Tháo gỡ khó khăn dự án trồng mắc ca

07:29 - Thứ Sáu, 13/01/2023 Lượt xem: 4230 In bài viết

ĐBP - Xác định mắc ca là một trong những cây trồng chủ lực trong tiến trình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững; những năm qua huyện Điện Biên đã chủ trương phát triển loại cây này theo hướng mở rộng quy mô, diện tích. Tuy nhiên, khi triển khai trên thực tế, tất cả các dự án mắc ca đều gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, tiến độ chậm. Thực tế này đòi hỏi huyện Điện Biên cần đề ra những giải pháp khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Công nhân Công ty TNHH HL Điện Biên chăm sóc vườn cây mắc ca tại xã Thanh An.

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Huyện Điện Biên là 1 trong 7 huyện, thành phố có dự án trồng mắc ca. Từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn huyện có 4 dự án trồng cây mắc ca được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, tổng vốn đầu tư trên 4.000 tỷ đồng, quy mô thực hiện trồng 14.762,74ha. Đến hết tháng 11/2022 diện tích đã đo đạc, quy chủ 4.996,36ha; diện tích đo đạc để làm thủ tục cho nhà đầu tư thuê 2.780,81ha; diện tích đo đạc để hỗ trợ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho người dân theo hạn mức 2.215,55ha. Trong đó, diện tích đã trồng mắc ca mới đạt 1.399,5ha, chiếm 9,5% tổng quy mô dự án (diện tích trồng năm 2022 là 811,5ha), chậm so với tiến độ đề ra. Tổng số vốn đã đầu tư của dự án trên 224,258 tỷ đồng (vốn đầu tư trong năm 2022 là 67,825 tỷ đồng).

Đơn cử như tại Dự án trồng cây mắc ca xã Thanh An, Thanh Xương (huyện Điện Biên) do Công ty TNHH HL Điện Biên làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô 505ha; tổng mức đầu tư 127,165 tỷ đồng; diện tích đã trồng đạt 230ha, không tăng so với năm 2021 và tháng 10/2022 mới đạt 45,54% so với tổng quy mô dự án. Ông Dương Đức Chính, Tổng Giám đốc Công ty TNHH HL Điện Biên cho biết: Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do diện tích đất đai trong vùng dự án phần lớn bị thoái hóa, ô nhiễm bởi hóa chất, thuốc trừ cỏ trong quá trình sản xuất nông nghiệp của người dân. Việc tuyên truyền, vận động người dân gặp nhiều khó khăn, nhiều hộ dân không đồng thuận với chủ trương phát triển mắc ca. Đặc biệt, tiến độ cấp giấy chứng nhận QSDĐ chậm hơn so với dự kiến làm vi phạm tín dụng giữa Công ty và phía ngân hàng vay, từ đó dẫn tới chậm tiến độ thực hiện dự án.

Cũng theo ông Dương Đức Chính, phần còn lại khoảng 250ha, hiện Công ty đang phối hợp với chính quyền đo đạc, quy chủ, tuyên truyền vận động người dân hiểu và tích cực tham gia dự án bằng các hình thức liên kết, góp vốn hoặc thuê của người dân. Tuy nhiên, do người dân chưa có thủ tục pháp lý (giấy chứng nhận QSDĐ) nên Công ty không có căn cứ để ký hợp đồng liên kết.

Về thành lập thí điểm hợp tác xã (HTX) mắc ca chưa đạt kế hoạch đề ra; đến nay mới thành lập được 1/4 HTX. Nguyên nhân chủ yếu là do phần lớn người dân chưa có nhu cầu tham gia liên kết với doanh nghiệp để trồng mắc ca hoặc khi người dân có nhu cầu (như HTX Mắc ca xã Thanh Xương) thì doanh nghiệp lại chưa có nguồn lực để ký hợp đồng liên kết và ứng vốn thực hiện dự án liên kết trồng mắc ca theo chính sách hỗ trợ sau đầu tư quy định tại Quyết định 45/2018/QĐ-UBND của UBND tỉnh.

Ngoài ra, việc chuẩn bị các điều kiện để trồng mắc ca (máy móc, con người...) của một số nhà đầu tư còn chậm, chưa đảm bảo và kịp thời theo tiến độ diện tích đã được đo đạc, quy chủ. Trong quá trình thực hiện trồng mắc ca, một số diện tích đo đạc, quy chủ chưa tập trung, liền vùng, liền khoảnh nên gặp phải khó khăn trong việc thi công mở đường vào khu sản xuất. Một bộ phận hộ dân đã được tuyên truyền, vận động nhưng chưa đồng thuận nhất trí tham gia dự án trồng cây mắc ca, chủ yếu là các hộ có đất dưới 5ha và chưa có nhu cầu liên kết với doanh nghiệp để trồng.

Cần những giải pháp quyết liệt, đồng bộ

Để hiện thực hóa trở thành “thủ phủ cây mắc ca” của tỉnh, ngoài thu hút các doanh nghiệp, tổ chức đầu tư, đẩy mạnh phát triển; huyện Điện Biên đã và đang quyết liệt, khẩn trương, triển khai đồng bộ các giải pháp, nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, bảo đảm các dự án mắc ca được triển khai hiệu quả như mong muốn của nhà đầu tư, kỳ vọng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân. Theo đó, huyện Điện Biên đã thành lập các tổ công tác, phối hợp với nhà đầu tư triển khai thực hiện từng dự án, giải quyết dứt điểm những khó khăn vướng mắc về thủ tục đất đai. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương của Đảng, quy định, chính sách của Nhà nước và của tỉnh về đất đai, chế độ, chính sách thực hiện các dự án trồng mắc ca và vai trò, ý nghĩa của việc trồng cây mắc ca trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

UBND huyện yêu cầu Phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các xã, đơn vị liên quan khẩn trương tham mưu triển khai thực hiện các thủ tục giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận QSDĐ tại các khu vực có dự án trồng cây mắc ca; phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư thực hiện đo đạc, quy chủ, lập hồ sơ địa chính tại các dự án trên địa bàn huyện. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp chặt chẽ các đơn vị liên quan hướng dẫn thành lập HTX, tổ hợp tác, các nội dung hợp tác liên kết giữa nhà đầu tư với HTX, tổ hợp tác và người dân tham gia liên kết theo hướng “cầm tay chỉ việc”. Thường xuyên tổ chức giám sát, kiểm tra chất lượng cây giống mắc ca cung ứng cho người dân đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng theo quy định. Đối với các xã cần tăng cường tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ, đồng thuận tham gia các dự án trồng cây mắc ca, thành lập HTX, tổ hợp tác. Phối hợp với nhà đầu tư và đơn vị liên quan thực hiện việc đo đạc, quy chủ để cho doanh nghiệp thuê đất, cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho người dân; quản lý chặt chẽ, không để các hộ gia đình, cá nhân tự phát trồng cây mắc ca.

Ngoài ra, huyện Điện Biên đề nghị các nhà đầu tư cam kết cung ứng cây giống chất lượng, hợp tác liên kết, hỗ trợ kỹ thuật cho người dân, sử dụng lao động địa phương... Khẩn trương thực hiện lập, lấy ý kiến thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư theo đúng trình tự, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh. Tập trung nguồn lực, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai trồng cây mắc ca theo đúng tiến độ đã cam kết; ưu tiên tập trung phát triển diện tích vườn mắc ca liên kết với người dân thông qua mô hình HTX, tổ hợp tác... Từ đó, góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân, mở hướng đi mới trong phát triển cây công nghiệp dài ngày, cải tạo môi trường, phủ xanh đất trống đồi núi trọc.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận

Tin khác

Back To Top