Mường Chà nỗ lực phát triển kinh tế

07:09 - Thứ Tư, 03/05/2023 Lượt xem: 3373 In bài viết

ĐBP - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Mường Chà lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra nhiều mục tiêu phấn đấu; trong đó, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Huyện đã và đang quyết liệt chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp chủ động xây dựng giải pháp, tổ chức triển khai hiệu quả chương trình, hành động phù hợp với điều kiện thực tiễn, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội...

Vùng sản xuất rau của người dân bản Thèn Pả (xã Sa Lông) liên kết với HTX Công nghệ cao Phú Mỹ Xanh.

Những ngày này, cùng với cả nước, khắp các bản làng ở Mường Chà người dân vui mừng, phấn khởi, chào đón kỷ niệm 48 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Ông Trang A Lử, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mường Chà cho hay: Dù mới qua nửa nhiệm kỳ, song cuộc sống của đồng bào các dân tộc nơi đây đã có nhiều đổi thay; nhiều mục tiêu, chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra cơ bản đạt, thậm chí vượt kế hoạch. Điển hình như xây dựng nông thôn mới, các chỉ tiêu về phát triển hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, xóa đói giảm nghèo… Riêng về xây dựng nông thôn mới, huyện Mường Chà hiện có 7/11 xã cơ bản đạt chuẩn, vượt 133,33% nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra.

Mường Mươn là địa phương có nhiều nỗ lực trong thực hiện nghị quyết Đại hội đảng các cấp, trong đó có xây dựng nông thôn mới. Để đạt 17/19 tiêu chí như hiện nay, Đảng bộ xã đã phát huy sức mạnh cả hệ thống chính trị, nòng cốt là vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Ông Lò Văn Bình, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Mường Mươn cho biết: Đảng bộ xã hiện có 18 chi bộ với gần 300 đảng viên. Đảng bộ xã thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo phù hợp với tình hình thực tế. Từng giai đoạn cụ thể, Đảng ủy xã phân công các đồng chí đảng ủy viên trực tiếp tham gia phụ trách, giúp đỡ các bản. Cùng với đó, chỉ đạo đội ngũ đảng viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, tiền phong gương mẫu để quần chúng noi theo; từ đó, cộng đồng trách nhiệm thực hiện lộ trình xây dựng nông thôn mới, mục tiêu xóa đói giảm nghèo.

Ông Lò Văn Lún, đảng viên tiêu biểu bản Púng Giắt 1 chia sẻ, cách đây hơn 10 năm, đời sống bà con nơi đây còn nhiều khó khăn, có hộ phải thiếu đói; người dân lại chưa có tư duy mới trong phát triển kinh tế gia đình. Quyết tâm vượt khó, đầu tư phát triển kinh tế gia đình, ông mạnh dạn đầu tư chăn nuôi gia súc, đào ao thả cá. Để có thức ăn cho vật nuôi, ông bố trí quỹ đất trồng thêm cỏ voi và cây chuối. Vài năm sau, mô hình chăn nuôi đã có hiệu quả, ông Lún vừa nhân rộng vừa chia sẻ, hướng dẫn bà con làm theo. Hiện ông đang sở hữu trang trại rộng hơn 2ha với ao thả cá, chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng cây ăn quả... cho thu nhập mỗi năm gần 200 triệu đồng.

Nhằm tạo đột phá trong phát triển kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp, từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, Đảng bộ huyện Mường Chà đã lãnh đạo nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các loại cây trồng mới, đồng thời áp dụng tiến bộ kĩ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với UBND xã Sa Lông, người dân bản Thèn Pả liên kết với Hợp tác xã Công nghệ cao Phú Mỹ Xanh, Hợp tác xã 7/5 triển khai mô hình trồng 12ha khoai tây xuất khẩu, 2ha cây dược liệu tại bản Thèn Pả. Dù mới thực hiện, song vụ khoai tây, cà chua và một số loại rau màu đầu tiên đã cho năng suất cao.

Anh Sần Seo Ngấn, trưởng bản Thèn Pả chia sẻ: Bản có gần 20ha đất nông nghiệp tương đối bằng phẳng. Trước đây chủ yếu trồng ngô, lúa nhưng kém hiệu quả. Mấy năm gần đây, các hộ đã liên kết với doanh nghiệp để sản xuất, đưa giống cây trồng mới vào canh tác. Với mô hình liên kết này, người dân đang hi vọng sẽ mở ra hướng thoát nghèo bền vững trong những năm tới.

Năm 2021 về trước, tổ dân phố 1, thị trấn Mường Chà có khoảng 1,6ha đất trồng lúa, nhưng hiệu quả kinh tế không cao, năng suất cũng hạn chế. Năm 2022, Hợp tác xã Nam Dương phối hợp với một số hộ chuyển đổi sang trồng bí xanh. Quá trình thực hiện mô hình, Hợp tác xã Nam Dương cũng liên kết với Hợp tác xã Công nghệ cao Phú Mỹ Xanh triển khai trồng và chăm sóc theo hướng nông nghiệp sạch, đem lại sản phẩm chất lượng an toàn. Đến nay, diện tích bí xanh theo mô hình liên kết sinh trưởng, phát triển tốt, dự kiến sẽ cho năng suất, thu nhập cao.

Hiện nay, huyện Mường Chà đang vận động người dân một số xã như: Mường Tùng, Sá Tổng, Ma Thì Hồ, Na Sang, Huổi Lèng... căn cứ điều kiện thực tiễn, thổ nhưỡng từng vùng, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng; lựa chọn các loại cây phù hợp để mời gọi liên kết với các hợp tác xã để tăng năng suất, giá trị sản phẩm.

Theo ông Trang A Lử, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mường Chà, dù mới bước đầu thử nghiệm các mô hình theo hướng bền vững, song nhiều loại cây trồng ngắn ngày, cây dược liệu khá phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng. Đặc biệt, việc địa phương đã và đang hình thành nhiều chuỗi giá trị đồng bộ từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm với sự tham gia của doanh nghiệp đã giúp người dân nâng cao ý thức sản xuất theo nhu cầu thị trường. Đồng thời, bà con còn được cung cấp thông tin thị trường, vốn để phục vụ sản xuất.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ huyện Mường Chà còn lãnh đạo tốt công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị. Đặc biệt, tới đây, huyện kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện (25/1/1954 - 25/1/2024), trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Mường Chà đang nỗ lực nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền các cấp; nhân lên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế, bảo đảm thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, tạo chuyển biến tích cực phát triển kinh tế xã hội. Phấn đấu hoàn thành toàn diện, vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX đề ra.

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận
Back To Top