ĐBP - Khai thác lợi thế, tiềm năng về khí hậu, thổ nhưỡng và lao động, những năm gần đây, huyện Tuần Giáo đã đẩy mạnh phát triển, mở rộng diện tích trồng cây ăn quả theo hướng hàng hóa, liên kết sản xuất; đồng thời, từng bước nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Mở rộng diện tích…
Tại xã Pú Nhung, nếu như trước đây người dân trên địa bàn chỉ tập trung trồng cây ngô, thì nay được sự vận động của cơ quan chuyên môn, cấp ủy, chính quyền địa phương, một phần diện tích ngô kém hiệu quả đã được chuyển đổi trồng các loại cây ăn quả như: xoài, bưởi da xanh, dứa... Hiện tại, Pú Nhung trở thành một trong những xã có diện tích cây ăn quả lớn nhất của huyện Tuần Giáo, với hơn 100ha, tập trung chủ yếu tại các bản: Phiêng Pi; Đề chia A, B; Chua Lú...
Ông Vừ A Dính, Phó Chủ tịch UBND xã Pú Nhung cho biết: Cùng với điều kiện về thổ nhưỡng thuận lợi cho phát triển các loại cây trồng, những năm qua, xã Pú Nhung còn được hưởng các chính sách hỗ trợ vốn, giống cây nên nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn tham gia để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay thế cho những cây trồng cũ kém hiệu quả. Bên cạnh đó, xã cũng tích cực phối hợp với các đơn vị chuyên môn của huyện tổ chức lớp dạy nghề, hội thảo, tập huấn giúp người dân có thêm kiến thức, kinh nghiệm sản xuất.
Với tổng diện tích tự nhiên hơn 113 nghìn ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp chiếm gần 97%, từ năm 2018 đến nay, huyện Tuần Giáo đã phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu để phát triển cây ăn quả. Nằm trong quy hoạch phát triển cây ăn quả chất lượng cao của tỉnh, đến nay, Tuần Giáo đã có hơn 400ha cây ăn quả, trong đó khoảng 200ha trồng tập trung theo hướng liên kết sản xuất ở một số xã có điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi như: Quài Nưa, Quài Cang, Quài Tở, Pú Nhung, Rạng Đông. Các diện tích bưởi da xanh, nhãn chín muộn cũng đã cho lứa quả đầu tiên; riêng xoài Đài Loan gần 10ha, cho sản lượng 4,9 tấn.
Mới đây, huyện Tuần Giáo đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa năm 2023, với diện tích chuyển đổi khoảng 300ha lúa nương. Trong đó tập trung chủ yếu ở các xã: Mùn Chung 105ha, Mường Mùn 45ha, Tỏa Tình 45ha, Chiềng Đông 20ha, Quài Nưa 20ha Pú Nhung 20ha… Đối tượng cây trồng chuyển đổi sang chủ yếu là cây lâu năm như: Mít, na, lê, mắc ca. Qua đó, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả kinh tế, gia tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, tăng thu nhập, ổn định sản xuất, đời sống cho người nông dân; góp phần cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Tuần Giáo.
…đi đôi với hiệu quả
Trong quá trình phát triển cây ăn quả ở huyện Tuần Giáo, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng có không ít hạn chế như cây chậm phát triển, sâu bệnh, đặc biệt một số vườn cây người dân bỏ không còn mặn mà chăm sóc...
Đơn cử, tại xã Quài Nưa hiện có 12ha xoài trồng từ năm 2018, 2019 theo dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ cây ăn quả, chủ yếu tại khu vực 2 bản Pha Làng và Chan với 38 hộ. Năm 2021, cây xoài cho thu hoạch với sản lượng 2,9 tấn, chất lượng được đánh giá tốt. Tuy nhiên, năm 2022, nhiều diện tích trồng xoài không được chăm sóc tốt bởi những lao động chính trong gia đình đi làm thuê ở xa, chỉ còn bố mẹ già hoặc vợ con nhỏ ở nhà.
Chị Lường Thị Nga, bản Pha Làng, xã Quài Nưa chia sẻ: “Gia đình tôi có hơn 1ha trồng cây ăn quả nhưng hiện tại chỉ có một mình tôi làm. Vì không đủ nhân lực nên không chăm sóc, dọn vườn được. Bởi vậy, nhiều cây bị sâu bệnh”.
Bên cạnh đó, dù đã được hỗ trợ về giống cây, tuy nhiên, phần lớn các hộ dân trồng cây ăn quả còn chưa chủ động tiếp cận với kỹ thuật mới trong sản xuất; không có nhiều kinh nghiệm về kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh... dẫn đến việc cây mắc sâu bệnh, chậm phát triển... Không chỉ gặp những khó khăn, hạn chế trong quá trình chăm sóc, nhiều hộ dân cũng có tâm lý lo lắng, cân nhắc về việc tiêu thụ của các loại cây ăn quả ra thị trường.
Sau khi nắm bắt được những khó khăn, hạn chế trong phát triển cây ăn quả, huyện Tuần Giáo đã huy động cả hệ thống chính trị các cấp từ huyện đến thôn, bản cùng vào cuộc, vực lại nhiều diện tích cây ăn quả bằng nhiều giải pháp cụ thể. Quan trọng nhất chính là công tác tuyên truyền, vận động để người dân thấy được lợi ích của phát triển cây ăn quả, từ đó quan tâm chăm sóc diện tích cây của gia đình.
Một trong những cách làm được huyện Tuần Giáo thực hiện hiệu quả, đó là ra quân chăm sóc để tạo sự lan tỏa đến người dân. Theo đó, các đoàn thể, lực lượng thanh niên, phụ nữ, nông dân, dân quân tự vệ phối hợp cùng Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và UBND các xã làm điểm hướng dẫn, chăm sóc vườn cây. Điển hình, tại xã Pú Nhung, hoạt động này đã được thực hiện tại 100% bản có diện tích cây ăn quả trên địa bàn. Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và Công ty có diện tích cây ăn quả liên kết sẽ trực tiếp hướng dẫn người dân cách chăm sóc, tỉa cành... bằng hình thức "cầm tay chỉ việc", hỗ trợ nhân lực. Sau đợt ra quân, hầu hết hộ dân trồng cây ăn quả trong xã đã tiến hành phát cỏ, vun xới, chăm bón với mục tiêu cho thu hoạch quả tốt vào vụ tới.
Cùng với đó, huyện Tuần Giáo cũng xác định một số cây ăn quả chủ lực như: xoài, nhãn, dứa, lê, mít. Từ đó, quy hoạch phát triển vùng trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của mỗi loại cây, như cây xoài Đài Loan, dứa trồng tại các xã Pú Nhung, Quài Nưa; bưởi da xanh tại các xã Nà Sáy, Rạng Đông hay lê sẽ trồng tại nơi có khí hậu ôn đới như xã Tỏa Tình...
Với nỗi lo đầu ra, tiêu thụ sản phẩm của người dân, huyện Tuần Giáo đã hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân khảo sát và thực hiện đầu tư các vùng nguyên liệu quả. Đồng thời, tổ chức họp dân, phổ biến công khai và thực hiện ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với một số doanh nghiệp, công ty có khả năng bao tiêu sản phẩm như: Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao; Công ty Rau hoa quả Trung ương...
Là huyện cửa ngõ của tỉnh, có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế nông nghiệp, cộng với nhiều giải pháp cụ thể được triển khai đang cho thấy quyết tâm của huyện Tuần Giáo trong phát triển cây ăn quả trở thành cây trồng chủ lực. Với mục tiêu này, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ và đồng hành cùng với các địa phương, người dân, doanh nghiệp để phát triển, mở rộng diện tích cây ăn quả chất lượng cao; từng bước giúp thay đổi tư duy sản xuất, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững cho người dân trên địa bàn.