Vẫn khó sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử ở vùng cao

15:53 - Thứ Tư, 24/05/2023 Lượt xem: 3507 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh. Đến nay, tại các đô thị, trung tâm huyện, người dân đã sử dụng phổ biến dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt thay thế cho hình thức chi trả truyền thống. Tuy nhiên, việc phổ cập và thay đổi thói quen dùng tiền mặt tại địa bàn nông thôn, vùng cao, vùng sâu, vùng xa vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Người dân xã Nà Tấu, TP. Điện Biên Phủ thanh toán tiền điện qua dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại Bưu điện văn hóa xã.

Năm 2021, tỷ lệ dân số trên địa bàn tỉnh sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt đạt 18,5%. Nhờ triển khai hiệu quả các giải pháp đến nay tỷ lệ dân số sử dụng dịch vụ này tăng lên 35%. Tuy nhiên, người dân sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt chỉ tập trung tại TP. Điện Biên Phủ và trung tâm các huyện, thị xã. Tỷ lệ người dân vùng cao sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử thấp. Nguyên nhân là do đời sống người dân còn khó khăn, chưa có điều kiện trang bị điện thoại thông minh, thiết bị điện tử, chưa có mạng lưới Internet. Người dân còn có tâm lý e ngại tiếp cận công nghệ mới trong thanh toán điện tử, ngân hàng; sợ rủi ro, mất an toàn trong sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Họ cảm thấy thoải mái, thuận tiện hơn khi sử dụng tiền mặt.

Ông Nguyễn Văn Tâm, người dân thôn 1, xã Pom Lót (huyện Điện Biên) cho biết: Hiện nay, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt được nhiều đơn vị cử cán bộ giúp hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng như: Thanh toán tiền điện, tiền nước... Tuy nhiên, đến nay tôi vẫn chưa sử dụng các dịch vụ trên. Bởi vì sử dụng thanh toán bằng tiền mặt giúp tôi thoải mái, chủ động hơn trong việc chi trả các khoản dịch vụ. Bên cạnh đó, vợ chồng tôi cũng đã lớn tuổi rất ngại việc tiếp cận công nghệ mới. Dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt chủ yếu thực hiện qua tài khoản ngân hàng mà lập tài khoản ngân hàng thì trong tài khoản phải luôn có tiền. Trong khi đó, tôi ở nông thôn quanh năm chăn nuôi, trồng trọt cũng không duy trì một khoản tiền trong tài khoản ngân hàng để phục vụ chi trả tiêu dùng.

Hiện nay, các sở cơ kinh doanh dịch vụ, người bán hàng, nhân viên thu ngân khuyến khích khách hàng sử dụng, tuy nhiên việc thanh toán không dùng tiền mặt ở các xã, thôn bản vùng cao gặp nhiều khó khăn.

Anh Nguyễn Văn Hùng, nhân viên dịch vụ giao hàng tại huyện Điện Biên Đông cho biết: Mỗi ngày tôi phải giao hàng trăm đơn hàng. Số tiền mặt phải thu về là rất lớn. Do đó với mỗi đơn hàng, tôi đều khuyến khích khách hàng thanh toán bằng hình thức chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, hầu hết các khách hàng ở xã, thôn bản đều chưa sử dụng dịch vụ này và thanh toán bằng tiền mặt. Nhiều đơn hàng giao đến đúng địa chỉ nhưng người nhận không có nhà, đồng thời họ cũng không sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt do đó phải đi lại nhiều lần.

Thời gian qua, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh tiếp tục mở rộng trả lương qua tài khoản; phối hợp với Kho bạc Nhà nước và các tổ chức liên quan đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán qua POS; thực hiện các dịch vụ thanh toán hóa đơn, viễn thông, viện phí qua dịch vụ thanh toán e-banking, smartbanking, ipay, ví điện tử... Thanh toán không dùng tiền mặt giúp khách hàng thực hiện thanh toán nhanh chóng, an toàn, chính xác. Song việc triển khai các dịch vụ thanh toán điện tử tại vùng sâu, vùng xa rất khó.

Đơn cử như những năm gần đây, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Điện Biên đã và đang đẩy mạnh việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng thông qua tài khoản thay thế hình thức chi trả tiền mặt. Tuy nhiên, đến nay việc mở tài khoản và chi trả tiền qua tài khoản vẫn khó khăn. Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 1.262 chủ rừng chưa có tài khoản (chủ yếu chủ rừng là hộ gia đình).

Ông Trần Xuân Tâm, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Điện Biên cho biết: Hình thức chi trả tiền qua tài khoản giúp công khai, minh bạch và đảm bảo an toàn hơn so với hình thức chi trả tiền mặt như trước đây. Tuy nhiên, do đây là hình thức chi trả mới, các chủ rừng mới tiếp cận nên nhiều trường hợp chưa được mở tài khoản, nhất là các chủ rừng đã lớn tuổi, chủ rừng ở vùng sâu, vùng xa.

Song song với việc khó thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người dân thì hạ tầng công nghệ chưa đảm bảo cũng là một nguyên nhân khiến việc triển khai các dịch vụ thanh toán điện tử tại các xã vùng cao khó khăn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều thôn, bản chưa có điện lưới quốc gia, chưa được phủ sóng điện thoại, sóng di động 3G-4G. Hệ thống cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử cũng chưa phủ khắp các địa bàn, nhất là các địa bàn vùng cao... Chính vì vậy, để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán trên địa bàn tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn về các hình thức thanh toán nhằm từng bước thay đổi nhận thức, thói quen sử dụng tiền mặt của người dân. Đồng thời đầu tư hạ tầng; đa dạng hóa và gia tăng tiện ích các dịch vụ thanh toán ở khu vực nông thôn, vùng cao, sâu trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Nhật Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top