúng tôi sẽ liên kết với người dân mở rộng diện tích trồng dưa theo phương pháp hữu cơ để đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời thay đổi lối canh tác cho bà con, mang lại sản phẩm chất lượng nhất cho người tiêu dùng”, bà Manh cho biết.

Ông Sùng A Chứ, Phó Chủ tịch UBND xã Tỏa Tình đánh giá: Thực tế những năm qua cho thấy cây dưa Mèo đã mang lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều cho người dân so với trồng lúa nương trước kia. Trong khi đó, hiện nay nhu cầu và thị trường tiêu thụ dưa còn khá rộng, bà con chưa bao giờ phải lo đầu ra. “Chúng tôi xác định đây là một trong những cây trồng nằm trong định hướng giúp người dân địa phương xóa đói giảm nghèo. Do vậy, xã đã có kế hoạch mở rộng diện tích trồng dưa trên địa bàn. Trước mắt, năm 2023 sẽ trồng thêm khoảng 10ha. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với HTX để chuyển giao kỹ thuật, giúp sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất và ổn định về đầu ra”, ông Chứ cho hay.

Tú Anh
Bình luận

Tin khác

Back To Top