Hiệu quả các mô hình nông nghiệp công nghệ cao

08:35 - Thứ Năm, 09/02/2023 Lượt xem: 3890 In bài viết

ĐBP - Vài năm gần đây, một số hợp tác xã nông nghiệp, doanh nghiệp và hộ dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư kỹ thuật công nghệ cao vào phát triển sản xuất, trong đó, nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp công nghệ cao, mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa được xây dựng đã góp phần tăng năng suất, sản lượng sản phẩm nông nghiệp.

Mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong nhà kính của Hợp tác xã Công nghệ cao bản Mé, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên.

Hợp tác xã Công nghệ cao bản Mé, xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên) đang thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong nhà kính có quy mô 3.500m2 với khoảng 5.000 gốc dưa leo baby Đà Lạt, 2.000 gốc cà chua Nowara RZ Nhật Bản. Theo đó, cây dưa leo, cà chua được trồng trong bầu giá thể bằng xơ dừa, đặt trong luống được lót bạt ni lông cách ly với nền đất để tránh mầm bệnh. Trong khi đó, hệ thống nước tưới hoàn toàn tự động bằng công nghệ tưới nhỏ giọt Israel. Cách tưới này sẽ giúp cho chất dinh dưỡng từ phân bón và lượng nước cung cấp cho cây đến tận gốc, đáp ứng tốt cho từng giai đoạn sinh trưởng của cây. Trong nhà kính, hợp tác xã trồng dưa, cà chua quanh năm với thời gian sinh trưởng ngắn, từ khi trồng đến thu hoạch đối với dưa leo khoảng 35 - 40 ngày, thu hoạch liên tiếp trong 40 ngày; cà chua 55 - 60 ngày, thu hoạch liên tục trong 90 ngày. Với 5.000 gốc dưa leo, hợp tác xã thu hoạch khoảng 2 tấn quả, bán với mức giá dao động từ 25 - 30 nghìn đồng/kg; 2.000 gốc cà chua Nhật Bản cũng cho thu hoạch hơn 2 tấn quả với giá bán dao động 30 - 35 nghìn đồng/kg. Ông Hoàng Giang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Công nghệ cao bản Mé chia sẻ: Sau khi tìm hiểu nhiều nơi và quá trình thử nghiệm nhiều lần, tôi nhận thấy việc áp dụng mô hình kinh tế nông nghiệp công nghệ cao có nhiều ưu điểm, như: Tránh thời tiết thất thường, chủ động chế độ dinh dưỡng cho cây, giúp chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập... Ngoài ra, hệ thống nhà kính sẽ góp phần giảm tối đa chi phí cho việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sinh vật gây hại và quan trọng là sản phẩm đảm bảo an toàn khi đến với người tiêu dùng; đồng thời nâng cao thu nhập gấp 3 - 4 lần trên cùng một diện tích.

Vùng lòng chảo Điện Biên có nhiều lợi thế, nhất là về điều kiện tự nhiên để phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Do đó hiện nay, một số doanh nghiệp và người dân cũng nghiên cứu, thử nghiệm, triển khai thành công một số sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp. Điển hình như mô hình trồng bí xanh cao sản của Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Phú Mỹ Xanh. Anh Trần Quốc Cường, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp công nghệ cao Phú Mỹ Xanh chia sẻ: Làm nông nghiệp công nghệ cao không khó nhưng cần phải đầu tư, hơn nữa phải nắm bắt thị trường tốt thì mới thành công. Do vậy, với diện tích hơn 3ha đất thuê từ người dân xã Thanh Hưng, năm 2020, tôi triển khai trồng bí xanh cao sản trái vụ. Nhờ nắm vững kỹ thuật, đồng thời chăm sóc bằng phương pháp mới, hiện đại, mỗi vụ, bí xanh của hợp tác xã cho thu hoạch gần 2 tỷ, chưa trừ chi phí.

Với các mô hình như: Áp dụng kĩ thuật nhân giống vật nuôi, sản xuất rau, củ, quả trong nhà kính, nhà màng, nhà lưới; áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm... Nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh nói chung, vùng lòng chảo Điện Biên nói riêng bước đầu đã đem lại hiệu quả, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản. Theo đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ, thời gian qua công tác nghiên cứu, thử nghiệm, chuyển giao, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã quan tâm. Hàng năm, có hàng chục mô hình sản xuất thử nghiệm thành công và nhân rộng. Mấy năm gần đây, Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai nhiều nhiệm vụ khoa học, công nghệ cấp tỉnh cũng như nhiệm vụ thuộc Chương trình Nông thôn miền núi. Trong đó, tổng kinh phí chi hoạt động khoa học, công nghệ thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chàng chục tỷ đồng. Thông qua việc triển khai các nhiệm vụ đã tuyển chọn và đưa vào sản xuất nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới cho năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Đồng thời, góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc quy hoạch phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực; xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh.

Với nhiều ưu điểm vượt trội, như: Giảm sức lao động, tăng năng suất, sản lượng sản phẩm, an toàn cho người sử dụng... một số hợp tác xã nông nghiệp, doanh nghiệp và hộ dân đã và đang chú trọng, mạnh dạn đầu tư kỹ thuật công nghệ cao vào phát triển sản xuất nông nghiệp với nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp công nghệ cao, mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa. Đặc biệt, đến nay, tỉnh ta đã hình thành được một số vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, chăn nuôi phát triển theo hướng gia trại, trang trại. Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện toàn tỉnh đang ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau an toàn trong nhà lưới gần 5ha; ứng dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp có chứng nhận (VietGAP, hữu cơ, HACCP, UTZ) trong sản xuất lúa, rau màu, cây ăn quả và cây công nghiệp với tổng diện tích hơn 1.500ha... Qua đó, từng bước xây dựng mô hình nông nghiệp sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp bền vững.

Quang Long
Bình luận

Tin khác

Back To Top