Vấn đề tuần này

Hài hòa lợi ích khi trồng mắc ca

08:17 - Thứ Năm, 09/02/2023 Lượt xem: 3049 In bài viết

ĐBP - Huyện Điện Biên xác định, mắc ca là cây chủ lực, cây xóa đói giảm nghèo cho hàng nghìn hộ dân tại các xã. Chính vì vậy, sau khi được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư 4 dự án trồng mắc ca trên đia bàn huyện, cấp ủy, chính quyền các cấp vùng dự án đã nỗ lực vào cuộc, triển khai các bước theo đúng quy trình nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai trồng mắc ca.

Chủ trương của huyện là mời gọi được nhiều doanh nghiệp tham gia trồng cây mắc ca càng tốt, nhưng phải đảm bảo hài hoà lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp vào trồng mắc ca, việc tính toán diện tích đất người dân góp vốn hoặc cho doanh nghiệp thuê trồng mắc ca nhưng vẫn phải để lại một phần đủ sản xuất lương thực nuôi sống gia đình. Với các hộ dân góp hết diện tích đất cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải tạo điều kiện ký hợp đồng lao động với người dân để họ có việc làm ổn định, thường xuyên, đảm bảo duy trì cuộc sống. Vì chủ trương của tỉnh là sau khi triển khai các dự án trồng cây mắc ca, người dân sở tại sẽ được các doanh nghiệp tuyển dụng dài hạn hoặc ký hợp đồng ngắn hạn, hợp đồng thời vụ làm việc. Người dân có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định, không phải “tha phương” làm ăn, khi đó tình hình kinh tế, chính trị, xã hội địa phương mới phát triển ổn định, bền vững.

Mục tiêu là vậy, nhưng thực tế lại không diễn ra như mong muốn. Đến hết năm 2022, huyện Điện Biên chỉ trồng được 1.399,5ha/14.837,97ha (đạt 18,03% kế hoạch). Riêng năm 2022, chỉ tiêu giao trồng 4.500ha, nhưng mới trồng được 880ha (đạt 19,56% kế hoạch).

Nguyên nhân chậm là do: Công tác quán triệt, tuyên truyền, vận động của cấp uỷ, chính quyền một số nơi chưa hiệu quả. Nhận thức, vai trò, trách nhiệm của một số cấp uỷ, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân còn hạn chế; chưa tạo được sự đồng thuận ủng hộ của nhân dân vùng dự án nên chưa tích cực tham gia trồng cây mắc ca.

Quá trình thực hiện đo đạc, quy chủ đất đai vùng dự án, thực hiện các thủ tục về đất đai mất nhiều thời gian, thường xuyên gặp phải những vướng mắc, ảnh hưởng đến việc huy động vốn của nhà đầu tư. Một số doanh nghiệp chưa tích cực, chủ động trong huy động nguồn lực và trao đổi, phối hợp với chính quyền địa phương, các cấp trong quá trình tổ chức thực hiện dự án (một số khu vực đã tiến hành đo đạc, quy chủ xong, người dân đã đồng thuận thực hiện nhưng nhà đầu tư không triển khai ngay). Việc các nhà đầu tư chưa quan tâm đến hình thức liên kết, hợp tác với người dân trong vùng dự án để thực hiện theo phương thức hợp đồng liên kết, dẫn đến hiện nay chưa có nhà đầu tư nào xây dựng được nội dung, cơ chế hợp tác, liên kết với người dân...

Mắc ca được kỳ vọng là cây “triệu đô”, cây “tỷ đô”, cây đa mục đích, vừa cho giá trị kinh tế cao, vừa phủ xanh đất trống đồi trọc, nâng tỷ lệ che phủ rừng, cải thiện môi trường sinh thái, khí hậu cho con người. Thực tế, trên địa bàn tỉnh ta, đã có một số gia đình trồng mắc ca 4 - 5 năm nay, đang bước vào thời kỳ cho thu hoạch. Như tính toán, mỗi héc ta mắc ca (chu kỳ khai thác) cho thu nhập 40 - 50 triệu đồng/năm, thì loại cây “hoàng hậu quả khô” này sẽ mang lại giá trị kinh tế vô cùng lớn cho người dân, doanh nghiệp.

Vấn đề là tại sao việc triển khai các dự án trồng cây mắc ca trên địa bàn tỉnh nói chung, huyện Điện Biên nói riêng đều rất chậm. Ngoài các nguyên nhân nêu trên, chúng ta cần kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế từ cơ chế, chính sách, tránh cùng là dự án trồng mắc ca tại một huyện, một địa phương có điều kiện tương đồng, nhưng lại áp dụng nhiều cơ chế khác nhau, dẫn tới người dân so bì tị nạnh.

Tại huyện Điện Biên đang thực hiện 4 dự án trồng mắc ca với 3 cơ chế, hình thức sử dụng đất khác nhau. Dự án trồng mắc ca tại xã Thanh An, Thanh Xương thực hiện theo hình thức chuyển nhượng sử dụng đất từ người dân. Dự án trồng mắc ca kết hợp trồng rừng, dược liệu và xây dựng khu chế biến sản phẩm tại xã Phu Luông, thực hiện theo hình thức thuê đất, đã dẫn đến khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động bà con tham gia thực hiện dự án (người dân có sự so sánh giữa các dự án).

Chỉ khi người dân hiểu rõ chủ trương, chính sách, thấy rõ lợi ích kinh tế từ cây mắc ca mang lại thì họ mới nhiệt tình tham gia. Còn mới từ phía cơ quan nhà nước, doanh nghiệp chủ động trong khi người dân - đối tượng đang sở hữu phần lớn diện tích đất trong diện quy hoạch trồng mắc ca chưa sẵn sàng, thiếu tâm huyết, không nhiệt tình, còn có sự so sánh thiệt - hơn, thì dự án khó thành công.

Tùng Lĩnh
Bình luận

Tin khác

Back To Top