Nông sản Việt Nam trên vị thế mới

18:19 - Chủ Nhật, 22/01/2023 Lượt xem: 5921 In bài viết

Năm 2022 là thời gian khó khăn với nhiều ngành hàng xuất khẩu, tuy nhiên, vượt qua nhiều "rào cản", nông sản Việt Nam đã xác lập được vị thế mới với nhiều đột phá, nhiều kỷ lục. Kim ngạch xuất khẩu nông sản tiếp tục có những đóng góp quan trọng để nông nghiệp duy trì vai trò trụ đỡ của nền kinh tế và doanh nghiệp lĩnh vực này cũng như người nông dân có một năm bội thu.

 

Sản phẩm chất lượng ra mắt nhiều thị trường khó tính

Tháng 10-2022, quả bưởi tươi của Việt Nam chính thức được xuất khẩu sang thị trường Mỹ - một thị trường tiềm năng nhưng cũng rất “khó tính” bởi yêu cầu về chất lượng, kiểm dịch rất cao. Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Hoàng Trung chia sẻ, để đưa được quả bưởi vào thị trường Mỹ, các cơ quan chức năng Việt Nam đã phải mất 5 năm đàm phán, làm việc với đối tác trong những điều kiện hết sức ngặt nghèo. Theo quy định của Mỹ, vùng trồng và cơ sở xử lý quả bưởi tươi của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này phải được đăng ký với Cục Bảo vệ thực vật và Cơ quan Kiểm dịch động vật, thực vật Mỹ (APHIS). Quả bưởi không được nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật mà Mỹ quan tâm...

Như vậy, quả bưởi tươi là loại trái cây thứ 7 của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Mỹ sau xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa.

Nông dân Nguyễn Văn Trí ở xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh - địa phương có diện tích trồng bưởi lớn nhất tỉnh Vĩnh Long chia sẻ: “2 năm gần đây, nhiều người đã chuyển diện tích trồng bưởi Năm Roi sang trồng sầu riêng, mít Thái…, riêng tôi vẫn trung thành với loại cây này. Nghe tin bưởi tươi được xuất khẩu sang Mỹ, tôi vui lắm vì xuất sang thị trường này giá bán sẽ rất cao, có lợi cho nhà vườn”.

Trước đó, tháng 7-2022, chanh leo Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật) Nguyễn Quang Hiếu cho biết: Tích cực đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc, gần 6 năm qua, hai bên đã phối hợp xúc tiến quá trình phân tích nguy cơ dịch hại và trao đổi thông tin đi đến thống nhất về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với trái chanh leo nhập khẩu vào Trung Quốc. Và, chanh leo là loại quả thứ mười của Việt Nam được phép nhập khẩu chính ngạch vào thị trường này.

Không chỉ mặt hàng trái cây, nhiều sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đã và đang chinh phục, khẳng định vị thế của mình ở các thị trường lớn, thị trường truyền thống.

Điển hình là mặt hàng cá tra, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), năm 2022, xuất khẩu cá tra đạt hơn 2,5 tỷ USD, tăng 58% so với năm trước. Trong đó, thị trường Trung Quốc chiếm 30%, tăng 110% so với cùng kỳ năm trước. Cũng theo thống kê của Bộ NN&PTNT, gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã có mặt tại hơn 40 thị trường, trong đó có 8 thị trường đạt hơn 100 triệu USD, 3 thị trường đạt trên 1 tỷ USD…

 

 

Xác lập thêm nhiều kỷ lục mới

Năm 2022, xuất khẩu nông lâm thủy sản đã chính thức thiết lập kỷ lục mới, với kim ngạch 53,2 tỷ USD, vượt qua con số 48,6 tỷ USD của năm 2021. Trong đó có 8 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD gồm: Cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, cá tra, sản phẩm gỗ.

Điểm sáng lớn nhất của xuất khẩu nông sản Việt Nam là thủy sản. Năm 2022, mặt hàng này đã mang về gần 11 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước. Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Dương Ngọc Minh cho biết: Trên bản đồ xuất khẩu thủy sản thế giới, Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu lớn thứ ba, chỉ đứng sau Trung Quốc và Na Uy - quốc gia có diện tích đất và mặt nước lớn hơn nhiều so với Việt Nam. Ước tính năm 2022, thủy sản xuất khẩu Việt Nam sẽ chiếm hơn 7% thị phần trên thị trường thế giới.

Gạo cũng là mặt hàng xác lập được những kỷ lục mới. Năm 2022, xuất khẩu gạo đạt hơn 7 triệu tấn, trị giá 3,5 tỷ USD. Đây là một kết quả hết sức ấn tượng. Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Đỗ Hà Nam phấn khởi nói: "2022 là một năm có rất nhiều biến động trên thị trường, đầu năm giá gạo đi xuống và sau nhiều tháng mới tăng lên. Tuy nhiên, đây là một năm khá thành công của những nhà xuất khẩu và sản xuất lương thực Việt Nam. Hơn 7 triệu tấn gạo xuất khẩu là con số mà không nhiều người trong ngành như chúng tôi nghĩ rằng sẽ đạt được...”.

Cũng theo VFA, trong năm 2022 có thời điểm giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đã vượt qua Thái Lan và đứng đầu thế giới. Không chỉ có gạo trắng mà các loại gạo thơm, gạo Japonica... đã nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu với giá cao. Ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, giá gạo thơm xuất khẩu cho thị trường Trung Đông, châu Âu của doanh nghiệp này trong năm 2022 đạt mức bình quân 650 USD/tấn, gạo ST24, ST25 có mức giá trên 1.000 USD/tấn.

Các mặt hàng gỗ và lâm sản cũng là một điểm sáng với việc thiết lập kỷ lục mới 16 tỷ USD... Đáng chú ý, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc là 5 thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam đều ghi nhận sự tăng trưởng trong năm nay.

Với bức tranh xuất khẩu nông sản Việt Nam năm 2022, Thứ trưởng Bộ NN& PTNT Trần Thanh Nam nhận định: Nông sản Việt Nam đã có những hướng đi đúng, từ sự chuyển dịch trong sản xuất đã nâng cao chất lượng, tạo vị thế trên thị trường quốc tế với nhiều ngành hàng đứng ở nhóm đầu thế giới.

 

 

 Giữ "khách quen", tìm "khách mới"

Nhìn lại chặng đường xuất khẩu nông sản năm qua, có thể tự hào về những thành công của ngành Nông nghiệp. Biến đổi khí hậu, dịch bệnh và các cuộc khủng hoảng đã tác động tiêu cực tới hoạt động kinh tế toàn cầu. Thế nhưng, xuất khẩu nông sản của Việt Nam nổi lên như một điểm sáng của ngành Nông nghiệp và của cả nền kinh tế nước nhà. Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho biết, thành công trong xuất khẩu nông sản phải kể đến sự chuyển dịch rất lớn trong sản xuất, tiếp đó là việc mở rộng khai thác các thị trường mới và đặc biệt là việc tận dụng các hiệp định thương mại thế hệ mới.

Hiện nay, Mỹ đang là thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam với giá trị 12,3 tỷ USD, Trung Quốc khoảng 9,3 tỷ USD, tiếp đến là Nhật Bản và Hàn Quốc lần lượt 3,9 tỷ USD và 2,3 tỷ USD. “Trung Quốc vốn là thị trường truyền thống, có dư địa lớn - do đó việc xuất khẩu sang thị trường này bằng đường chính ngạch đã khẳng định được chất lượng và vị thế nông sản Việt Nam. Hầu hết các sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Nhật Bản, EU… đều tận dụng tối đa các hiệp định thương mại thế hệ mới và việc mở rộng xuất khẩu tới các thị trường mới đã mở ra một cánh cửa mới cho nông sản nước nhà...” - Cục trưởng Nguyễn Quốc Toản nhận định.

Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Phước Thành IV Nguyễn Phước Thành thông tin: Từ việc thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, mặt hàng gạo đã vào được các siêu thị tại Mỹ, châu Âu. Trong năm 2022, công ty đã có đơn hàng mẫu, kết nối và mở thêm được thị trường Anh, qua đó xây dựng thương hiệu gạo tại thị trường này.

Tiếp nối thành công từ năm 2022, năm 2023 ngành Nông nghiệp sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết: “Với cơ hội xuất khẩu năm 2023, mới đây, Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng đồng ý cho tỉnh Quảng Ninh làm trung tâm kết nối nông sản ngay cửa khẩu do tỉnh quản lý và doanh nghiệp tư nhân đầu tư. Sau Quảng Ninh sẽ thực hiện ở tỉnh Lạng Sơn. Vừa qua, Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng chủ trương hình thành trung tâm này ở Cần Thơ, Tây Nguyên tập trung các hoạt động liên kết, sản xuất, chế biến tinh, hệ thống logistics, khu phi thuế quan của lĩnh vực nông nghiệp…”.

Trong năm nay, Thủ tướng đã làm việc với hệ thống thương vụ Việt Nam tại 176 thị trường nước ngoài. Đây là cơ sở quan trọng để doanh nghiệp Việt mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu và định hướng sản phẩm cho giai đoạn 2023-2025.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top