Kỳ vọng sớm phục hồi dòng vốn đầu tư nước ngoài

09:18 - Thứ Bảy, 10/06/2023 Lượt xem: 4223 In bài viết

Từ đầu năm đến nay, nhiều lĩnh vực kinh tế quan trọng đã rơi vào tình trạng suy giảm, trong đó có hoạt động đầu tư nước ngoài. Tuy vậy, đã xuất hiện những diễn biến, động thái đáng ghi nhận và cũng là căn cứ để hy vọng lĩnh vực này sẽ sớm “sáng” trở lại.

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Katolec Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh). Ảnh: Đỗ Tâm

Theo Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2023 đạt 10,86 tỷ USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi trước đó, lượng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam trong quý I-2023 chỉ đạt 5,45 tỷ USD, giảm 38,8% so với cùng kỳ và đến hết tháng 4 thì kết quả đạt 8,88 tỷ USD, giảm gần 18% so với cùng kỳ.

Kết quả thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài tuy vẫn sụt giảm, nhưng khoảng cách so với cùng kỳ đã rút ngắn lại nhờ kết quả tháng sau cao hơn tháng trước. Đây là một diễn biến rất tích cực, cho thấy sức hấp dẫn của môi trường đầu tư - kinh doanh và thị trường Việt Nam trong mắt giới đầu tư nước ngoài.

Theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Đỗ Nhất Hoàng, nhà đầu tư vẫn rất quan tâm đến Việt Nam, nhất là đối với mục tiêu triển khai các dự án quy mô vừa và nhỏ.

Thực tế cho thấy, Chính phủ, các bộ và địa phương vẫn theo sát tình hình, chủ động hoàn thiện khung khổ pháp lý, cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh, đặc biệt là triển khai nhiều giải pháp kêu gọi, xúc tiến đầu tư nước ngoài. Trong đó, một số tỉnh miền Trung đang chủ động, nỗ lực làm tốt công tác chuẩn bị để tăng cường vốn mới. Đơn cử, theo Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Bình Định Nguyễn Bay thì tỉnh Bình Định chủ trương làm tốt công tác quy hoạch, sẵn sàng giới thiệu quy hoạch, định hướng phát triển cũng như tiềm năng với nhà đầu tư; từ đó nhà đầu tư có đầy đủ thông tin, chủ động hơn trong quá trình nghiên cứu, tìm cơ hội, lựa chọn dự án.

Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường phối hợp, đẩy nhanh công tác lập quy hoạch bên cạnh việc tạo lập các điều kiện thuận lợi để thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các cấp, ngành đã và đang nỗ lực cải thiện chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm gia tăng thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Các hoạt động hỗ trợ nhà đầu tư sẽ được thực hiện qua việc kịp thời tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính, đầu tư, kinh doanh; kiên quyết xóa bỏ những thủ tục bất hợp lý; chuẩn bị sẵn các điều kiện về đất đai, hạ tầng, nguồn nhân lực cũng như xây dựng hệ thống dữ liệu doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn có thể trở thành nhà cung ứng cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Hiện đã xuất hiện một số dấu hiệu thể hiện sự cải thiện rõ rệt và nhanh hơn trong hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài, hứa hẹn kết quả khả quan hơn trong thời gian còn lại của năm 2023. Dự báo sẽ hiện diện những dự án đầu tư nước ngoài có quy mô rất lớn, có tầm quan trọng và sức lan tỏa đủ sức kích đẩy kết quả thu hút vốn, cũng như góp phần kích đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Đơn cử, đại diện Tập đoàn Adani (Ấn Độ) vừa xác nhận việc xem xét khả năng đầu tư 10 tỷ USD vào lĩnh vực cảng biển, logistics, năng lượng, công nghệ số… đồng thời, cam kết làm ăn lâu dài tại Việt Nam.

Đến nay, giới đầu tư nước ngoài vẫn duy trì niềm tin, mong muốn triển khai thêm dự án ở Việt Nam. Ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc AEON Việt Nam cho rằng, với tốc độ tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm cao trong khu vực, dân số đông và tầng lớp trung lưu ngày một gia tăng… Việt Nam là thị trường có tốc độ phát triển nhanh và được AEON xác định là thị trường tiềm năng trọng điểm. Nhà đầu tư cũng mong muốn Việt Nam tiếp tục cải cách thủ tục liên quan tới đầu tư theo hướng đơn giản hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Mới đây một số tổ chức quốc tế liên quan như Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản… đều đưa ra nhận định tích cực về môi trường và tiềm năng gia tăng thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài trong tương lai gần, nhất là nhấn mạnh sức hấp dẫn về vị trí địa lý, hiệu quả cải cách thể chế kinh tế, năng lực sáng tạo của Việt Nam...

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top