Kinh tếMôi trường rừng

Ðộng lực để người dân tích cực nhận khoán, bảo vệ rừng

09:48 - Thứ Tư, 22/01/2020 Lượt xem: 4336 In bài viết

ĐBP - Giữ rừng nhằm bảo vệ đất, hạn chế xói mòn, bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối; điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất và đời sống xã hội; ngăn chặn suy thoái rừng, giảm diện tích rừng và phát triển rừng bền vững. Vì vậy, với nhiều giải pháp bảo vệ, diện tích rừng do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Chà được giao quản lý, bảo vệ luôn được giữ vững, chất lượng rừng được nâng lên và đủ điều kiện được chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR).

Người dân xã Huổi Lèng phát quang cây dại, chăm sóc diện tích rừng nhận khoán bảo vệ.

Tổng diện tích đất lâm nghiệp Ban Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Chà được giao quản lý là 5.470ha thuộc địa bàn xã Mường Tùng (5.016,36ha, gồm 4 tiểu khu, 34 khoảnh) và xã Huổi Lèng (453,74ha gồm 2 tiểu khu, 4 khoảnh). Trong đó, diện tích đất lâm nghiệp có rừng 2.433,63ha và 3.036,4ha đất lâm nghiệp chưa có rừng. Hiện nay, diện tích rừng cung ứng DVMTR do Ban quản lý khoán bảo vệ là 3.158,41ha. Căn cứ diện tích rừng được giao, ngoài gần 83ha rừng đơn vị tự bảo vệ, còn lại Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện phối hợp với UBND 2 xã thực hiện hợp đồng giao khoán cho các cộng đồng thôn, bản; hộ gia đình quản lý, bảo vệ và hưởng chính sách chi trả DVMTR. Ban hợp đồng với 7 cộng đồng thôn, bản tại xã Mường Tùng và hợp đồng với 2 cộng đồng thôn, bản; 6 hộ gia đình tại xã Huổi Lèng giao khoán bảo vệ rừng. Ðể bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ bền vững, Ban đã phối hợp với lực lượng kiểm lâm huyện, chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân sống trong vùng rừng phòng hộ hiểu biết về lợi ích, tầm quan trọng của rừng; đồng thời vận động, hướng dẫn người dân tham gia ký cam kết bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Do đó diện tích rừng được giao cho Ban bảo vệ không để xảy ra tình trạng cháy rừng, chặt phá rừng; khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép.

Cùng với công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về quản lý, bảo vệ rừng cũng như lợi ích của việc bảo vệ rừng, giao khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng đối với người dân, nhất là các cộng đồng thôn bản, các hộ gia đình được giao khoán, bảo vệ rừng, Ban phối hợp với lực lượng kiểm lâm huyện tăng cường công tác tuần tra canh gác, bảo vệ rừng; kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi làm ảnh hưởng tới tài nguyên rừng. Nhất là trong các tháng mùa khô, thời tiết khô hanh, nguy cơ cao xảy ra cháy rừng, Ban đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện và chính quyền địa phương kiểm tra các khu vực rừng trọng điểm, kiểm soát nghiêm ngặt nguồn lửa đem vào rừng, kịp thời thông báo tình hình thời tiết, cấp cháy rừng đến chính quyền địa phương và các cộng đồng dân cư, các hộ nhận khoán để chủ động bố trí lực lượng, dụng cụ, phương tiện bảo vệ rừng... Nhờ đó, rừng luôn được khoanh nuôi, tái sinh, bảo vệ tốt, không xảy ra tình trạng xâm lấn đất rừng, cháy rừng, khai thác tài nguyên trái phép.

Tại xã Huổi Lèng, diện tích rừng do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện quản lý hơn 320ha. Ngoài phần diện tích đơn vị tự quản lý (gần 83ha), còn lại được giao khoán cho 2 cộng đồng thôn bản (Ma Lù Thàng, Trung Dình) và 6 hộ gia đình trên địa bàn bảo vệ. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền và phối hợp cùng lực lượng kiểm lâm, người dân trên địa bàn tuần tra, kiểm soát rừng nên toàn bộ diện tích rừng được giao khoán cho người dân đều được quản lý, bảo vệ tốt. Gia đình anh Giàng A Sàng nhiều năm qua được Ban hợp đồng giao khoán bảo vệ hơn 9,8ha rừng phòng hộ cho biết: Năm 2019 gia đình tôi nhận được gần 3 triệu đồng tiền chi trả DVMTR do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Chà trực tiếp chi trả bằng tiền mặt. Số tiền này có được nhờ công sức bỏ ra để bảo vệ, phát triển tốt diện tích rừng nhận khoán. Tính ra mỗi tháng gia đình tôi có thêm thu nhập 250.000 đồng nhờ tiền bảo vệ rừng. Không chỉ mua lương thực, trang trải cuộc sống, gia đình tôi mua thêm con giống để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm nên cuộc sống bớt phần khó khăn. Tôi hiểu rằng, bảo vệ rừng để có tiền mua lương thực chứ không phải chỉ làm nương mới có lúa, ngô như trước mà rừng lại được bảo vệ, phát triển xanh tốt; cung cấp nước, giữ nước, điều tiết nước, bảo vệ các công trình thủy lợi trong vùng.

Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top