Nâng cao chất lượng đàn gia súc

08:21 - Thứ Hai, 10/04/2023 Lượt xem: 3324 In bài viết

ĐBP - Điện Biên là tỉnh có lợi thế trong phát triển chăn nuôi gia súc với diện tích chăn thả rộng, nhiều đồi rừng, đất đai màu mỡ, nguồn cỏ tự nhiên... Hiện nay toàn tỉnh có hơn 136.500 con trâu và hơn 98.200 con bò. Những năm qua, chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến, từng bước tạo ra nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.

Tuy nhiên, đánh giá tổng thể thì ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi trâu, bò nói riêng còn nhiều hạn chế. Đó là chủ yếu chăn nuôi phân tán, quy mô nhỏ lẻ, nông hộ chiếm tỷ lệ 99,6%; giống địa phương (nội) là chủ yếu, tỷ lệ thịt xẻ thấp, sản lượng thịt hơi xuất chuồng chưa cao. Phương thức chăn thả tự do nên nguồn thức ăn thô xanh chưa đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt trong mùa khô dễ thiếu thức ăn nên trâu, bò gầy yếu, giảm sức đề kháng, bị bệnh và chết khi xảy ra rét đậm, rét hại... Hoạt động lai tạo, cải thiện tầm vóc, thể trạng đàn trâu, bò còn chậm và chưa đồng bộ, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tăng trưởng, sản lượng và chất lượng thịt thấp, dẫn đến hiệu quả chăn nuôi thấp. Vì vậy thời gian qua tỷ lệ tăng trưởng đàn trâu, bò không cao. Nếu như năm 2020, tổng đàn trâu, bò trên địa bàn tỉnh hơn 218.000 con đến nay chỉ tăng lên hơn 234.000 con. Giống trâu 100% là giống nội, trong đó trâu ré (trâu nhỏ) chiếm 68%, trâu ngố (trâu to) chiếm 32%; giống bò nội (bò địa phương chiếm gần 90%). Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng trong quý I/2023 đạt gần 757 tấn; thịt bò hơi xuất chuồng hơn 619 tấn.

Cán bộ Trung tâm Khuyến nông và Giống cây trồng vật nuôi tỉnh chăm sóc đàn bò giống.

Để cải tạo đàn trâu, bò bằng cách lai tạo giống tốt, giống lai nhằm sớm ngăn chặn nguy cơ thoái hóa giống, tăng giá trị, tỷ trọng chăn nuôi, những năm qua tỉnh ta đã có cơ chế, chính sách hỗ trợ, tuy nhiên trong quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi thuộc chương trình khuyến nông, khoa học và công nghệ được triển khai hàng năm ở các địa phương. Đến nay huyện Điện Biên và TP. Điện Biên Phủ đã thực hiện hỗ trợ cải tạo đàn bò địa phương bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo cho 1.856 con bò cái sinh sản. Việc hỗ trợ cải tạo đàn trâu, bò địa phương bằng phối giống trực tiếp không thực hiện được do người dân không hưởng ứng.

Đề án “Phát triển bền vững chăn nuôi gia súc ăn cỏ trên địa bàn tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” đã phê duyệt. Mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Điện Biên phát triển đàn gia súc ăn cỏ với tốc độ bình quân khoảng 3,15%/năm; trọng tâm nâng cao chất lượng, giá trị sản xuất gia tăng vật nuôi, thịt và các sản phẩm chế biến từ thịt; đàn trâu tăng bình quân 1,52%/năm; đàn bò tăng bình quân 5,5%/năm; tăng tỷ lệ chăn nuôi theo hình thức bán chăn thả và nuôi nhốt đạt khoảng 70%... Thời gian qua ngành Nông nghiệp tỉnh đẩy mạnh rà soát, bổ sung, điều chỉnh những vùng có thế mạnh để phát triển chăn nuôi trâu, bò theo hướng hàng hóa; phát triển các vùng trồng cỏ thức ăn cho gia súc. Bên cạnh đó, chú trọng nâng cao chất lượng con giống thông qua bình tuyển, chọn lọc trâu, bò giống tốt; cải tạo giống thông qua thụ tinh nhân tạo, phối giống trực tiếp; sử dụng tinh bò đực các giống Sind, Sahiwal, Red... để nâng cao tầm vóc, thể trạng đàn bò. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, xúc tiến thương mại; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm. Đồng thời hướng đến mục tiêu đảm bảo đàn trâu, bò phát triển ổn định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn bảo tồn nguồn gen trâu, bò để có điều kiện lựa chọn con giống tốt; tăng cường hướng dẫn nông dân tham gia các mô hình phát triển chăn nuôi hiệu quả; chú trọng tiêm vắc xin phòng bệnh, đầu tư chăn nuôi trang trại, gia trại với nhiều quy mô theo hướng bền vững.

Bài, ảnh: Thành Đạt
Bình luận

Tin khác

Back To Top