Ứng dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi

09:53 - Thứ Tư, 03/05/2023 Lượt xem: 2750 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, ngoài sự chủ động của người chăn nuôi, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đã tích cực hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào chăn nuôi, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tạo hướng phát triển bền vững.

Người dân xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông chăn nuôi gia cầm trên đệm lót sinh học.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Giám đốc Công ty TNHH Bảo Tú (xã Sam Mứn, huyện Điện Biên) cho biết: Năm 2021, Công ty được Sở Khoa học Công nghệ Điện Biên lựa chọn để triển khai thực hiện dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, xây dựng mô hình chăn nuôi lợn ngoại. Quy mô trang trại đảm bảo an toàn sinh học với số lượng 1.700 con lợn thương phẩm và hơn 90 con lợn sinh sản. Trong quá trình triển khai thực hiện mô hình, công ty thường xuyên được Trung tâm Giống vật nuôi chất lượng cao (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) và Sở Khoa học công nghệ hỗ trợ, hướng dẫn việc áp dụng khoa học công nghệ. Đây là mô hình chăn nuôi lựa chọn giống lợn ngoại có khả năng thích nghi chống chịu bệnh tốt, sinh sản cao, tạo ra đàn lợn thương phẩm có năng suất, chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn.

Còn với mô hình nuôi gà LV bố mẹ triển khai (từ tháng 11/2022 - 6/2024) tại Công ty TNHH Hương Phú (xã Thanh Luông, huyện Điện Biên) cũng đã cho thấy hiệu quả khi áp dụng theo hướng an toàn sinh học. Với gần 2.000 con gà thương phẩm, ước tính mỗi ngày Công ty thu hoạch khoảng 1.000 quả trứng. Tham gia mô hình, người chăn nuôi được hỗ trợ con giống có sức kháng bệnh tốt, năng suất, chất lượng cao; từ đó tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Thời gian qua, các ngành chuyên môn tỉnh quan tâm hỗ trợ ứng dụng công nghệ vào sản xuất, tăng thu nhập cho người dân và hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn. Đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, khuyến khích ưu tiên các dự án có sự liên kết giữa nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân và lấy người dân làm nòng cốt. Cùng với đó, việc kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được thực hiện thường xuyên. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố nắm bắt thông tin dịch bệnh động vật từ cơ sở; thực hiện lấy mẫu gửi xét nghiệm chẩn đoán bệnh để tham mưu và tổ chức triển khai các biện pháp khống chế các ổ dịch phát sinh. Riêng quý I/2023 đã tiếp nhận, gửi 14 mẫu bệnh phẩm xét nghiệm. Công tác báo cáo cập nhật ổ dịch, báo cáo 10 ngày, hàng tháng và đột xuất được thực hiện nghiêm túc. Nhờ đó, tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh phát triển tương đối ổn định. Đến nay tổng đàn gia súc (trâu, bò, lợn) toàn tỉnh đạt 546.433 con (tăng 2,87% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, đàn trâu 136.508 con (tăng 1,63%); đàn bò 98.270 con (tăng 3,69%); đàn lợn 311.655 con (tăng 3,16%). Đàn gia cầm đạt 4.720,15 nghìn con (tăng 1,97%). Các hộ chăn nuôi chủ động dự trữ thức ăn, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; đặc biệt là áp dụng Khoa học công nghệ vào chăn nuôi. Do đó, sản lượng gia súc, gia cầm xuất chuồng từ đầu năm đến nay có biến động tăng so với cùng kỳ năm 2022 (756,9 tấn trâu; 197,42 tấn bò; 1.130,57 tấn lợn và 1.256,29 tấn gia cầm).

Thời gian tới, các cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao Khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi; hướng dẫn người dân áp dụng mở rộng các mô hình có năng suất, sản lượng cao. Đồng thời tiếp tục thu hút doanh nghiệp đầu tư vào mô hình chăn nuôi hiệu quả nhằm xây dựng chuỗi liên kết theo giá trị. Cùng với việc tăng cường hướng dẫn hộ chăn nuôi thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, tỉnh cũng ban hành, thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi; hướng dẫn, hỗ trợ các hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi an toàn sinh học, chất lượng.

Bài, ảnh: Đức Kiên
Bình luận

Tin khác

Back To Top