Những mô hình khởi nghiệp tiêu biểu trong thanh niên

07:30 - Thứ Năm, 23/03/2023 Lượt xem: 4877 In bài viết

ĐBP - Phát huy tinh thần của tuổi trẻ không quản ngại khó khăn, xung kích đi đầu trong mọi phong trào, hoạt động, nhất là trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nhiều đoàn viên thanh niên trong tỉnh đã mạnh dạn vay vốn để xây dựng các mô hình khởi nghiệp nhằm phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Đã có nhiều mô hình khởi nghiệp của thanh niên thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành những tấm gương tiêu biểu để các bạn trẻ khác học tập noi theo.

Mô hình phát triển kinh tế theo hướng trồng cây ăn quả giúp anh Hoàng Văn Thương, bản Phủ, xã Noong Hẹt có nguồn thu nhập cao. Trong ảnh: Anh Thương thu hoạch ổi.

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Y tế Điện Biên từ năm 2014 nhưng sau khi ra trường mãi không xin được việc làm, chị Phạm Thị Thùy, thôn Tiến Thanh, xã Thanh Yên, huyện Điện Biên đã quyết định ở nhà lập gia đình để sớm ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, cuộc sống của vợ chồng trẻ gặp rất nhiều khó khăn, bản thân chị không có việc làm nên phải ở nhà nuôi con nhỏ, chồng chị vốn là cán bộ không chuyên trách tại một phường ở thành phố Điện Biên Phủ nhưng do không sắp xếp được việc làm phù hợp nên cũng phải nghỉ việc. May mắn là vợ chồng chị ở cùng bố mẹ chồng nên được ông bà hỗ trợ chi tiêu sinh hoạt, chăm sóc các con. Năm 2019 từ số tiền tích cóp ít ỏi của 2 vợ chồng, chị đã thuê cửa hàng mở quán trà sữa, bán đồ ăn vặt, đồ ăn sáng, các loại nước uống tại ngã tư chợ Tiến Thanh. Nhờ vị trí buôn bán thuận lợi gần khu vực chợ, lại coi trọng đảm bảo an toàn, chất lượng thực phẩm nên việc kinh doanh của chị hết sức thuận lợi, được đông đảo khách hàng ủng hộ; trung bình mỗi ngày vợ chồng chị thu lãi khoảng 500 nghìn đồng.

Cùng với việc mở quán kinh doanh, tận dụng hơn 1.500m2 đất để không của gia đình, chị Thùy đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi gà đẻ, gà thương phẩm, mua thức ăn, con giống, trồng vườn cây ăn quả. Ban đầu chị nuôi khoảng 100 con gà nhưng do chưa có kinh nghiệm chăn nuôi, thiếu thị trường tiêu thụ nên hiệu quả kinh tế chưa có. Sau một thời gian tích lũy kinh nghiệm chăn nuôi, học hỏi kỹ thuật chăm sóc, phòng trị bệnh cho đàn gia cầm, vợ chồng chị đã mở rộng số lượng đàn gà, có thời điểm gia đình chị nuôi trên 300 con gà thịt, gần 100 con gà đẻ. Để có thêm thị trường tiêu thụ, chị đã lên mạng xã hội zalo, facebook để giới thiệu về mô hình chăn nuôi của gia đình và bán hàng online nên lượng khách ngày càng đông, nhiều khi không có đủ hàng để phục vụ khách. Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng nhưng với sự cần cù, chịu khó, dám nghĩ dám làm, vợ chồng chị Thùy đã xây dựng được mô hình phát triển kinh tế hiệu quả cho thu nhập lên tới 300 triệu đồng/năm. Từ nguồn thu nhập này đã giúp vợ chồng chị xây dựng được ngôi nhà khang trang, trả số nợ đã vay, đồng thời có thêm vốn để tiếp tục đầu tư mở rộng mô hình.

Cũng khởi nghiệp từ con số không tròn trĩnh, nhưng đến nay mô hình phát triển kinh tế của anh Hoàng Văn Thương, bản Phủ, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên đã phát huy hiệu quả và mang lại nguồn thu cho gia đình. Anh Thương chia sẻ: Vợ chồng anh cưới nhau từ năm 2018 khi cả hai đều còn trẻ và không có công việc làm. Chưa đầy một năm sau, vợ chồng anh lại đón thêm thành viên mới. Thu nhập không có nên mọi chi tiêu trong gia đình đều do bố mẹ hai bên hỗ trợ. Vốn có sở thích trồng cây, năm 2019 biết một người họ hàng có 1,7ha diện tích đất trồng cây nông nghiệp ở C2 Yên Trường, xã Thanh Yên cần bán, anh đã mạnh dạn vay hơn 1,3 tỷ đồng từ người thân và ngân hàng để mua lại diện tích đất trên trồng cây ăn quả, đầu tư làm hàng rào, làm đường điện, đường nước. Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm trồng trọt, quy trình chăm sóc, phòng trị bệnh cho cây trồng chưa đúng kỹ thuật nên vườn cây của gia đình chết rất nhiếu, số cây sống sót lại chậm lớn. Không nản chí, anh đã đến tận mô hình của người thân để học tập kinh nghiệm trồng trọt, cùng với đó chịu khó tìm đọc, xem thêm kiến thức trên mạng về cách chọn cây giống, cách làm đất, kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây… để áp dụng vào thực tiễn. Nhờ đó, sau khi trồng bổ sung, thay thế số cây bị chết, vườn cây ăn quả của gia đình anh phát triển tốt. Hiện vườn cây của gia đình có nhiều loại cây ăn quả như: Bưởi, mít, vải, nhãn, xoài, hồng xiêm, ổi, táo. Để lấy ngắn nuôi dài, hàng năm anh còn trồng thêm các loại cây ngắn ngày như khoai, bí, ngô, dâu tây để có thêm kinh phí trang trải cuộc sống gia đình. Anh Thương phấn khởi cho biết: Đến nay, vườn cây ăn quả của gia đình đã bước đầu cho thu nhập, trong năm vừa qua gia đình anh đã thu hơn 150 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí phân bón, chăm sóc. Tới đây, nguồn thu nhập sẽ tăng cao hơn nữa khi một số loại cây ăn quả bắt đầu cho thu hoạch.

Đây chỉ là 2 trong số hàng trăm mô hình kinh tế do đoàn viên thanh niên làm chủ đã và đang phát huy hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập cao. Với sự năng động, sáng tạo của tuổi trẻ, tích cực trau dồi, học hỏi kinh nghiệm, dám nghĩ dám làm, các đoàn viên thanh niên trong tỉnh đã xây dựng được nhiều mô hình khởi nghiệp hiệu quả trên các lĩnh vực buôn bán, kinh doanh, trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ tổng hợp… Thành công từ các mô hình kinh tế không chỉ giúp đoàn viên thanh niên nâng cao thu nhập, làm giàu trên chính quê hương mình, mà còn thể hiện vai trò xung kích, đi đầu của tuổi trẻ trong việc mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế của địa phương được nhiều bà con học tập làm theo.

Đức Linh
Bình luận
Back To Top