Chung tay bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

07:05 - Chủ Nhật, 08/01/2023 Lượt xem: 3894 In bài viết

ĐBP - Trong những năm qua, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực. Qua đó không chỉ góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh của doanh nghiệp, cá nhân, tạo động lực quan trọng cho kinh tế phát triển ổn định.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ.

Công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được quan tâm thực hiện với nhiều hoạt động thiết thực như: Đẩy mạnh tuyên truyền Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các nghị định, thông tư hướng dẫn với nhiều nội dung và hình thức phong phú; đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; phát tờ rơi, treo băng rôn và tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông về các biện pháp chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng với doanh nghiệp... Các sở, ngành chức năng tổ chức các buổi tư vấn, hướng dẫn cho người tiêu dùng phương pháp để bảo vệ quyền lợi của mình.

Đặc biệt, lực lượng quản lý thị trường tỉnh, công an, hải quan tích cực kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Trong đó, tập trung kiểm tra các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, đại lý, nhà phân phối; tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện, các nhóm sản phẩm thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành Công Thương, nhất là những mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp tết như: Bia, bánh, mứt, kẹo, nước giải khát; thực phẩm tươi sống, gia súc, gia cầm; thời trang may mặc; pháo hoa; trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19...

Trong năm 2022 lực lượng quản lý thị trường tỉnh đã ra quân kiểm tra 1.380 vụ. Qua kiểm tra phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 515 vụ (tăng 30,4% so với năm trước); trong đó, vi phạm hàng lậu 1 vụ, giả nhãn hiệu hàng 4 vụ, vi phạm lĩnh vực giá 300 vụ, vi phạm về an toàn thực phẩm (kinh doanh hàng quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không lưu mẫu thức ăn) 41 vụ... với tổng số tiền xử phạt nộp ngân sách Nhà nước 871,425 triệu đồng. Đồng thời phối hợp với lực lượng công an tỉnh kiểm tra 40 vụ, phát hiện xử phạt vi phạm hành chính 38 vụ (chủ yếu vi phạm nhãn hàng hóa); tham gia đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra gần 300 cơ sở, phát hiện và xử lý 4 cơ sở vi phạm.

Một hạn chế hiện nay là công tác giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh chưa thật hiệu quả. Người tiêu dùng hiện nay chưa quan tâm đến việc lấy hóa đơn, chứng từ, kiểm tra, xem xét hàng hóa trước khi nhận hàng. Bởi vậy khi sự cố xảy ra không có cơ sở để giải quyết. Bên cạnh đó, trình độ dân trí không đồng đều nhất là ở vùng sâu, vùng xa; nhận thức, ý thức của một số doanh nghiệp, cá nhân sản xuất kinh doanh trong việc bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng còn hạn chế, do vậy công tác quản lý, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn nhiều bất cập.

Trong tình hình hiện nay, hành vi vi phạm quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng ngày càng phức tạp và gia tăng ở hầu hết các lĩnh vực. Vì vậy, các cấp, ngành chức năng cần tích cực tuyên truyền phổ biến rộng rãi hơn nữa về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tăng cường thông tin cho người tiêu dùng nhận biết về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng một cách thường xuyên hơn. Thường xuyên kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh; khuyến khích người tiêu dùng “tẩy chay” hàng hóa của doanh nghiệp vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần tự trang bị kiến thức, nâng cao khả năng tự bảo vệ trước các thủ đoạn lừa đảo, gian lận trong kinh doanh hàng hóa, dịch vụ để tránh bị ảnh hưởng đến quyền lợi.

Bài, ảnh: Thành Đạt
Bình luận

Tin khác

Back To Top