Làm giàu trên mảnh đất quê hương

08:16 - Thứ Ba, 27/06/2023 Lượt xem: 5078 In bài viết

ĐBP - Những năm gần đây, người dân huyện Mường Ảng tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Nhờ đó không chỉ mang lại nguồn thu nhập cho gia đình, còn góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Người dân xã Nặm Lịch (huyện Mường Ảng) chuyển từ chăn nuôi thả rông sang nuôi nhốt, chăm sóc tại nhà.

Trước đây gia đình anh Vừ A Lồng, bản Huổi Lướng, xã Nặm Lịch chăn nuôi theo hướng truyền thống chỉ nuôi từ 3 - 5 con lợn, 2 con bò sinh sản. Do chưa áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi nên tăng trưởng của đàn vật nuôi rất chậm, hiệu quả kinh tế thấp. Từ khi được chính quyền địa phương tư vấn, tuyên truyền thực hiện mô hình chăn nuôi theo hình thức gia trại; tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho trâu, bò, anh Lồng đã quyết định đầu tư phát triển kinh tế theo mô hình “vườn - ao - chuồng”.

Anh Vừ A Lồng chia sẻ: Từ nguồn vốn tích lũy của gia đình cùng với vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 50 triệu đồng, gia đình tôi đầu tư đào 300m2 ao, xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn, trâu, bò khoa học đảm bảo kín gió về mùa đông, thông thoáng về mùa hè. Để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn gia súc, tôi đã chuyển 2ha đất nương bạc màu sang trồng cỏ voi. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, thực hiện tiêm phòng định kỳ đầy đủ nên đàn gia súc phát triển tốt, ít bị dịch bệnh. Hiện nay, đàn gia súc của gia đình có 30 con trâu, bò; trên 20 con dê và 80 con lợn, mang lại nguồn thu nhập ổn định trên 600 triệu đồng/năm.

Là hội viên Hội Nông dân, anh Vừ A Lồng, không chỉ gương mẫu, tích cực tham gia các phong trào do hội các cấp phát động mà còn thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi cho các hộ dân trong bản, trong xã, tạo điều kiện giúp hội viên có điều kiện khó khăn về vốn, con giống, giúp họ vươn lên xóa đói giảm nghèo. Là hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, từ năm 2019 đến nay, anh Vừ A Lồng  nhận được nhiều giấy khen của xã, huyện về thành tích trong phát triển kinh tế.

Với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, anh Sùng Cháy Minh, bản Chùa Sấu, xã Xuân Lao đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Từ diện tích lúa, ngô kém năng suất anh đã chuyển sang trồng ớt mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Anh Minh chia sẻ: Trước đây gia đình đã từng trồng các loại cây nông nghiệp như: Ngô, sắn, lúa, đậu tương nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn, năm nào mưa thuận gió hòa cũng chỉ đủ thóc ăn. Những năm gần đây, qua tìm hiểu thị trường thấy cây ớt mang lại giá trị kinh tế cao, gia đình đã triển khai trồng 2.000m2, kết hợp trồng 2ha rừng và chăn nuôi trâu, bò thương phẩm. Thực hiện tốt công tác tiêm phòng định kỳ, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ nên đàn gia súc của gia đình phát triển tốt, đến nay đã lên tới gần 100 con trâu, bò. Trung bình mỗi năm gia đình thu nhập gần 300 triệu đồng.

Không chỉ sản xuất, chăn nuôi giỏi, nhận thấy nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nông sản của người dân trong bản và các bản lân cận, anh Minh đã đầu tư mua 1 ô tô tải để đi thu mua các sản phẩm nông sản hoặc chở thuê.

Ông Đoàn Thế Quỳnh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mường Ảng cho biết: Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển từ tập quán chăn thả tự do sang chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại, chủ động nguồn thức ăn; kiểm soát, phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, phối hợp tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật; tạo cơ chế khuyến khích phát triển đối với các hộ nông dân. Nhờ vậy, nhiều hộ đã đổi mới tư duy, đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế gia trại theo hướng đa canh, đa con, ứng dụng khoa học - kỹ thuật hiện đại vào chăn nuôi mang lại hiệu quả, năng suất, lợi nhuận cao. Nhiều mô hình có doanh thu bình quân đạt từ 50 - 300 triệu đồng/năm.

Bài, ảnh: Anh Nguyễn
Bình luận

Tin khác

Back To Top