Thúc đẩy phát triển kinh tế số

08:34 - Thứ Bảy, 04/02/2023 Lượt xem: 5711 In bài viết

ĐBP - Phát triển kinh tế số là xu hướng tất yếu để phát triển bền vững. Định hướng này cũng thể hiện quyết tâm lớn của tỉnh Điện Biên khi thời gian qua đã có nhiều nỗ lực trong việc phát triển số hóa trên nhiều lĩnh vực, nhất là hoạt động thương mại điện tử, ngân hàng số, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử.

Công nhân Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư xây dựng Việt Á ứng dụng công nghệ vào quá trình sản xuất.

Tỉnh ta đã triển khai nhiều giải pháp trọng tâm nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế số dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo. Trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, thúc đẩy đổi mới tư duy, nhận thức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, hộ gia đình và doanh nghiệp về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ số trong đời sống, sản xuất, thương mại và thực thi công vụ. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển kinh tế số theo từng giai đoạn trên cơ sở chiến lược của quốc gia; triển khai đồng bộ kế hoạch phát triển kinh tế số ở các ngành, các cấp nhằm lan tỏa trên diện rộng, đạt hiệu quả.

Các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều hoạt động, giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực tiếp cận kinh tế số. Đáng chú ý thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 12-NQ/TU ngày 29/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo điều kiện môi trường, pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và thực hiện chuyển đổi số. Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, thúc đẩy việc áp dụng nền tảng mã địa chỉ bưu chính Vpostcode trong hoạt động thương mại điện tử và logistics. Tăng cường hợp tác để tranh thủ sự hỗ trợ của các công ty tư vấn quản lý, công nghệ và chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số. Tạo điều kiện thuận lợi chuyển giao công nghệ số, kích thích sáng tạo, khuyến khích khởi nghiệp phát triển công nghệ số, cung cấp các sản phẩm dịch vụ số, từng bước hình thành hệ sinh thái doanh nghiệp số, tiền đề phát triển kinh tế số.

Tỉnh đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số nhằm tối ưu hóa hoạt động, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp về công tác thông tin, tuyên truyền; hỗ trợ xác định chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp; xây dựng cơ sở dữ liệu, tổ chức mạng lưới tư vấn kinh tế số và chuyển đổi số doanh nghiệp; triển khai các khóa đào tạo, tập huấn và tư vấn hỗ trợ về chuyển đổi số. Đồng thời, tập trung nguồn lực để xây dựng cơ sở dữ liệu, triển khai các giải pháp công nghệ, đào tạo kiến thức, kỹ năng số cho doanh nghiệp; triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng các phần mềm kê khai và nộp thuế điện tử, đăng ký kinh doanh qua mạng...

Cùng với hỗ trợ, tỉnh xây dựng kế hoạch, giao nhiệm vụ đóng góp cụ thể của các doanh nghiệp công nghệ thông tin truyền thông vào chuyển đổi số của tỉnh, nâng cao năng suất lao động, phục vụ tốt hơn công cuộc chuyển đổi số. Đối với các doanh nghiệp chủ động tích hợp công nghệ số, thúc đẩy phát triển những giải pháp sản xuất và kinh doanh dựa trên số hóa; tối ưu hóa mô hình kinh doanh, sử dụng hiệu quả chuỗi cung ứng thông minh. Chú trọng phát triển kỹ năng mới cho đội ngũ nhân viên như tăng cường năng lực tiếp cận, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển.

Qua hơn 1 năm triển khai thực hiện chuyển đổi số, các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong tiến trình phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến. Đến nay toàn tỉnh có 35 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, trong đó có 11 doanh nghiệp nền tảng số; 738 doanh nghiệp sử dụng nền tảng số (đạt 66%), trong đó 111 doanh nghiệp tiếp cận và tham gia chương trình SMEDx; 1.087 doanh nghiệp tham gia nộp thuế điện tử (đạt 97,6%). Thương mại điện tử tiếp tục được đẩy mạnh, đã đưa được 493 sản phẩm lên sàn. Tổng doanh thu thông qua kinh tế số toàn tỉnh đến hết năm 2022 đạt 1.110 tỷ đồng; trong đó doanh thu dịch vụ bưu chính và thương mại điện tử đạt 195 tỷ đồng, doanh thu lĩnh vực viễn thông - internet - hạ tầng số đạt gần 734 tỷ đồng và doanh thu lĩnh vực công nghệ thông tin đạt 180 tỷ đồng. Kinh tế số đã đóng góp trên 8% vào GRDP của tỉnh (năm 2021 chiếm 6,2%).

Tỉnh Điện Biên đề ra mục tiêu đến năm 2025 giá trị của kinh tế số chiếm tối thiểu 10% GRDP; trên 70% doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số; 55% dân số trở lên tham gia mua sắm trực tuyến và 50% số hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản thương mại điện tử. Đến năm 2030, kinh tế số đóng góp vào GRDP tỉnh chiếm tối thiểu 20% và có 90% doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số.

Để thực hiện mục tiêu trên, trong thời gian tới tỉnh tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách tạo lập hành lang pháp lý phát triển kinh tế số; xác lập, từng bước hoàn thiện khung cơ chế, chính sách đối với từng ngành, lĩnh vực về phát triển kinh tế số. Đồng thời quan tâm phát triển nguồn nhân lực số; có chiến lược đào tạo về kiến thức, kỹ năng số để phát triển nguồn nhân lực số phổ thông của tỉnh; có chính sách đặc thù để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ số. Bên cạnh đó, tập trung phát triển hệ sinh thái số, trọng tâm là phát triển hạ tầng số, nền tảng số và các nền tảng phục vụ chuyển đổi số, cũng như đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo và các ứng dụng công nghệ số phục vụ tiến trình quản lý và phát triển kinh tế số. Quản lý khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ và triển khai đồng bộ giải pháp trong quản lý, khai thác hệ thống cơ sở dữ liệu của tỉnh; phát huy vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, người dân. Tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại điện tử đa dạng; kết nối giữa doanh nghiệp thương mại điện tử với các doanh nghiệp sản xuất theo từng ngành hàng tạo thêm chuỗi liên kết mới. Đồng thời, tổ chức đào tạo về phân tích kinh doanh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa để giúp họ có kiến thức, công cụ phân tích dữ liệu, tính toán phù hợp với năng lực trong quản lý sản xuất, tài chính, tiêu thụ sản phẩm... từng bước hình thành hệ sinh thái doanh nghiệp số.

Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top