Đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP

09:07 - Thứ Tư, 28/09/2022 Lượt xem: 2790 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, nhằm nâng cao giá trị, thương hiệu các sản phẩm, huyện Điện Biên đã và đang tập trung đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ hộ gia đình, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp tăng cường quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP của địa phương, đồng thời kết nối người sản xuất, HTX với các doanh nghiệp phân phối, tiêu thụ nông sản.

Thành viên HTX Mật ong Điện Biên kiểm tra chất lượng mật.

Để chuẩn hóa các sản phẩm lợi thế theo tiêu chí OCOP, huyện đã đẩy mạnh công tác xây dựng thương hiệu, hỗ trợ về khoa học công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh của các cơ sở sản xuất; tư vấn, hỗ trợ các tổ chức kinh tế áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường chất lượng sản phẩm hàng hóa, áp dụng các công cụ cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm và đăng ký bảo vệ quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn hàng hóa... Hiện nay, trên địa bàn huyện Điện Biên có 13 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, gồm: 2 sản phẩm 4 sao, 7 sản phẩm 3 sao, 4 sản phẩm 2 sao. Năm 2022 huyện đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ hoàn thiện, nâng cấp sản phẩm 2 sao lên 3 sao và tiếp tục lựa chọn, hỗ trợ phát triển thêm 4 sản phẩm mới.

Huyện Điện Biên cũng tổ chức nhiều đợt quảng bá, giới thiệu sản phẩm; khai trương, mở điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP. Đồng thời kết nối tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ sản xuất, tìm kiếm hợp đồng, hợp tác liên doanh và phát triển thị trường. Đặc biệt, thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP của huyện rộng khắp (Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng...). Một số sản phẩm được tiêu thụ qua các kênh hiện đại, như hệ thống siêu thị, sàn thương mại điện tử: Gạo Tâm Sáng Séng cù, gạo Tâm Sáng thơm, mật ong bánh tổ, mật ong hoa ban. Các sản phẩm còn lại chủ yếu tiêu thụ qua kênh truyền thống, hệ thống đại lý, thương lái, các bếp ăn tập thể và bán lẻ trực tiếp. Năm 2021, Gạo Tâm Sáng Séng cù tiêu thụ 1.500 tấn; sản phẩm mật ong bánh tổ 2.500 hộp; mật ong Hoa Ban 3.000 lít; rượu nếp nương men lá 30.000 lít/năm, rượu nếp 27 tiêu thụ 15.000 lít/năm, quả đỗ đen bốn mùa 40 tấn...

Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, sản xuất, chế biến theo quy trình an toàn với người tiêu dùng, Thịt trâu khô Phong Sương đã tiêu thụ 1,8 tấn. Bà Lò Thị Sương, Chủ cơ sở Thịt trâu khô Phong Sương, bản Tâu, xã Hua Thanh (huyện Điện Biên) cho biết: “Quá trình chế biến, cơ sở đã thực hiện nghiêm việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu giết mổ, sơ chế, tẩm ướp gia vị, sấy và đóng gói. Gia vị để tẩm ướp thịt được sử dụng từ các loại hạt, quả từ thiên nhiên (muối, ớt, hạt tiêu, mắc khén...) với công thức được các thành viên tự nghiên cứu, chế biến, mang hương vị đặc trưng riêng của người Thái Điện Biên. Cùng với đó, cơ sở đầu tư máy móc, trang thiết bị chế biến hiện đại, sản phẩm chủ yếu được tiêu thụ qua kênh truyền thống, đặc biệt tại các nhà hàng, quán ăn, khu du lịch...”.

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thực hiện, huyện thành lập đoàn kiểm tra, hướng dẫn các xã, chủ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; huy động tối đa các nguồn lực thực hiện chương trình. Theo đó, năm 2021 cùng với hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, trên cơ sở nguồn vốn sự nghiệp chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, sự nghiệp khoa học, nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo Quyết định số 45/2018 của UBND tỉnh, huyện Điện Biên đã triển khai hỗ trợ 10 chủ thể OCOP trên địa bàn với tổng số tiền trên 5 tỷ đồng. Đồng thời, huyện hỗ trợ chủ thể chi phí in bao bì, nhãn mác có gắn tem, biểu tượng OCOP đối với các sản phẩm đã được chứng nhận OCOP; hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm tham gia chương trình OCOP năm 2021 - 2022, ưu tiên sản phẩm tại các xã đã được công nhận đạt chuẩn, cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới.

Thời gian tới, huyện Điện Biên tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở tập trung nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra sự khác biệt so với sản phẩm cùng loại của địa phương khác. Ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất hình thành vùng sản xuất tập trung; hỗ trợ chủ thể bổ sung máy móc, trang thiết bị sơ chế, chế biến, đóng gói nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Đồng thời, mở rộng mạng lưới hợp tác, liên kết trao đổi thông tin đa chiều, hỗ trợ doanh nghiệp, chủ thể kết nối với các trung tâm mua sắm, siêu thị, điểm bán hàng để bán sản phẩm OCOP. Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm, tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP trên website, thương mại điện tử. Hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn các chủ thể có sản phẩm OCOP sản xuất cung ứng sản phẩm OCOP đảm bảo tiêu chuẩn, yêu cầu, thị hiếu, tiêu thụ sản phẩm OCOP chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, giá cả phù hợp... Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận

Tin khác

Back To Top