Doanh nghiệp khó tiếp cận tín dụng ưu đãi

08:28 - Thứ Sáu, 28/10/2022 Lượt xem: 4391 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 1.300 doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19, giá cả đầu vào nguyên liệu, vật liệu tăng cao, các doanh nghiệp rất cần vốn để phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thời gian qua, một số chính sách cho vay vốn ưu đãi đã được các ngân hàng triển khai, nhưng theo phản ánh nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi.

Khách hàng làm thủ tục vay vốn tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh Điện Biên.

Từ đầu năm đến nay toàn tỉnh có 61 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động kinh doanh và 11 doanh nghiệp giải thể tự nguyện do gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Để doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh nhanh chóng khôi phục sản xuất sau dịch Covid-19, ngày 20/5/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh. Thời hạn được hỗ trợ lãi suất tính từ ngày giải ngân khoản vay đến thời điểm khách hàng trả hết nợ gốc hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận giữa ngân hàng thương mại và khách hàng. Mức lãi suất hỗ trợ đối với khách hàng là 2%/năm, tính trên số dư nợ vay và thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất thực tế nằm trong khoảng thời gian quy định.

Nghị định 31 có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp hi vọng gói hỗ trợ lãi suất 2% là “phao cứu sinh” giúp hồi phục sau đại dịch Covid-19. Nhưng thực tế doanh nghiệp lại gặp nhiều khó khăn, không thể vay vốn do rất khó đáp ứng được điều kiện, quy định đưa ra. Theo đó, để tiếp cận được gói vay hỗ trợ lãi suất, có nhiều thủ tục từ phía ngân hàng, quá trình thẩm định khá phức tạp. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó để tiếp cận vì không dễ chứng minh được năng lực tài chính, nguồn lực. Còn những doanh nghiệp có phương án kinh doanh tốt, định hướng phát triển rõ ràng, nhưng do đa số kinh doanh ngành nghề dịch vụ thì lại không có tài sản đảm bảo, nên cũng khó tiếp cận các khoản vay. Trong khi đó, thời hạn của gói tín dụng chỉ kéo dài đến hết năm 2023, quá ngắn để lo thủ tục vay vốn và nhận hỗ trợ. Vì vậy, đến hết tháng 9/2022, toàn tỉnh có 210 khách hàng với dư nợ 561 tỷ đồng thuộc diện được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31. Tuy nhiên đến nay trên địa bàn tỉnh chưa phát sinh khoản vay đáp ứng đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất. Nguyên nhân là do quá trình triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất trên địa bàn, các ngân hàng thương mại gặp khó khăn trong xác định đối tượng được hỗ trợ vì khách hàng hoạt động sản xuất, kinh doanh đa ngành, nhỏ lẻ; khó khăn trong xác định mục đích sử dụng vốn.

Doanh nghiệp không chỉ khó tiếp cận với gói hỗ trợ lãi suất 2%, mà còn khó tiếp cận tín dụng các chương trình cho vay khác. Theo phản ánh của một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, việc tiếp cận các nguồn vốn vay của ngân hàng dù đã có sự thông thoáng hơn nhưng nhìn từ thực tế, vẫn không hề đơn giản. Đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ vì thiếu tài sản thế chấp.

Ông Lê Hồng Thái, phụ trách phòng Khách hàng doanh nghiệp (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh Điện Biên) cho biết: Ngân hàng luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khi có nhu cầu vay vốn; thậm chí có thời điểm giảm lãi suất cho vay xuống 4,5%/năm. Đến hết tháng 9/2022, tổng dư nợ cho vay doanh nghiệp đạt 2.235 tỷ đồng (đạt 30,1% tổng dư nợ cho vay). Tuy nhiên, thời gian qua nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn chưa tiếp cận được vốn vay, nhất là nguồn vốn ưu đãi. Nguyên nhân khi làm thủ tục vay vốn còn thiếu các giấy tờ, thủ tục pháp lý theo quy định. Điển hình, một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy điện làm hồ sơ vay vốn nhưng chưa hoàn chỉnh thủ tục hồ sơ về đất đai, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... để làm căn cứ pháp lý ngân hàng cho vay. Một số doanh nghiệp, hợp tác xã thiếu các phương án sản xuất kinh doanh hoặc có phương án nhưng không khả thi, hiệu quả.

Mong muốn của nhiều doanh nghiệp hiện nay là cần có sự phối hợp tháo gỡ khó khăn, đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ lãi suất để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch Covid-19.

Bài, ảnh: Thành Đạt
Bình luận

Tin khác

Back To Top