Kinh tếMôi trường rừng

Nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng dịch vụ môi trường rừng

14:48 - Thứ Sáu, 31/07/2020 Lượt xem: 1551 In bài viết

ĐBP - Chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đóng vai trò quan trọng để tái cơ cấu, phát triển bền vững ngành lâm nghiệp, đóng góp nguồn tài chính quan trọng cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao thu nhập cho người dân. Để chủ rừng được hưởng lợi từ chính sách cũng như đạt được mục đích bảo vệ và phát triển rừng bền vững trên địa bàn, cùng với việc thực hiện tốt chính sách chi trả DVMTR cho chủ rừng, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Điện Biên kết hợp lồng ghép công tác tuyên truyền phổ biến chính sách nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền, chủ rừng và người dân địa phương về công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Điện Biên và Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra sổ sách việc sử dụng tiền DVMTR của chủ rừng ở xã Pú Xi (huyện Tuần Giáo).

Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Điện Biên Đặng Thị Thu Hiền cho biết: Tác động từ việc chi trả DVMTR tại địa phương là rất lớn, thúc đẩy quản lý, phát triển rừng bền vững, bảo vệ hiệu quả môi trường sinh thái, chống lũ ống, lũ quét, đồng thời góp phần tạo thêm thu nhập cho người dân. Chính vì vậy cần quan tâm nhiều hơn nữa tới các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng đối với các loại DVMTR, tạo nguồn thu ổn định để đầu tư lại cho công tác quản lý, bảo vệ rừng và chủ trương tự chủ của các Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Thời gian qua Quỹ tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao. Cụ thể là quản lý, bảo vệ diện tích rừng hiện có để duy trì hiệu quả chính sách chi trả DVMTR, đảm bảo nguồn thu ổn định đầu tư lại cho công tác quản lý, bảo vệ của 5 chủ rừng (là các ban quản lý rừng phòng, đặc dụng) với tổng diện tích rừng 54.256,5ha (54.196,6ha rừng tự nhiên, 60,6ha rừng trồng); coi việc bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn các hệ sinh thái, đa dạng sinh học và cảnh quan thiên nhiên của rừng. Đây là các dịch vụ, nguồn lực mới, cơ hội đầu tư lớn nhằm góp phần phát triển lâm nghiệp, thông qua thực hiện cơ chế tài chính những người được hưởng lợi từ rừng có trách nhiệm đóng góp nhằm bảo vệ và phát triển rừng. Với những diện tích rừng chưa đủ điều kiện cung ứng DVMTR cần bảo vệ cây gỗ tái sinh và trồng bổ sung, phục hồi rừng; đồng thời làm tốt công tác phòng chống cháy rừng. Bên cạnh đó, chú trọng thực hiện các biện pháp khoanh nuôi tái sinh rừng, trồng rừng đối với diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng (14.262,7ha) để tăng khối lượng diện tích rừng được chi trả DVMTR. Trong giải pháp khoanh nuôi tái sinh rừng với diện tích đất có lớp thực bì không còn là rừng (trảng cây lớn, cây bụi) nhưng khả năng giữ nước, giữ đất vẫn còn phát huy tác dụng được khoanh giữ triệt để, tận dụng sức tái sinh mạnh của thực vật để xúc tiến việc phục hồi rừng.

Để tăng diện tích rừng được chi trả DVMTR theo hướng bền vững, bà Đặng Thị Thu Hiền cho rằng trồng rừng và chăm sóc diện tích rừng đã được đầu tư là giải pháp tích cực, hữu hiệu nhất. Tuy công tác trồng rừng hiện gặp nhiều khó khăn về điều kiện tự nhiên và vốn đầu tư. Vì thế, trước mắt nên thực hiện ở những vùng đầu nguồn xung yếu, thực vật không còn khả năng tái sinh tự nhiên để trở thành thảm che tốt hoặc những vùng gần khu dân cư có điều kiện thuận lợi để xúc tiến việc trồng rừng. Bên cạnh đó cần xây dựng các biện pháp tăng trưởng DVMTR đối với diện tích rừng được giao gắn với việc xây dựng, thực hiện phương án quản lý rừng bền vững. Cụ thể đó là xúc tiến xây dựng Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo Luật Lâm nghiệp, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp để làm cơ sở thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào du lịch sinh thái, cho thuê môi trường rừng. Thu hút các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh du lịch sinh thái bằng cách triển khai chính sách cho thuê môi trường rừng đối với các tổ chức, cá nhân đáp ứng những điều kiện theo quy định; trong phạm vi cho phép, tạo môi trường đầu tư phát triển du lịch sinh thái. Xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững để tiến tới cấp chứng chỉ rừng, làm cơ sở chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện trả DVMTR đối với dịch vụ hấp thụ và lưu trữ các bon của rừng. Bởi hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai xây dựng theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm chi trả DVMTR đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng đối với các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh gây phát thải khí Co2 lớn; góp phần tạo ra động lực kinh tế cho các chủ rừng bảo vệ và phát triển rừng bền vững, gắn với việc cải thiện sinh kế cho cộng đồng dân cư sống gắn với rừng. Gắn trách nhiệm xã hội của các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh gây phát thải khí Co2 lớn trong việc thực hiện cam kết của Việt Nam về giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời Quỹ sẽ nghiên cứu để tham mưu mở rộng chi trả cho các dịch vụ rừng mới, như: hấp thụ và lưu giữ các bon; định hướng xây dựng các mô hình thí điểm chi trả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các bon với các công ty ở địa phương có lượng phát thải lớn... Các công ty này sẽ chi trả cho các chủ rừng tiền dịch vụ thu giữ các bon mà các khu rừng khỏe mạnh của họ cung cấp… nhằm tăng nguồn thu DVMTR, bảo vệ thêm nhiều diện tích rừng và góp phần giúp Việt Nam đáp ứng các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu.

Bài, ảnh: Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top