Ngăn chặn gian lận thương mại điện tử

08:32 - Thứ Năm, 20/04/2023 Lượt xem: 3621 In bài viết

ĐBP - Thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng phổ biến, song cùng với sự phát triển đó, một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng phương thức mua bán không tiếp xúc, thanh toán qua mạng dễ dàng để bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Trước thực trạng đó, Ban chỉ đạo 389 tỉnh đã tăng cường chỉ đạo đấu tranh phòng chống các hành vi gian lận TMĐT.

Cán bộ đoàn kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính chủ 1 website về hành vi không thông báo website thương mại điện tử bán hàng, ứng dụng bán hàng.

Thủ đoạn tinh vi

Chỉ cần một thao tác đơn giản, người tiêu dùng từ trung tâm huyện, thành phố đến các xã, bản vùng sâu, vùng xa đã có thể dễ dàng, nhanh chóng đặt mua hàng trên không gian mạng. Tuy nhiên, cùng với những tiện ích của TMĐT thì một số đối tượng đã lợi dụng với nhiều thủ đoạn để vi phạm. Nếu như trước đây TMĐT cơ bản chỉ bán hàng hoá trên website của doanh nghiệp, thì hiện nay đã xuất hiện ngày càng nhiều trên các mạng xã hội như: Facebook, zalo, TikTok… Trong khi đó, hiện nay Điện Biên chưa có sàn giao dịch TMĐT. Việc sử dụng ứng dụng TMĐT chủ yếu chỉ để trưng bày sản phẩm. Còn phổ biến là việc sử dụng các trang mạng xã hội để bán hàng với quy mô nhỏ, lẻ; không bày bán công khai tại các cửa hàng, cơ sở kinh doanh.

Theo nhận định của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh về công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động TMĐT trên địa bàn, phần lớn các đối tượng kinh doanh online đều rất khó xác định địa chỉ. Một số đối tượng còn tận dụng công nghệ để xóa hình ảnh trên mạng internet gây khó khăn cho cơ quan chức năng xác minh. Thực tế kinh doanh trên nền tảng TMĐT đã xuất hiện nhiều điểm mới với các phương thức, thủ đoạn tinh vi, gây khó khăn cho công tác kiểm soát. Các đối tượng vi phạm có thể khóa website, cho website ngừng hoạt động gây khó khăn cho lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, thậm chí một số đối tượng còn không thừa nhận mình là chủ sở hữu của website. Đối với việc bán hàng online, các đối tượng thường sử dụng tài khoản ảo hoặc tài khoản facebook của người khác để livestream bán hàng, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc xác định đối tượng vi phạm; không cung cấp địa chỉ để đến nhận hàng, xem hàng trực tiếp nhằm che giấu địa chỉ bán hàng; thay đổi địa điểm kho hàng hoặc thuê những vị trí vùng sâu, vùng xa để trốn tránh sự kiểm tra, giám sát của lực lượng chức năng. Để đánh lừa người tiêu dùng, các đối tượng sử dụng những hình ảnh bắt mắt, có thể là hình ảnh của hàng thật để rao bán, quảng cáo với giá rẻ hơn nhiều so với giá thực tế tại các cửa hàng.

Tăng cường đấu tranh, xử lý

Với mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với các hành vi vi phạm thương mại trên không gian mạng, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và UBND tỉnh về công tác đấu tranh vi phạm hoạt động TMĐT. Đồng thời, đánh giá đối tượng, mặt hàng, nhận diện các hành vi, phương thức, thủ đoạn để đấu tranh, xử lý kịp thời các đối tượng lợi dụng hoạt động TMĐT để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Sau 2 năm triển khai Kế hoạch 399/KH-Ban Chỉ đạo 389 về tăng cường phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động TMĐT trên địa bàn tỉnh, các lực lượng chức năng đã chủ động phối hợp hạn chế cơ bản hoạt động gian lận thương mại và hàng giả. Lực lượng chức năng đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 7 vụ; phát hiện xử phạt vi phạm hành chính 4 vụ, thu nộp ngân sách Nhà nước 19,5 triệu đồng. Hành vi vi phạm gồm: Không thông báo website TMĐT bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; vi phạm về kinh doanh hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ tiếng Việt Nam. Trong đó trị giá hàng hóa vi phạm nhãn 32,6 triệu đồng, bao gồm 75 đơn vị sản phẩm may mặc sẵn và 62 đơn vị sản phẩm đồ dùng gia đình các loại.

Ông Lò Ngọc Minh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho biết: Thực tế, hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động TMĐT còn hạn chế. Trong khi đó, sự phối hợp giữa các sở, ngành liên quan và lực lượng chức năng trong việc trao đổi, chia sẻ thông tin về tình hình, đối tượng, hành vi vi phạm chưa kịp thời. Nhằm tăng cường phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động TMĐT trên địa bàn, đầu tháng 4/2023, UBND tỉnh đã phê duyệt Chương trình Phát triển TMĐT tỉnh Điện Biên năm 2023 với tổng kinh phí 750 triệu đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 350 triệu đồng, còn lại là ngân sách địa phương 400 triệu đồng. Cụ thể, tỉnh sẽ hỗ trợ 5 doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham gia sàn giao dịch TMĐT uy tín nhằm giới thiệu, quảng bá và xây dựng thương hiệu giữa doanh nghiệp và khách hàng. Từ đó, từng bước tiến tới thương mại hóa thông tin công nghiệp, thương mại; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh của tỉnh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa thúc đẩy xuất khẩu thông qua sàn TMĐT. Ngoài ra, hỗ trợ 1 mô hình “Chợ 4.0 - thanh toán không dùng tiền mặt” tạo điều kiện để người tiêu dùng trải nghiệm, tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại, kích thích hoạt động mua sắm; đồng thời hướng đến triển khai áp dụng cho các chợ còn lại trên địa bàn. Xây dựng 1 phần mềm quản lý truy xuất nguồn gốc xuất xứ đối với các sản phẩm Ocop và sản phẩm đặc trưng của tỉnh thông qua mã QR được dán trên hàng hóa. Phần mềm sau khi hoàn thành được đưa vào sử dụng sẽ có tác dụng bảo vệ người tiêu dùng tránh mua phải hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Bảo vệ thương hiệu, uy tín và giá trị đích thực của doanh nghiệp, sản phẩm chất lượng trên thị trường, góp phần thúc đẩy việc quảng bá hình ảnh, thương hiệu các sản phẩm đặc trưng của Điện Biên đối với khách hàng trong và ngoài nước.

Mai Phương
Bình luận
Back To Top