Tự nguyện thoát nghèo

07:47 - Thứ Ba, 03/01/2023 Lượt xem: 4955 In bài viết

ĐBP - Những năm gần đây trên địa bàn tỉnh đã có những tấm gương tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo để chia sẻ sự hỗ trợ của Nhà nước cho hộ khó khăn hơn. Những câu chuyện cảm động về các trường hợp tự nguyện xin thoát nghèo ngày càng được lan tỏa mạnh mẽ, góp phần làm thay đổi nhận thức, xóa dần tư tưởng trông chờ, ỷ lại và là động lực để các hộ nghèo khác nỗ lực vươn lên.

Mô hình nuôi trâu vỗ béo đã giúp gia đình chị Lò Thị Cợi, thôn Huổi Lực, thị trấn Tủa Chùa (huyện Tủa Chùa) thoát nghèo.

Câu chuyện xin thoát nghèo của gia đình anh Lường Văn Toán, bản Hốc, xã Mường Mùn (huyện Tuần Giáo) là minh chứng rõ nét cho sự chuyển biến về nhận thức, ý chí thoát nghèo. Sau vài năm được hưởng các chế độ, chính sách hỗ trợ hộ nghèo của Đảng, Nhà nước, năm 2020 với suy nghĩ bản thân và vợ con có sức khỏe tốt, có tư liệu sản xuất thì phải nỗ lực phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo, anh Toán đã bàn bạc, thống nhất với vợ con tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo. Nói là làm, trong một lần họp bản bình xét hộ nghèo, cận nghèo, anh Toán đã mạnh dạn xin thôi không hưởng các chế độ, chính sách hộ nghèo nữa, và cam kết sẽ phấn đấu thoát nghèo. Hành động của anh khiến nhiều người trong bản bất ngờ và khâm phục. Không chỉ tiên phong viết đơn xin thoát nghèo, anh Toán còn vận động anh em và một số hộ dân trong bản cùng đăng ký thoát nghèo. Nhờ đó năm 2020 bản Hốc đã có 3 hộ cùng viết đơn xin thoát nghèo.

Anh Lường Văn Toán chia sẻ: Mặc dù hộ nghèo được hưởng rất nhiều chế độ, chính sách ưu tiên của Đảng, Nhà nước, như: Y tế, giáo dục, vay vốn… nhưng tôi nhận thấy xung quanh mình còn rất nhiều người hoàn cảnh khó khăn hơn cần được giúp đỡ nên đã xin thoát nghèo. Mới đầu mọi người trong gia đình, người thân cũng khuyên ngăn, nhưng tôi đã động viên các thành viên trong gia đình chăm chỉ lao động, quyết tâm thoát nghèo. Bởi gia đình đều khỏe mạnh, con cái trưởng thành, có đất đai để phát triển kinh tế. Nếu là hộ nghèo mãi thì xấu hổ lắm. Hiện giờ cuộc sống của gia đình tôi cũng đã khá hơn nhiều.

Những người xin ra khỏi diện hộ nghèo như anh Toán cũng xuất hiện ở một số địa phương như Nậm Pồ, Điện Biên, Mường Lay, Mường Chà, Tủa Chùa... Điều đó cho thấy ý thức của nhiều người nghèo đã được nâng lên, họ thấy xấu hổ khi cứ mang “danh hiệu” hộ nghèo để được hưởng chế độ của Nhà nước. Gia đình chị Lò Thị Cợi, thôn Huổi Lực, thị trấn Tủa Chùa (huyện Tủa Chùa) là điển hình.

Năm 2018, khi bình xét hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chị Cợi được xét thuộc diện ranh giới giữa hộ nghèo và cận nghèo và sau đó chính quyền quyết định thuộc diện hộ nghèo. Song gia đình chị Cợi đã đề xuất thôi không thuộc diện hộ nghèo để nhường suất hộ nghèo cho gia đình khác, với mong muốn để con cháu noi gương, vươn lên phát triển kinh tế. Ngay sau khi xin thoát nghèo, gia đình chị đã mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển mô hình chăn nuôi trâu vỗ béo, đào ao thả cá, chăn nuôi gia cầm. Đến nay gia đình chị luôn duy trì hơn 10 con trâu; 1ha ao cá và hơn 20 con lợn. Gia đình chị Cợi đã “chính danh” thoát nghèo bền vững.

Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn. Đời sống kinh tế, trình độ nhận thức của một bộ phận dân cư còn hạn chế. Thế nên việc hộ nghèo chủ động xin thoát nghèo được coi là kỳ lạ. Những gia đình tự nguyện xin thoát nghèo không hẳn vì cuộc sống khá hơn mà chứng tỏ họ đã có ý thức tự lực vươn lên, xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước. Không được thụ hưởng các chính sách ưu đãi nhưng họ lại lấy đó là động lực để nỗ lực phấn đấu, tự mình vươn lên chiến thắng cái nghèo.

Những năm qua, với nỗ lực của các cấp, ngành và sự chung tay đồng lòng của nhân dân trong tỉnh, hàng loạt chính sách sau khi được triển khai đã giúp hàng nghìn hộ nghèo thoát nghèo. Đặc biệt, việc các hộ nghèo tự nguyện xin thoát nghèo là một “cú hích” để thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững. Qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của các địa phương. Tính đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 30,5% (giảm 4.185 hộ so với năm 2021); trong đó tại các huyện nghèo giảm còn 44,6% (giảm 6,01% so với năm 2021). Nhiều người nghèo đã không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, mà đã thay đổi nhận thức, tự lực vươn lên.

Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top