Nan giải thực hiện niêm yết giá tại chợ

11:10 - Thứ Ba, 18/10/2022 Lượt xem: 4637 In bài viết

ĐBP - Theo quy định pháp luật hiện hành, hàng hóa tại siêu thị, chợ, cửa hàng, trung tâm thương mại… phải được niêm yết giá và bán với giá đã niêm yết. Tuy nhiên, khảo sát thực tế cho thấy, việc thực hiện niêm yết giá chủ yếu mới được triển khai tại các siêu thị, trung tâm thương mại; tại hệ thống chợ truyền thống, hầu hết người mua và người bán đều mặc cả theo kiểu “thuận mua, vừa bán” nên vấn đề này còn khá nan giải.

Đội Quản lý thị trường số 1, thành phố Điện Biên Phủ kiểm tra việc thực hiện niêm yết giá tại chợ Trung tâm 1.

Mục sở thị một gian hàng bán giày dép tại chợ Trung tâm 1, thành phố Điện Biên Phủ, chúng tôi được chủ gian hàng tên Giang thẳng thắn chia sẻ: Tâm lý của khách hàng muốn “mặc cả” bớt một, hai giá so với giá chúng tôi đưa ra, nên nếu có niêm yết giá trên sản phẩm đôi khi cũng không thực sự hiệu quả, chỉ mang tính hình thức. Vì vậy, thay vì ghi giá tôi ghi mã số trên sản phẩm. Khi có khách mua hàng, nhìn vào mã tôi sẽ biết được nên nói giá bao nhiêu, bớt bao nhiêu cho khách. 

Không riêng gian hàng của chị Giang, qua khảo sát thực tế cho thấy hầu hết các loại hàng hóa ở chợ Trung tâm 1, thành phố Điện Biên Phủ đều không niêm yết giá bán, hoặc có niêm yết thì cũng chỉ một số ít sản phẩm. Khi hỏi về vấn đề này, phần đông tiểu thương cho rằng, việc niêm yết giá khá phiền phức, giá cả thường xuyên thay đổi cùng với thói quen mặc cả khi mua hàng của người tiêu dùng nên nếu có niêm yết giá thì cũng không phải giá bán thực tế, nhất là đối với mặt hàng túi xách, quần áo, giày dép... Bên cạnh đó, hầu hết mỗi ki-ốt chỉ có một chủ kiêm người bán, nên không có thời gian gắn giá vào hàng trăm sản phẩm.

Tại chợ trung tâm thị trấn Điện Biên Đông, huyện Điện Biên Đông, theo quan sát của phóng viên, chủ yếu là các gian hàng bày bán nhu yếu phẩm, thực phẩm tươi sống và thực phẩm chế biến sẵn... Tuy nhiên, việc thực hiện niêm yết giá đối với các loại hàng hóa này vẫn chưa được thực hiện, ngoại trừ một số sản phẩm thuộc hàng công nghệ chế biến đã được nhà sản xuất in trực tiếp lên bao bì sản phẩm. Được biết, hàng năm, Ban Quản lý chợ phối hợp với lực lượng chức năng tuyên truyền, kiểm tra về hành vi vi phạm quy định niêm yết giá bán lẻ nhưng số lượng phạt không nhiều, chủ yếu nhắc nhở. Lý do được các tiểu thương đưa ra là do rau, củ, quả được nhập từ nhiều nguồn cung khác nhau nên mỗi nơi một giá. Chưa kể, giá các mặt hàng này thay đổi liên tục theo ngày và tuy cùng một loại sản phẩm nhưng có rất nhiều mức giá khác nhau nên rất khó để thực hiện việc niêm yết giá.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 34 chợ đang hoạt động. Không riêng chợ Trung tâm 1 hay chợ thị trấn Điện Biên Đông, ghi nhận tại hầu hết chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh, tình trạng không niêm yết giá hàng hóa khá phổ biến. Sự thiếu minh bạch về giá tại chợ khiến cho một bộ phận người tiêu dùng trở nên e ngại khi mua hàng hóa tại chợ.

Với lý do người mua hay mặc cả, trả giá nên nhiều tiểu thương không thực hiện niêm yết giá hàng hóa.

Chị Nguyễn Minh Phương, tổ dân phố 3, phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ cho hay: Thông thường, các gian hàng trong chợ hiếm khi niêm yết giá như ở các siêu thị. Khi muốn biết giá một sản phẩm nào đó, chỉ còn cách hỏi. Việc không niêm yết giá, nói thách của chủ kinh doanh khiến người mua chúng tôi e ngại, nhất là khi đi chợ buổi sáng, vì sợ mua hớ hoặc chẳng may trả giá không vừa ý, gặp phải người bán khó tính sẽ bị cằn nhằn, xua đuổi. Cũng vì lý do này, ngoài các mặt hàng thực phẩm tươi sống, tôi ít khi mua sắm hàng hóa tại chợ mà chủ yếu mua tại các siêu thị hoặc cửa hàng quen thuộc.

Theo Nghị định 49/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 109/2013/NĐ-CP, hành vi không niêm yết giá sản phẩm, niêm yết giá không rõ ràng sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng cho vi phạm lần đầu; 1 đến 3 triệu đồng đối với vi phạm nhiều lần; phạt từ 5 đến 10 triệu đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết và dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá. Thống kê của Cục Quản lý thị trường cho thấy, 9 tháng đầu năm 2022, trong tổng số 364 vụ xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động kinh doanh thương mại hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh thì có đến 221 vụ liên quan đến giá. Song, có lẽ mức phạt về gian lận trong lĩnh vực niêm yết giá chưa đủ sức răn đe nên chưa có tác động, làm thay đổi hành vi kinh doanh của tiểu thương, nhất là tại các vùng nông thôn.

Ông Lò Ngọc Minh, Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường tỉnh cho biết: Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, vận động các tiểu thương, tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn ký cam kết niêm yết giá hàng hóa, bán đúng giá niêm yết; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt các hành vi liên quan đến việc niêm yết giá bán. Tuy nhiên, do thói quen mặc cả của người tiêu dùng, khiến các chợ truyền thống vẫn khó thực hiện đầy đủ quy định niêm yết giá các mặt hàng. Bên cạnh đó, nhiều tiểu thương chưa có ý thức xây dựng kinh doanh thương mại hiện đại và bản thân nhiều người tiêu dùng còn chưa quan tâm đến quyền lợi của chính mình. Trong thời gian tới, Cục Quản lý thị trường sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật và hướng dẫn tiểu thương tại các chợ thực hiện niêm yết giá và bán giá theo niêm yết; tuyên truyền rộng rãi người tiêu dùng về mua các sản phẩm có niêm yết giá; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát và xử phạt các tiểu thương vi phạm nhằm thay đổi thói quen bán hàng và bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận

Tin khác

Back To Top