Khuyến cáo DN xuất khẩu về 2 hình thức thanh toán rủi ro khi giao thương quốc tế

16:09 - Thứ Tư, 26/07/2023 Lượt xem: 3982 In bài viết

Hình thức lừa đảo phổ biến nhất hiện nay là các doanh nghiệp nước ngoài khi ký hợp đồng mua bán với các công ty Việt Nam thường yêu cầu điều khoản thanh toán TT (trả sau) hoặc phát hành séc cho bên bán cầm cố. Đây là 2 hình thức có nhiều rủi ro nhất.

5 lô hàng nông sản và gia vị xuất khẩu sang thị trường Dubai, UAE nghi bị lừa đảo. Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), thời gian gần đây, các doanh nghiệp là thành viên của VPA đã kinh doanh, xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang UAE gồm tiêu, quế, hồi, hạt điều. Tuy nhiên, các công ty này cho biết các giao dịch có dấu hiệu gian lận thương mại từ cùng một người mua và cùng một ngân hàng có trụ sở tại Dubai, UAE.

Trước đó, đã có 4 container, trị giá 400.000 USD, bị mất trắng tại cảng Jebel Ali, UAE. Hiện tại, có 1 container hoa hồi có khả năng bị mất (hàng dự kiến cập cảng ngày 26/7/2023) cũng với thủ đoạn lừa đảo tương tự.

Tìm hiểu hợp đồng giao thương giữa các doanh nghiệp, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, theo các điều khoản thanh toán được quy định trong hợp đồng, tất cả các lô hàng được thanh toán theo điều khoản thanh toán nhờ thu (D/P); có nghĩa là bộ chứng từ gốc sẽ được ngân hàng của bên bán chuyển đến ngân hàng của bên mua, sau đó bên mua sẽ thanh toán cho ngân hàng của bên mua.

Sau khi ngân hàng bên mua nhận đủ số tiền sẽ đồng thời chuyển tiền sang ngân hàng bên bán. Khi đó, ngân hàng của bên mua mới được phép giao bộ chứng từ gốc cho bên mua để nhận hàng.

Tuy nhiên, nếu ngân hàng của người mua chưa chuyển tiền cho ngân hàng của người bán thì người mua sẽ không thể lấy bộ chứng từ gốc để lấy hàng tại cảng. Như vậy, các giao dịch nêu trên có dấu hiệu gian lận xảy ra tại ngân hàng nơi công ty Việt Nam gửi bộ chứng từ D/P. Các quan chức ngân hàng này có thể tham gia vào vụ việc này.

Ngay sau khi nhận được thông báo của các đơn vị trên, Bộ Công Thương (Vụ Thị trường châu Á – châu Phi) đã có Công hàm gửi Đại sứ quán UAE tại Hà Nội và đề nghị Đại sứ quán thông báo với các cơ quan có thẩm quyền liên quan xem xét và xử lý vụ việc.

Hình thức thanh toán nhiều rủi ro

Theo Bộ Công Thương, hiện nay, tình trạng lừa đảo tại thị trường khu vực Trung Đông đã xuất hiện nhiều hơn trước, chủ yếu tập trung ở các công ty thương mại có quy mô nhỏ.

Hình thức lừa đảo phổ biến nhất hiện nay là các doanh nghiệp nước ngoài khi ký hợp đồng mua bán với các công ty Việt Nam thường yêu cầu điều khoản thanh toán TT hoặc phát hành séc cho bên bán cầm cố. Đây là 2 hình thức có nhiều rủi ro nhất.

Cụ thể: Thanh toán TT trả sau, nghĩa là bên mua sẽ nhận hàng rồi mới thanh toán tiền cho bên bán.

Phát hành séc có giá trị trong một khoảng thời gian nhất định rồi giao cho bên bán cầm cố. Phương thức này có nhiều rủi ro như bên mua phát hành séc mà không có tiền trong tài khoản; bên bán không thể đến ngân hàng bên mua để nhận tiền vì không có thẻ căn cước. Bên bán cũng không thể kiểm tra thông tin tài khoản của bên mua vì ngân hàng tại một số nước Trung Đông không cung cấp thông tin khách hàng cho bên thứ 3.

Thận trọng, đàm phán kỹ điều khoản

Do đó, Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam khi giao dịch với các doanh nghiệp nước ngoài cần phải thận trọng và đàm phán kỹ điều khoản thanh toán để bảo đảm an toàn nhất. 

Một số phương thức thanh toán an toàn mà Bộ Công Thương đề xuất DN cân nhắc như: Mở LC (thư tín dụng), hoặc đại diện doanh nghiệp sang tận nơi giao chứng từ và nhận tiền.

Phương thức thanh toán D/P cũng có mức độ an toàn hơn so với thanh toán TT và séc, nhưng lưu ý các ngân hàng bên bán khi chuyển giao chứng từ cho ngân hàng bên mua phải bảo đảm an toàn, tránh trường hợp xảy ra như các vụ việc nêu trên do khâu giao chứng từ và nhận chứng từ (nhân viên an ninh ngân hàng) không có ký nhận, dẫn đến sự việc nhân viên an ninh ngân hàng giao chứng từ cho bên mua để đi nhận hàng mà bên mua không thanh toán tiền cho ngân hàng bên mua để trả cho ngân hàng bên bán.

Chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại cũng cho rằng: Các vụ lừa đảo hầu như đều xuất phát từ việc doanh nghiệp chưa tìm hiểu kỹ hoặc quá tin tưởng vào đối tác. Trong khi đó, nhiều đối tượng nước ngoài có sự lừa đảo khá tinh vi, khiến doanh nghiệp dễ dàng tin tưởng, nhất là trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó khăn, ít đơn hàng như hiện nay.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp chưa có được mối quan hệ mật thiết với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để nhờ họ cung cấp thông tin về các đối tác nên rủi ro là rất lớn.

"Hiện nay, Việt Nam đã có đại diện thương mại ở rất nhiều thị trường, là kênh thông tin hữu ích cho doanh nghiệp. Các hiệp hội, doanh nghiệp cần tích cực tạo lập mối quan hệ chặt chẽ với các cơ quan đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài để có được thông tin về các bạn hàng ở nước ngoài. Mặt khác, Nhà nước cũng cần có thêm cơ chế hỗ trợ cho các cơ quan đại diện thương mại Việt Nam tại nước ngoài để nâng cao năng lực hơn nữa, hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp", chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương đề nghị.

Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng cho rằng khi xảy ra các vụ việc lừa đảo thương mại quốc tế không chỉ cần vai trò của các cơ quan đại diện thương mại hay Bộ Công Thương trợ giúp mà cần tổng hòa sự vào cuộc của các bộ, ngành khác như Bộ Công an, Bộ Ngoại giao hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Theo chinhphu.vn
Bình luận

Tin khác

Back To Top