Quản lý kinh doanh hàng hóa qua mạng

09:12 - Thứ Tư, 22/03/2023 Lượt xem: 4722 In bài viết

ĐBP - Việc ứng dụng thương mại điện tử, nhất là sử dụng các trang mạng xã hội (facebook, zalo, tik tok)... để kinh doanh, mua hàng ngày càng phổ biến trên địa bàn tỉnh ta. Song hầu hết các trang mạng bán hàng trực tuyến hiện nay đều thiết lập tự do, không đăng ký thông tin cá nhân, địa chỉ cụ thể; giá hàng hóa chào bán cũng không chính xác; nội dung giới thiệu, quảng cáo do người quản lý trang tự làm; chỉ quan tâm mục đích câu khách nên không ít quảng cáo phản cảm, không đúng chất lượng sản phẩm. Việc giao dịch mua bán trên các diễn đàn, mạng xã hội của các cá nhân hầu như chưa có sự quản lý của bất cứ cơ quan nào...

Cũng vì dễ dãi trong cả việc bán và mua nên nhiều đối tượng kinh doanh lợi dụng bán hàng kém chất lượng trục lợi, lừa đảo. Việc quản lý chất lượng hàng hóa kinh doanh qua mạng đang là bài toán khó đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng; sự chủ động, minh bạch của đơn vị kinh doanh và sự thông thái của người tiêu dùng.

Tranh thủ đợi con lúc tan trường, anh Hoàng Văn Định, tổ 9, phường Noong Bua, TP. Điện Biên Phủ lên mạng mua hàng online.

Theo khảo sát của Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, hàng năm, tỷ lệ mua hàng qua facebook, zalo... đạt 70%; tỷ lệ sử dụng ứng dụng điện thoại để mua sắm đã tăng tới 72%. Tuy nhiên về mức độ hài lòng của khách hàng chỉ đạt 46%. Điều này cho thấy, khi mua hàng qua mạng, người tiêu dùng khó kiểm soát được chất lượng và nguồn gốc của hàng hóa, tính rủi ro cao, hàng giao không đúng như sản phẩm đã đặt mua.

Tìm hiểu được biết nhiều người thường xuyên đặt mua hàng trực tuyến bởi các lý do: Sản phẩm phong phú về chủng loại, do công việc bận rộn... Tuy nhiên, không ít trường hợp người mua nhận được những sản phẩm không bảo đảm chất lượng, sai khác hoàn toàn về mẫu mã so với hình ảnh quảng cáo trên mạng. Trong khi đó việc đổi, trả hàng hóa phức tạp, mất nhiều thời gian. Thậm chí, nhiều trường hợp bên bán hàng không thiện chí giải quyết, xóa ngay tài khoản nên người mua hàng bị ức chế vì tiền mất, hàng không dùng được. Song do lợi thế của việc bán hàng qua mạng là quảng cáo trực tiếp bằng hình ảnh, âm thanh với sự hỗ trợ của công nghệ làm cho sản phẩm bắt mắt hơn so với thực tế khiến người tiêu dùng dễ “cắn câu”.

Thông tin từ Cục Quản lý thị trường Điện Biên, đến nay đơn vị chưa xử lý vụ việc vi phạm nào từ việc kinh doanh hàng qua mạng nhưng những biểu hiện về cách thức giao hàng, địa chỉ gửi - nhận cho thấy có nhiều điều phải bàn về chất lượng hàng hóa mua bán theo hình thức này. Dễ xảy ra tình trạng hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc xuất xứ; không có hóa đơn chứng từ; tem nhãn không rõ ràng; hàng hóa không còn nguyên dạng. Thực tế có nhiều hàng hóa kinh doanh qua mạng vi phạm cả về chất lượng và cách thức kinh doanh, nhưng do những món hàng này thường là hàng tiêu dùng, có giá trị nhỏ, quá trình mua bán do hai bên tự thỏa thuận trao đổi trên mạng nên dù bị vi phạm chất lượng hàng hóa, người mua cũng không đủ chứng lý để khiếu nại, đòi quyền lợi cho mình.

Nhằm tăng cường quản lý chất lượng hàng hóa, bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý thị trường Điện Biên đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và các địa phương tăng cường kiểm tra đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng xã hội... Đồng thời xây dựng phương án đầu tư, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng thông tin đồng bộ với các công nghệ sử dụng trong hoạt động thương mại điện tử trên thị trường hiện tại; tăng cường công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu quản lý hoạt động thương mại điện tử. Tích cực phối hợp với các ngành trong việc cung cấp thông tin, kiểm tra, xử lý giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động thương mại điện tử.

Ngoài sự nỗ lực của cơ quan chức năng, người tiêu dùng cần lựa chọn mua hàng hóa tại những kênh bán hàng có uy tín, sản phẩm phải có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Trước khi quyết định mua sản phẩm, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ các thông tin liên quan, nhất là quy định về đổi trả, xử lý khiếu nại; yêu cầu người bán xuất hóa đơn, kiểm tra hàng hóa, các điều kiện ưu đãi đi kèm hóa đơn mua hàng, phiếu bảo hành... trước khi thanh toán để bảo vệ quyền lợi cho bản thân nếu có tranh chấp.

Bài, ảnh: Anh Khôi
Bình luận

Tin khác

Back To Top