Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp chưa đồng bộ

14:06 - Thứ Sáu, 09/06/2023 Lượt xem: 5389 In bài viết

ĐBP - Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm tổn thất trong thu hoạch nông sản, giảm sức lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất, thời gian qua ngành chuyên môn, chính quyền các cấp đã có những giải pháp hỗ trợ nông dân đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Tuy nhiên, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế; ở một số khâu tỷ lệ cơ giới hóa rất thấp.

Người dân xã Thanh Xương, huyện Điện Biên thu hoạch lúa đông xuân 2022 - 2023 bằng máy gặt đập liên hoàn.

Giai đoạn 2016 - 2021, từ nguồn vốn chương trình 135, toàn tỉnh đã hỗ trợ 2.342 bộ máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản cho các hộ dân và nhóm hộ; từ nguồn vốn chương trình 30a, đã có 1.515 hộ được hỗ trợ dụng cụ và máy sản xuất nông sản.

Trong lĩnh vực chế biến, bảo quản nông sản sau khi thu hoạch, những năm gần đây trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây dựng các cơ sở, nhà máy chế biến như: Nhà máy chế biến tinh bột sắn, cơ sở chế biến lúa gạo của Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên; nhà máy chế biến lúa gạo của Công ty TNHH Trường Hương Điện Biên gắn với hệ thống kho bảo quản, cùng với hệ thống máy móc thiết bị và công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng. Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh có 573 cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản, như: 60 cơ sở chế biến lúa gạo, 3 cơ sở chế biến chè, 80 cơ sở chế biến sản phẩm chăn nuôi, 93 cơ sở chế biến lâm sản...

Thực hiện cơ giới hóa sản xuất, đến nay toàn tỉnh có gần 2.000 máy kéo; hơn 4.800 máy tuốt lúa; hơn 6.100 máy xay xát lúa, ngô; hơn 8.000 máy bơm thuốc trừ sâu; gần 2.700 máy chế biến thức ăn thô (băm, thái)… Cơ giới hóa là “chìa khóa” để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, giảm sức lao động, giảm chi phí đầu tư, đồng thời giải quyết được vấn đề bỏ hoang ruộng đất do thiếu hụt nhân lực làm nông nghiệp, thúc đẩy liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân. Tuy nhiên mức độ cơ giới hóa trong sản xuất trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đồng bộ. Việc cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp mới chỉ tập trung đối với sản xuất lúa với các khâu chủ yếu như: Làm đất, thu hoạch và vận chuyển. Cụ thể, trong lĩnh vực sản xuất nông lâm, thủy sản, cơ giới hóa mới chỉ được áp dụng trên các cây trồng trọng yếu (lúa, ngô, sắn) và chủ yếu ở khâu làm đất (70%), khâu phun thuốc bảo vệ thực vật (77,55) và tuốt lúa (60%). Trong lĩnh vực chăn nuôi, hiện nay vẫn chủ yếu thực hiện theo hình thức chăn nuôi thủ công; tỷ lệ cơ giới hóa các khâu trong chăn nuôi còn rất thấp (khâu thu hoạch khoảng 5%, khâu chuồng trại 30%), chủ yếu tập trung trong chăn nuôi lợn, gà. Trên lĩnh vực lâm nghiệp, hiện nay có đến 70% khối lượng công việc vẫn được làm thủ công; áp dụng cơ giới hóa mới chỉ thực hiện được trên hai khâu là chặt hạ và vận chuyển; còn nhiều khâu sản xuất quan trọng chiếm tỷ lệ khối lượng công việc lớn như: trồng, chăm sóc, chữa cháy, bốc xếp, chế biến… tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa chỉ đạt khoảng 5 - 10%.

Một trong những nguyên nhân là do thực trạng ruộng đất còn manh mún, mặc dù tỉnh đã chỉ đạo thực hiện dồn điền, đổi thửa nhưng kết quả thực hiện tại một số địa phương vẫn chưa cao. Trong khi đối với các địa bàn miền núi, ruộng chủ yếu theo kiểu bậc thang nên việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất gặp không ít khó khăn. Còn với người nông dân, mặc dù Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ lãi suất mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp nhưng trên thực tế việc tiếp cận vốn hỗ trợ không đơn giản. Ngược lại nhiều hộ dân, nhóm hộ sau khi được hỗ trợ máy nông nghiệp, thiết bị phục vụ sản xuất, canh tác nhưng chưa phát huy được giá trị; chưa quan tâm bảo quản, sửa chữa máy móc khi bị hỏng, vẫn còn tâm lý “cha chung không ai khóc”.

Bài, ảnh: Thành Đạt
Bình luận

Tin khác

Back To Top