Trên lòng hồ sông Mã

07:04 - Thứ Bảy, 04/03/2023 Lượt xem: 5113 In bài viết

ĐBP - Thủy điện Sông Mã 3 (xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông) đã đi vào hoạt động, phát điện hòa vào điện lưới quốc gia khoảng 1 năm nay. Từ ngày Thủy điện Sông Mã 3 tích nước, song song với lợi ích kinh tế do dòng sông mang lại cho ngành điện, một cuộc sống mới đang hình thành trên lòng hồ thủy điện. Hàng chục hộ dân vùng lòng hồ đang có những thay đổi với phát triển kinh tế gắn với sông nước.

Người dân đánh bắt thủy sản trên lòng hồ thủy điện.

Thay đổi hoạt động sản xuất

Bản Pá Vạt 1, Pá Vạt 2 (xã Mường Luân) và bản Na Nghịu (xã Phì Nhừ) là 3 bản có diện tích đất sản xuất lớn trong vùng lòng hồ thủy điện Sông Mã 3. Trước đây, bà con phải đi bộ hàng giờ đồng hồ mới đến nương, thời gian đi nương xác định cả tuần, có gia đình kéo dài đến cả tháng. Đến mùa thu hoạch, người dân lại phải vận chuyển thủ công từng bao sắn, bao thóc từ nương về nhà, sau đó sơ chế, đợi thương lái đến mua. Khó khăn, vất vả rất nhiều song hiệu quả kinh tế không cao. Đến nay, thủy điện tích nước, đất sản xuất của các hộ dân ngay sát mép 2 bờ tả, hữu hồ thuỷ điện. Người dân đi nương bằng thuyền, vận chuyển nông sản bằng thuyền, thời gian đi nương trong ngày. Mùa thu hoạch, thương lái đi thuyền đến tận nơi thu mua nông sản.

Tôi gặp anh Tòng Văn Ký, bản Pá Vạt 1 tại khu vực đập thủy điện khi anh đang tiếp dầu cho thuyền máy để chuẩn bị đi thu hoạch sắn trên nương. Anh Ký cho biết: Trước đây, dù biết hiệu quả kinh tế cao hơn song nhiều hộ dân vẫn không dám trồng sắn bởi vì khi thu hoạch sắn rất vất vả, củ sắn tươi rất nặng. Mùa thu hoạch, nhà nào ít nhân lực thì chịu. Nhưng nay, thủy điện tích nước, vận chuyển nông sản bằng đường thủy năng suất gấp 9 - 10 lần so với vận chuyển đường bộ nên hơn 1 năm trở lại đây gần như 100% hộ đều trồng sắn. Trước chở sắn bằng xe máy, mỗi xe chở tối đa chỉ 2 bao, rất vất vả và nguy hiểm nhưng nay vận chuyển bằng thuyền, mỗi chuyến từ 20 - 30 bao, 2 chuyến cách nhau khoảng 30 - 40 phút, nhẹ nhàng, thuận tiện và hiệu quả. Năm nay gia đình tôi trồng 2,5ha sắn. Sản lượng sắn tươi đạt 50 tấn, sắn khô đạt 20 tấn cho thu nhập khoảng 60 triệu đồng.

Từ năm 2021 trở về trước, mùa làm nương, ở bản chỉ còn người già và trẻ nhỏ, người trong độ tuổi lao động phải lên nương, ngủ lán hàng tuần mới về nhà. Nhưng nay đi nương cũng bằng thuyền, sáng đi tối về, bố mẹ có thời gian chăm sóc con cái. Do di chuyển thuận lợi, người dân đã thay đổi luôn hình thức thu hoạch sắn. Thay vì dỡ sắn chở củ tươi như trước, bây giờ người dân thu sắn và sơ chế, phơi khô, đóng bao ngay trên nương. Sau đó chở về bản bán cho thương lái vừa tiết kiệm thời gian, công sức lao động vừa được giá cao.

Điều kiện canh tác thuận lợi, nhiều hộ dân đã mạnh dạn thuê thêm đất nương để trồng sắn, tăng thu nhập. Bà Lò Thị Hồng, bản Na Nghịu (xã Phì Nhừ) cho biết: Sau khi nước dâng, diện tích đất sản xuất của gia đình tôi bị thu hẹp còn hơn 1ha. Sau hơn 1 năm canh tác trong điều kiện mới, tôi nhận thấy trồng sắn cho hiệu quả kinh tế khá cao, đặc biệt là khó khăn về vận chuyển đã được giải quyết. Do đó, năm nay gia đình tôi đã thuê thêm 2ha đất nương của người dân trong bản. Năm nay, sản lượng sắn thu hoạch đạt trên 50 tấn sắn tươi.

Mở hướng phát triển kinh tế mới

Từ khi công trình thủy điện tích nước, người dân vùng lòng hồ thuê thợ đóng thuyền, bắt đầu thích nghi với cuộc sống mới. Chỉ tính riêng xã Mường Luân, hiện nay, toàn xã có 28 thuyền máy trọng tải từ 20 - 40 tấn. Bên cạnh sử dụng vào việc di chuyển, vận chuyển nông sản, thời gian nông nhàn người dân đánh bắt thủy sản trên lòng hồ, tăng thu nhập.

Mới sáng sớm, thuyền của vợ chồng ông Lò Văn Kiêm, bản Pá Vạt 2 đã cập bến tại đập thủy điện. Trên thuyền chở nhiều giỏ, xô chậu đầy ắp cá, tôm tép. Hôm nay, ông Kiêm “trúng đậm” với khoảng 15kg cá và 10kg tôm.

Ông Lò Văn Kiêm cho biết: Cứ chập choạng tối hôm trước, tôi đánh thuyền đi thả lưới. Đến 5 giờ sáng hôm sau, 2 vợ chồng đi kéo lưới thu hoạch tôm cá. Bình quân mỗi đêm, tôi thu hoạch được khoảng trên 10kg cá, tôm, tép. Khoảng 8 giờ sáng về đến đầu bản là có người mua. Giá cá ở đây từ 80.000 - 100.000 đồng/kg, đặc biệt ở sông Mã có rất nhiều cá pa khính giá 150.000 đồng/kg. Tôm, tép ở đây cũng rất dễ đánh bắt, chỉ cần thả mồi làm bằng củ sắn ngâm vào lưới bát quái, qua một đêm là có thể thu khoảng 1 - 2kg tôm, tép. Nhìn chung, ngoài phục vụ nhu cầu gia đình, mỗi ngày tôi kiếm thêm được 600.000 đồng từ đánh bắt thủy sản.

Dọc 2 bên hồ thủy điện, người dân cũng đã lắp đặt các vó bè để đánh bắt thủy sản được nhiều và dễ dàng hơn. Hiện nay, lòng hồ có gần chục hộ dân lắp đặt vó bè để đánh cá.

Ông Tòng Văn Hợp, bản Pá Vạt 1, xã Mường Luân cho biết: Bên cạnh việc đánh cá, tôm bằng cách thả lưới, câu, tôi lắp thêm 1 chiếc vó bè và 1 chiếc trúm trên lòng hồ. Cá đánh bắt được tôi thả vào trúm cho tươi sống. Đánh cá bằng vó bè chỉ là hình thức tạm thời, bởi vì tôi biết do mới chặn dòng, đàn cá vẫn còn dại nên mới bị mắc vào vó nhưng chỉ 1 - 2 năm nữa cá sẽ quen, khi đó hình thức đánh bắt này không còn hiệu quả. Trước mắt đây vẫn là cách để giúp gia đình có thêm thu nhập.

Một số hộ dân đã sử dụng mặt nước để chăn nuôi thêm vịt đẻ trứng và bắt đầu manh nha ý định nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện.

Ông Lò Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Luân cho biết: Về lâu dài, xã xác định sẽ nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và kiến nghị với UBND huyện Điện Biên Đông triển khai thí điểm các mô hình phát triển sinh kế trên lòng hồ Thủy điện Sông Mã 3. Năm 2022, qua nhiều đợt tiếp xúc cử tri, người dân các bản: Pá Vạt 1 và Pá Vạt 2 đã có nhiều kiến nghị về việc mở các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện; đề nghị Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ vay vốn phát triển mô hình nuôi cá lồng. Bên cạnh đó, tận dụng lợi thế diện tích mặt nước lớn của hồ thủy điện, xã Mường Luân dự kiến sẽ kết hợp phát triển du lịch cộng đồng và du lịch trải nghiệm. Tháng 6/2023, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện sẽ mở lớp tập huấn về phát triển du lịch cộng đồng tại xã Mường Luân.

Hồ Thủy điện Sông Mã 3 mùa này trong xanh, êm đềm. Bên hồ, những dãy núi hùng vĩ soi bóng, những nương lúa, nương sắn trải dài. Từ khi tích nước, hồ Thủy điện Sông Mã 3 đã thu hút nhiều lượt người đến tham quan, trải nghiệm. Từ đó, các dịch vụ đi kèm như: Thuyền chở khách, buôn bán thực phẩm... đã phát triển theo. Anh Tòng Văn Ký, bản Pá Vạt 1 cho biết: “Năm 2022, đặc biệt là các đợt lễ tết, người dân đến đây tham quan, trải nghiệm rất đông. Tôi nhận thêm dịch vụ chở khách đi tham quan lòng hồ. Chuyến đi xuất phát từ đập đầu mối ngược dòng đến các bãi bồi bằng phẳng, râm mát để khách dừng chân nghỉ ngơi, khám phá, cắm trại, ăn uống. Mỗi chuyến đi giúp tôi có thêm thu nhập từ 200.000 - 300.000 đồng”.

Theo thống kê của UBND xã Mường Luân, năm 2022 hồ Thủy điện Sông Mã 3 đã thu hút được trên 4.000 lượt người đến tham quan, khám phá. Trao đổi về tiềm năng phát triển du lịch trên lòng hồ, ông Nguyễn Văn Tăng, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông cho biết: Hiện nay, UBND huyện đang xây dựng kế hoạch quảng bá, giới thiệu tiềm năng phát triển du lịch trên địa bàn để thu hút đầu tư. Trong đó có ý tưởng xây dựng tuyến du lịch từ hồ Noong U - hồ Thủy điện Sông Mã 3 -  khu du lịch tâm linh tháp Mường Luân - Chiềng Sơ.

Phạm Trung
Bình luận
Back To Top