Nuôi cấy mô tế bào gìn giữ, nhân giống nguồn gen quý

08:02 - Thứ Năm, 19/01/2023 Lượt xem: 7182 In bài viết

ĐBP - Bên trong trụ sở Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) có một căn phòng nhỏ vô trùng. Chiếc kệ 4 tầng chiếm gần 1/3 diện tích gian phòng. Trên ấy từng lọ, bịch ươm những mầm xanh xếp hàng quy củ, tỉ mỉ ghi chú ngày, tháng. Đây là phòng nuôi cấy mô tế bào - nơi sản xuất ra những giống cây sạch bệnh, ưu điểm vượt trội, hướng tới chủ động cung ứng giống cho thị trường địa phương.

Cán bộ Phòng Thí nghiệm công nghệ sinh học và phân tích kiểm nghiệm (Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KHCN) kiểm tra cây phát triển từ nuôi cấy mô tế bào thực vật.

Chị Trương Thị Thanh Bình, Trưởng phòng Thí nghiệm công nghệ sinh học và phân tích kiểm nghiệm, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KHCN (Sở KHCN) cẩn thận gắp chuyển môi trường sống cho từng cây non mới nhú. Các mầm xanh đang dần lớn lên từ mô, tế bào thực vật trong các bình đựng, đợi đến khi đủ cứng cáp để chuyển ra vườn ươm. Chị Bình vừa chăm chú làm vừa trò chuyện: “Triển khai từ cuối năm 2020, phòng nuôi cấy mô này đã thử nghiệm sản xuất được nhiều giống cây hoa, cây ăn quả, cây lâm nghiệp. Hiện phòng đang thực hiện các giống hoa đồng tiền, hoa cúc và lan. Lan thì có giả hạc, đai châu, phi điệp, địa lan, kiếm Huế, hồ điệp 3 màu khác nhau (hồng, trắng, lưỡi đỏ). Cúc cũng có 5 loại màu: Trắng, mona vàng, kim cương trắng, tím Huế, mai cam. Hoa đồng tiền thì cây lùn, cao các màu, 4 - 5 màu/loại”.

Tùy từng loại cây, thời gian nuôi cấy, nuôi dưỡng trong phòng mô khác nhau. “Trong các loại chúng tôi đang triển khai thì lan là có thời gian lâu nhất, 6 tháng mới chuyển cây sang môi trường sống khác, 1 năm mới chuyển từ phòng mô ra được vườn. Còn cúc và đồng tiền thì 2 - 3 tháng” - chị Đinh Thị Mai Phương, viên chức phòng thí nghiệm chia sẻ thêm.

Nuôi cấy mô tế bào thực vật là công nghệ nuôi cấy mô, tế bào và các cơ quan hoàn toàn sạch vi sinh vật, trên môi trường dinh dưỡng nhân tạo, trong điều kiện vô trùng. Công nghệ này sẽ tạo ra những giống cây trồng được trẻ hóa, khỏe, sạch bệnh. Không những vậy, phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật sẽ tạo ra giống cây cấy mô với số lượng lớn, đáp ứng nhu cầu trồng trọt trên quy mô diện tích lớn, cây giống có độ đồng đều cao và giữ nguyên vẹn đặc tính sinh học, đặc tính kinh tế của cây bố mẹ. Đặc biệt nuôi cấy mô tế bào có thể dùng để cứu sống phôi mầm của một số loài cây khó phát triển và sinh trưởng, bảo vệ các giống cây quý hiếm đang bị đe dọa.

Từ phòng thí nghiệm, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KHCN đã thử nghiệm đưa ra vườn ươm một số giống cây. Tháng 10 - 11 vừa qua, đã chuyển 2 lứa cúc các loại ra trồng trong nhà màng với tổng diện tích gần 500m2. Số cây này hiện đang sinh trưởng, phát triển tốt, hứa hẹn cung ứng cho thị trường đúng dịp chuẩn bị Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Đây cũng là mục đích mà Trung tâm hướng tới. Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KHKT cho biết: “Thời gian tới, Trung tâm tập trung vào phát triển nuôi cấy mô với các giống cây hoa và dược liệu mà thị trường đang có nhu cầu. Trước mắt có thể nhân số lượng lớn cúc, đồng tiền ra, chứng thực hiệu quả, chất lượng cây trồng, hướng tới sản xuất giống hoa sạch bệnh, nhiều ưu điểm vượt trội cho thị trường địa phương. Chọn 2 loại cây này bởi lẽ hiện người trồng hoa địa phương phải nhập giống từ ngoại tỉnh về, giá cao”.

Thực tế, cúc và đồng tiền là các loài hoa thông dụng, nhu cầu thị trường lớn và thường xuyên, đặc biệt vào mỗi dịp lễ, tết và các ngày rằm, mùng 1 âm lịch hàng tháng. Nhưng cung vẫn chưa đủ cầu, hiện nay người trồng hoa tỉnh ta còn gặp khó khăn về nguồn giống. Thậm chí nhiều hộ còn sử dụng biện pháp giâm cành, khiến chất lượng giảm, thoái hóa giống. Bên cạnh đó, trong quá trình chăm sóc, cây dễ bị sâu bệnh hoặc các loại côn trùng phá hại lá và hoa non. Nếu phát triển được giống cây khỏe, sạch bệnh, sinh trưởng nhanh, chất lượng cao, với số lượng lớn thì không chỉ có thể đảm bảo cung ứng cho thị trường trong tỉnh. Mà sẽ góp phần thay đổi cũng như nâng cao nhận thức cho nông dân về sản xuất hiện đại, ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp, bảo vệ cây trồng trước tác động bất lợi của thời tiết, các loại sâu bệnh.

Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KHCN còn có chức năng nhiệm vụ, năng lực bảo tồn và phát triển nguồn gen của cây trồng, vật nuôi đặc sản, đặc hữu quý hiếm, có giá trị kinh tế. Về cây trồng nông lâm nghiệp, tỉnh ta có các loại gen quý hiếm đang nguy cơ mất dần hoặc thoái hóa cần lưu giữ, bảo tồn, như: Các giống lúa nếp nương, khoai sọ tím Tủa Chùa, vừng đen, cam Mường Nhà, cam Mường Pồn, cây pơ mu, trầm hương, giổi găng, gù hương... Nhiều loại cây dược liệu cũng có nguy cơ suy giảm ngày càng hiếm gặp, như: Tam thất, ngũ gia bì, lan kim tuyến, lan hoàng thảo Điện Biên Đông, hoàng tinh hoa trắng... Không ít loài thủy sản, vật nuôi bản địa quý hiếm cũng đang có nguy cơ suy thoái, tuyệt chủng, cần bảo tồn: Cá măng, cá lăng nha, rầm xanh, ngựa Mông, bò vàng Điện Biên, gà Mông Tủa Chùa, trâu ngố địa phương, vịt bầu cổ xanh Nà Tấu...

Nếu tiếp tục được quan tâm, đầu tư, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, đồng thời đơn vị không ngừng học hỏi, nâng cao chất lượng hoạt động, làm chủ quy trình kỹ thuật, ứng dụng khoa học kỹ thuật, thì bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào, các nguồn gen quý trên địa bàn sẽ có cơ hội được gìn giữ, bảo tồn, nhân giống để phát huy giá trị, lợi ích kinh tế, góp phần phát triển tỉnh nhà.

Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top