Đảm bảo nước tưới lúa đông xuân

08:28 - Thứ Hai, 17/04/2023 Lượt xem: 4287 In bài viết

ĐBP - Vụ đông xuân năm nay, toàn tỉnh gieo cấy trên 9.985ha lúa. Hiện nay, cây lúa đang bước vào giai đoạn cuối đẻ nhánh. Đây là giai đoạn cây lúa cần nhiều nước nhất nhưng lại là thời điểm thiếu nước nhất của mùa khô. Chính vì vậy, các đơn vị quản lý thủy nông, chính quyền các địa phương đã triển khai nhiều phương án để đảm bảo nước tưới cho các diện tích lúa đông xuân, hạn chế mức thấp nhất lúa bị ảnh hưởng, thiệt hại do hạn hán.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên kiểm tra tình trạng khô hạn trên địa bàn xã Noong Luống.

Theo dự báo của Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh những tháng đầu năm có xu hướng mưa ít, tổng lượng mưa trung bình thấp hơn so với các năm trước. Do đó, dòng chảy tại các sông, khe, suối đều giảm và dần cạn kiệt dẫn đến nguồn nước cung cấp cho các công trình thủy lợi, trạm bơm phục vụ sản xuất lúa đông xuân rất khó khăn. Tình trạng thiếu nước cục bộ có thể xảy ra phổ biến ở những diện tích lúa trên kênh, những diện tích khai hoang, phục hóa phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước tự nhiên.

Hiện nay, Công ty TNHH Quản lý Thủy nông Điện Biên đang quản lý, vận hành 34 công trình thủy lợi, gồm 13 hồ chứa trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ và các huyện: Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Ảng, Tuần Giáo, Tủa Chùa phục vụ diện tích tưới hơn 11.000ha. Để đảm bảo nước tưới vụ sản xuất đông xuân năm 2023, ngay sau khi kết thúc vụ mùa năm 2022, Công ty đã tiến hành tích nước tại các hồ thủy lợi trên địa bàn quản lý. Đến nay, các hồ lớn như: Pá Khoang, Nậm Khẩu Hu, Pe Luông... đều có mực nước cơ bản đảm bảo phục vụ tưới vụ đông xuân. Tuy nhiên một số hồ nhỏ, mực nước đang ở dưới định mức cho phép, thậm chí hồ Sông Ún (huyện Tủa Chùa) mực nước chạm đáy.

Ông Nguyễn Văn Duyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Quản lý Thủy nông Điện Biên cho biết: Đối với các hồ có mực nước đảm bảo, Công ty đã điều chỉnh tưới luân phiên. Như công trình Đại thủy nông Nậm Rốm đang triển khai tưới 3 ngày kênh tả và 4 ngày kênh hữu. Đồng thời, Công ty chỉ đạo các đơn vị quản lý thủy nông thường xuyên tổ chức nạo vét, khơi thông dòng chảy tại các tuyến kênh, đặc biệt là kiểm tra, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hộ dân dẫn nước vào các ao, hồ. Đối với các hồ nhỏ thiếu nước, công ty đang sử dụng hệ thống máy bơm, bơm nước từ lòng hồ vào hệ thống kênh dẫn để tưới cho đồng ruộng. Những công trình thiếu nước trầm trọng như hồ Sông Ún, công ty đã bắt đầu thực hiện giải pháp tưới ẩm. Công ty cũng chuẩn bị hệ thống máy bơm; rà soát, khảo sát các vị trí đặt máy bơm và dự kiến nguồn nhân lực, kinh phí... khi tình hình khô hạn xảy ra sẽ kích hoạt phương án bơm nước cứu lúa.

Năm 2023, toàn huyện Tủa Chùa gieo cấy trên 500ha lúa đông xuân. Đến nay có trên 10% diện tích đang bị khô hạn, thiếu nước tưới, tập trung tại các xã: Mường Báng, Tủa Thàng, Sính Phình và thị trấn Tủa Chùa.

Ông Phạm Quốc Đạt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa cho biết: Phòng đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn kiểm tra, rà soát các địa bàn thiếu nước để triển khai các phương án đảm bảo nước tưới, ứng cứu cấy lúa, giảm thiểu ảnh hưởng bởi hạn hán. UBND các xã, thị trấn chỉ đạo và hướng dẫn người dân sử dụng máy bơm, bơm nước từ các ao hồ, khe suối vào đồng ruộng để tưới ẩm, duy trì sinh trưởng cho cây lúa. Đồng thời, thành lập các tổ, đội đi kiểm tra nguồn sinh thủy, đầu nguồn các khe suối, khơi thông dòng chảy dẫn nước; tuyên truyền, vận động bà con thay phiên nhau lấy nước, sử dụng nước tiết kiệm, tránh thất thoát, lãng phí. Nếu tình hình khô hạn tiếp tục kéo dài, huyện Tủa Chùa rất khó khăn để đảm bảo nước tưới cho cây lúa và cây trồng vụ đông xuân.

Vụ đông xuân năm nay, huyện Điện Biên gieo cấy khoảng 4.200ha lúa, trong đó vùng lòng chảo trên 3.500ha. Do tình trạng khô hạn kéo dài, thời điểm này một số diện tích lúa có nguy cơ thiếu nước, khô hạn, tập trung ở các khu vực trên kênh của các xã: Thanh Chăn, Thanh Yên, Noong Luống, Sam Mứn, Pom Lót và các xã vùng ngoài như Na Tông, Phu Luông, Mường Lói. UBND huyện Điện Biên đã chỉ đạo UBND các xã kiểm tra hệ thống thủy lợi, đập đầu mối; tổ chức nạo vét khơi thông các cửa dẫn nước; sửa chữa cống lấy nước, không để rò rỉ thất thoát nước; hướng dẫn người dân tưới tiết kiệm, hiệu quả.

Ông Phạm Đình Lai, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Sở đã ban hành văn bản đề nghị các địa phương kiểm tra thường xuyên tình hình nguồn nước tại các công trình thủy lợi để kịp thời chỉ đạo các tổ chức, cá nhân quản lý nạo vét, khơi thông tuyến dẫn; khai thác triệt để nước từ công trình đầu mối và có giải pháp tích trữ, điều tiết, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước hiện có. Đồng thời kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp tự ý chặn tuyến, dẫn nước để lấy nước ngoài kế hoạch tưới tiêu đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Bài, ảnh: Nhật Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top