Điện Biên chia sẻ kinh nghiệm trồng cây mắc ca

18:16 - Thứ Hai, 29/05/2023 Lượt xem: 5920 In bài viết

ĐBP - Chiều 29/5, đoàn công tác của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Luông-pha-bang; tỉnh Luông-pha-bang; tỉnh Phoong-sa-ly; Văn phòng Công thương Điện Biên tại Luông-pha-bang và Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Bắc Lào đã có buổi làm việc với tỉnh Điện Biên, trao đổi về kết quả thực hiện các dự án trồng cây mắc ca.

Các đại biểu dự buổi làm việc.

Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh và một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung trao đổi về kết quả thực hiện các dự án trồng mắc ca trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lò Văn Tiến khẳng định tỉnh Điện Biên có điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho phát triển trồng cây mắc ca. Tỉnh Điện Biên cũng định hướng phát triển cây mắc ca thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong giai đoạn 2021 - 2025.

Đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên tặng quà đoàn công tác.

Tỉnh Điện Biên đã xem xét thận trọng và từng bước phát triển cây mắc ca như: trồng thử nghiệm, đánh giá hiệu quả và định hướng phát triển mở rộng. Để phát triển cây mắc ca bền vững, đạt hiệu quả kinh tế cao, đòi hỏi phải có sự đầu tư về kỹ thuật chăm sóc, tưới nước, bón phân và lựa chọn giống trồng đảm bảo tiêu chuẩn, phù hợp. Do đó, trong tất cả các dự án trồng cây mắc ca đã được tỉnh Điện Biên phê duyệt chủ trương đầu tư đều do các doanh nghiệp chủ trì thực hiện để xây dựng các vùng trồng mắc ca theo hướng tập trung và thực hiện các dự án theo chuỗi khép kín từ trồng, chăm sóc đến thu hoạch, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Để phát triển cây mắc ca theo hướng tập trung, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tỉnh Điện Biên đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 13 dự án trồng cây mắc ca, với quy mô trồng tập trung trên 85.815ha cây mắc ca. Đến nay, các nhà đầu tư có dự án đầu tư trồng mắc ca trên địa bàn tỉnh đã tổ chức trồng được 4.221ha tại địa bàn các huyện: Tuần Giáo, Mường Ảng, Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Nhé và thành phố Điện Biên Phủ. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 350ha cây mắc ca cho thu hoạch quả, với sản lượng thu hoạch khoảng 380 tấn quả tươi.

Đoàn công tác tham quan thực địa tại Cửa khẩu Huổi Puốc.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo 2 tỉnh Luông-pha-bang và Phoong-sa-ly cho rằng: Điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng, môi trường của 2 tỉnh khá tương đồng với tỉnh Điện Biên nên việc phát triển cây mắc ca rất phù hợp. Qua việc tham quan các mô hình trồng mắc ca tại xã Thanh Minh và xã Nà Nhạn, TP. Điện Biên Phủ, thành viên trong đoàn đã hiểu hơn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, cùng với đó là hiệu quả kinh tế của loại cây này. Nhấn mạnh về ý nghĩa của loại cây đa mục tiêu này, lãnh đạo 2 tỉnh mong muốn tỉnh Điện Biên tiếp tục chia sẻ nhiều hơn kinh nghiệm về trồng cây mắc ca; quan tâm, tạo điều kiện để thu hút nhiều hơn các đoàn doanh nghiệp, nhà đầu tư sang khảo sát, phát triển mô hình trồng mắc ca tại các tỉnh Bắc Lào nhiều hơn.

Trước đó, sáng ngày 29/5, đoàn công tác đã chia làm 2 nhóm đi thăm và làm việc với Trạm Cửa khẩu Huổi Puốc; khảo sát, học tập kinh nghiệm trồng cây mắc ca tại bản Nà Nọi, xã Nà Nhạn, TP. Điện Biên Phủ.

Tin, ảnh: Đức Huy
Bình luận

Tin khác

Back To Top