Phát triển cây dược liệu dưới tán rừng

07:37 - Thứ Hai, 06/02/2023 Lượt xem: 3873 In bài viết

ĐBP - Khai thác tiềm năng, lợi thế và liên kết trồng cây dược liệu dưới tán rừng, tạo ra chuỗi giá trị đã và đang mở ra hướng đi mới trên địa bàn tỉnh, góp phần chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế cho người dân.

Người dân xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo chăm sóc cây thảo quả dưới tán rừng.

Phát huy tiềm năng, lợi thế

Bà Chu Thị Thanh Xuân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Với diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp và diện tích đất có rừng tương đối lớn, tỷ lệ che phủ rừng là 42,96%, tỉnh ta có tiềm năng phát triển lâm sản ngoài gỗ (dưới tán rừng, trên đất trống) và các loại cây dược liệu đặc hữu như: Cẩu tích, sa nhân, thảo quả, đẳng sâm... theo hướng tập trung gắn với chế biến. Để biến tiềm năng thành lợi thế phát triển cây dược liệu bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế, từ các nguồn vốn ngành Nông nghiệp tỉnh đã hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số trồng, chăm sóc cây dược liệu đặc hữu; thí điểm trồng một số loài dược liệu có giá trị kinh tế cao.

Điển hình trên địa bàn xã Tênh Phông (huyện Tuần Giáo) đã phát triển mô hình trồng cây thảo quả với diện tích hơn 80ha và đã cho thu hoạch, thu nhập từ 50 - 80 triệu đồng/ha. Cây sơn tra (táo mèo) và cây sa nhân cũng là một trong các loài cây sinh trưởng phát triển tốt, cho sản lượng thu hoạch cao đã mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân xã Tỏa Tình. Trên địa bàn xã đến nay đã có gần 150ha cây sơn tra, cho sản lượng khoảng 900 tấn quả tươi. Quả sơn tra đã được Hợp tác xã (HTX) Nông sản sạch Tây Bắc chế biến thành các sản phẩm mang lại giá trị kinh tế. Cũng trên địa bàn huyện Tuần Giáo, hiện nay một số doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình, cá nhân đã trồng khoảng 60.550 cây sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu từ 1 - 5 năm tuổi, với tổng diện tích trên 2ha. Cây sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu sinh trưởng, phát triển tốt đã khẳng định sự phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng khu vực.

Từ năm 2019, đã có một số đơn vị nghiên cứu, trồng thử nghiệm một số loài cây dược liệu có giá trị trên địa bàn tỉnh như: Trung tâm Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ (Trường Đại học Tây Bắc) trồng thử nghiệm cây đẳng sâm, giảo cổ lam, ý dĩ với diện tích 1ha/mô hình. Đến nay, tổng diện tích cây dược liệu chính trên địa bàn tỉnh ước đạt 1.250,7ha. Trong đó: Sa nhân 441,4ha; sơn tra 228,5ha; sả java  261,7ha; tam thất 12.500 cây; thất diệp nhất chi hoa 5.500 cây; tổng sản lượng ước đạt 3.256,6 tấn. Diện tích tập trung trên địa bàn một số huyện: Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Nhé, Nậm Pồ.

Cần giải pháp phát triển bền vững

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc dù mang lại hiệu quả tốt, song quy mô, diện tích, sản lượng, số lượng loài dược liệu trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng cũng như tiềm năng, lợi thế. Khó khăn về hệ thống cơ sở hạ tầng, kỹ thuật trồng của người dân trong phát triển cây dược liệu; việc liên kết tiêu thụ sản phẩm, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất còn nhiều hạn chế nên chưa hình thành được vùng dược liệu tập trung, quy mô lớn, chưa gắn kết được các khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm (chủ yếu là sản phẩm thô chưa qua chế biến). Ngoài ra, công tác quản lý, khai thác lâm sản, bảo vệ rừng, sản xuất và khai thác dược liệu ở một số địa phương thiếu khoa học, bền vững dẫn đến tình trạng nguồn dược liệu ngày càng cạn kiệt; chưa có định hướng và nguồn lực đảm bảo cho công tác nghiên cứu giống, kỹ thuật, đất đai để phát triển trồng cây dược liệu.

Việc phát triển cây dược liệu không chỉ góp phần bảo tồn nguồn gen các loại cây thuốc quý, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân mà còn tạo ra vùng nguyên liệu bền vững cho ngành Y học cổ truyền. Để phát huy hiệu quả “kép” trong phát triển cây dược liệu, thời gian tới ngành Nông nghiệp tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân phát triển các loại cây dược liệu. Tiến hành nghiên cứu, tuyển chọn và trồng thử nghiệm, đánh giá làm cơ sở lựa chọn, nhân rộng các giống cây dược liệu quý có năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện địa phương và nhu cầu thị trường. Đồng thời, chú trọng mời gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất dược liệu, để thúc đẩy sản xuất dược liệu hàng hóa; khuyến khích hình thức liên kết sản xuất doanh nghiệp với người dân thông qua cầu nối là các HTX.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top