Khó thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất

06:39 - Chủ Nhật, 02/07/2023 Lượt xem: 4334 In bài viết

ĐBP - Hỗ trợ sản xuất là một trong những nội dung quan trọng trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021 - 2025. Hoạt động hỗ trợ sản xuất gồm: Hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất theo nhiệm vụ và hỗ trợ phát triển sản xuất đặc thù. Giai đoạn 2021 - 2025, cả 3 chương trình MTQG đều có nguồn vốn sự nghiệp để triển khai các hoạt động hỗ trợ sản xuất. Tuy nhiên, do nguồn vốn năm 2022 phân bổ muộn nên tỷ lệ giải ngân nguồn vốn sự nghiệp rất ít, phần vốn chưa được giải ngân được chuyển sang năm 2023. Đến nay, các địa phương vẫn gặp khó trong việc triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ sản xuất đến các đối tượng của chương trình MTQG.

Phát triển chăn nuôi đại gia súc thường được các địa phương lựa chọn để triển khai các dự án hỗ trợ sản xuất theo các chương trình MTQG. Trong ảnh: Người dân xã Keo Lôm (huyện Điện Biên Đông) phát triển chăn nuôi bò vỗ béo.

Năm 2022, huyện Điện Biên Đông được phân bổ 4 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp để thực hiện tiểu dự án 2 (thuộc dự án 3, Chương trình MTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số) về hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. Tuy nhiên, nguồn vốn được phân bổ muộn nên nội dung này được chuyển tiếp sang năm 2023. Triển khai thực hiện nội dung này, huyện Điện Biên Đông dự kiến xây dựng 7 chuỗi sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị về các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi.

Ngay từ đầu năm 2023, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp - đơn vị được UBND huyện Điện Biên Đông giao chủ trì thực hiện các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đã đăng tải thông báo, thông tin rộng rãi về các dự án, sản phẩm và địa bàn triển khai thực hiện các dự án trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm mời gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) tham gia liên kết sản xuất. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, HTX không mấy mặn mà với các dự án liên kết sản xuất tại huyện Điện Biên Đông. Đến gần cuối tháng 4 mới có 2 HTX đăng ký tham gia 2 dự án gồm: HTX Dịch vụ nông nghiệp Tìa Dình tham gia dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị đối với sản phẩm Bí xanh Tìa Dình với quy mô 15ha và HTX Anh Thơ thực hiện dự án phát triển sản phẩm nếp tan ở xã Luân Giói với quy mô 45ha.

Ông Phạm Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên Đông cho biết: Khó khăn nhất trong thực hiện các dự án là việc mời gọi các doanh nghiệp, HTX tham gia vào liên kết. Với số vốn được giao, huyện dự kiến nhiều dự án liên kết song đến nay mới chỉ có 2 dự án được trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định. Tổng mức đầu tư 2 dự án trên khoảng 2 tỷ đồng, chiếm 50% tổng vốn được giao. Nếu thời gian tới, các doanh nghiệp, HTX không tiếp tục đăng ký tham gia thì nhiều khả năng nguồn vốn không thể giải ngân hết.

Anh Giàng A Sử, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tìa Dình cho biết: HTX đăng ký tham gia dự án liên kết sản xuất bí xanh Tìa Dình từ tháng 4. Quá trình triển khai dự án gặp nhiều khó khăn do thiếu các văn bản hướng dẫn của các cấp. Do đó đến nay dự án vẫn chưa được thẩm định, phê duyệt để triển khai thực hiện.

Do triển khai hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gặp nhiều khó khăn, nguồn vốn năm 2023 được huyện Điện Biên Đông chuyển sang nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng. Đây là phương thức hỗ trợ cộng đồng dân cư thực hiện dự án, phương án phát triển sản xuất do chính cộng đồng dân cư đề xuất, tổ chức thực hiện.

Tương tự tại huyện Tủa Chùa, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện được UBND huyện giao triển khai thực hiện một số nội dung trong hoạt động hỗ trợ sản xuất thuộc các chương trình MTQG. Tổng nguồn vốn sự nghiệp năm 2023 và nguồn chuyển tiếp năm 2022 là 7,1 tỷ đồng. Huyện Tủa Chùa cũng định hướng triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. Tuy nhiên, sau một thời gian thông báo, mời gọi mà không có doanh nghiệp, HTX đăng ký thực hiện, huyện Tủa Chùa đã chuyển sang thực hiện nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng với dự kiến thực hiện 7 - 8 dự án, tập trung vào các dự án phát triển chăn nuôi đại gia súc, lúa nếp 97 và phát triển cây đào.

Ông Mào Văn Bổn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tủa Chùa cho biết: Sau khi mời gọi không nhận được phản hồi của các doanh nghiệp, HTX, Trung tâm đã báo cáo UBND huyện để chuyển đổi sang thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng. Song quá trình triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ sản xuất cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn. Đến thời điểm này, mới chỉ có 1/8 dự án trình Tổ thẩm định hồ sơ đề xuất dự án của huyện xem xét.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top