Vẫn khó hỗ trợ lãi suất

07:15 - Thứ Năm, 16/03/2023 Lượt xem: 4097 In bài viết

ĐBP - Chính sách hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách Nhà nước đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP được kỳ vọng như là “phao cứu sinh” giúp doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh hồi phục sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, sau 1 năm Nghị định có hiệu lực, chính sách hỗ trợ lãi suất vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống. Các ngân hàng thương mại gặp khó trong việc giải ngân các khoản vay; doanh nghiệp, hợp tác xã cũng gặp khó trong việc tiếp cận chính sách.

Các ngân hàng thương mại khó giải ngân các khoản vay theo chương trình hỗ trợ lãi suất. Trong ảnh: Cán bộ Ngân hàng BIDV Điện Biên hỗ trợ khách hàng thực hiện các thủ tục tín dụng.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Điện Biên, hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 210 khách hàng với dư nợ 561 tỷ đồng thuộc diện được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP. Tuy nhiên, đến hết tháng 10/2022, toàn tỉnh chưa phát sinh khoản vay đáp ứng đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP.

Ông Hà Văn Từ, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Điện Biên cho biết: NHNN chi nhánh tỉnh Điện Biên đã triển khai đầy đủ các chỉ đạo, hướng dẫn của NHNN Việt Nam về triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã. Chi nhánh đã có văn bản đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổng hợp những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của các hội viên để giải đáp, tháo gỡ, tạo điều kiện tiếp cận chính sách. Đồng thời, tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm thúc đẩy chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP. Tuy nhiên việc triển khai hỗ trợ lãi suất trên địa bàn tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn. Qua kiểm tra, nắm bắt, các ngân hàng thương mại đều gặp khó trong xác định mục đích vay vốn của khách hàng. Cụ thể là việc tách bạch mục đích sử dụng vốn đối với các khách hàng kinh doanh đa ngành nghề; sử dụng đúng mục đích hay sử dụng chéo sang lĩnh vực khác. Các ngân hàng thương mại đã rà soát khách hàng có nhu cầu vay vốn theo chương trình hỗ trợ nhưng sau khi đối chiếu với các điều kiện đối tượng vay thì các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh không thuộc đa số các ngành thuộc danh mục hỗ trợ theo quy định. Bên cạnh đó, quy định điều kiện hỗ trợ “có khả năng phục hồi” chưa rõ ràng tiêu chí cụ thể.

Qua khảo sát, đa số các doanh nghiệp đều cho rằng quy mô hoạt động nhỏ, nhu cầu vay vốn ít nên không muốn tìm hiểu, tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất. Các doanh nghiệp đều ngại các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm soát, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và dịch vụ lưu trú, ăn uống chủ yếu sử dụng bảng kê đầu vào và đầu ra, không thể cung cấp được chứng từ, hóa đơn, giấy tờ chứng minh mục đích sử dụng vốn đảm bảo tính pháp lý. Đối với các hộ sản xuất đã phát sinh khoản vay tại các ngân hàng thương mại song chưa có đăng ký hộ kinh doanh nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ. Ngoài ra, một số khách hàng đang được áp dụng các mức lãi suất ưu đãi theo chương trình của các ngân hàng thương mại chưa kết thúc nên chưa có nhu cầu vay vốn theo chính sách ưu đãi của Nghị định số 31/2022/NĐ-CP.

Ngày 17/10/2022, NHNN Chi nhánh tỉnh Điện Biên đã thành lập đoàn khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên về những khó khăn, vướng mắc dẫn đến khách hàng chưa tiếp cận được chính sách hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước. Đồng thời đề nghị cán bộ tín dụng các ngân hàng thương mại tham gia cùng đoàn khảo sát hướng dẫn cụ thể đối với từng khách hàng để khách hàng hiểu rõ, đầy đủ về chính sách và sớm được tiếp cận chính sách. Nhờ đó đến hết tháng 2/2023, Agribank chi nhánh tỉnh Điện Biên thực hiện giải ngân khoản vay hỗ trợ lãi suất 1,44 tỷ đồng đối với 1 khách hàng (Công ty TNHH Huy Toan Điện Biên). Các chi nhánh ngân hàng thương mại còn lại chưa phát sinh các khoản vay hỗ trợ lãi suất.

Đến thời điểm này, Agribank chi nhánh tỉnh Điện Biên là ngân hàng thương mại duy nhất trên địa bàn tỉnh đã thực hiện giải ngân khoản vay hỗ trợ lãi suất đối với 1 khách hàng. Trong quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất, Ngân hàng gặp nhiều khó khăn: Đối tượng khách hàng hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ thuộc ngành nghề theo quy định tại Khoản 2, Điều 2 Nghị định 31/2022/NĐ-CP là tương đối lớn (chiếm khoảng 40% - 50%/tổng dư nợ khách hàng cá nhân thuộc ngành nghề được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31) nhưng do không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất. Hiện nay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang thực hiện hỗ trợ lãi suất do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 theo văn bản 5411/NHNo-TD ngày 16/6/2020 (khách hàng được hỗ trợ lãi suất 4,5%/năm) do đó nhiều khách hàng chưa muốn tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất 2%. Bên cạnh đó, một số cán bộ ngân hàng và chi nhánh nơi cho vay có sự thận trọng nhất định và chưa quyết liệt trong việc triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP.

Theo ông Hà Văn Từ, ngay từ đầu năm 2023, NHNN chi nhánh tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP. Các ngân hàng thương mại đã chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh nhằm triển khai chương trình hiệu quả, đúng quy định, đúng đối tượng. Với những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai đã được xác định rõ, NHNN Việt Nam đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 31/NĐ-CP để phù hợp với tình hình thực tiễn, tháo gỡ kịp thời khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng thương mại và khách hàng.

Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top