Kinh tếMôi trường rừng

Đảm bảo tiến độ chi trả dịch vụ môi trường rừng

15:12 - Thứ Năm, 06/05/2021 Lượt xem: 5248 In bài viết

ĐBP - Để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ diện tích rừng đặc dụng được giao, bên cạnh việc tuyên truyền, vận động nhân dân, những năm qua, Ban Quản lý KBTTN Mường Nhé còn phát huy hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Đặc biệt là việc chi trả nguồn quỹ DVMTR một cách kịp thời, khách quan đã tạo dựng được niềm tin với nhân dân; từng bước làm thay đổi nhận thức của bà con trong công tác chăm sóc bảo vệ và phát triển rừng. Từ nguồn kinh phí đó góp phần quan trọng để cải thiện cuộc sống, xóa đói giảm nghèo cho người dân tham gia bảo vệ rừng.

Cán bộ Trạm quản lý bảo vệ rừng Nậm San (Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé) phổ biến chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cho người dân xã Mường Nhé.

Ban Quản lý KBTTN Mường Nhé được giao quản lý 45.581ha rừng đặc dụng trải dài trên 5 xã vùng đệm: Sín Thầu, Leng Su Sìn, Chung Chải, Mường Nhé, Nậm Kè (huyện Mường Nhé). Diện tích quản lý, bảo vệ lớn khiến công việc của những người giữ rừng nơi đây càng thêm vất vả. Để giữ được màu xanh cho những cánh rừng đặc dụng bên cạnh việc phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã vùng đệm và các cơ quan, đơn vị đóng chân trên địa bàn, đơn vị đã làm tốt công tác chi trả DVMTR cho nhân dân và các tổ chức được giao khoán; gắn với mục tiêu quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, tạo sinh kế cho người dân sống tại các bản vùng đệm, góp phần tăng thêm thu nhập cải thiện đời sống cho người dân. Để công tác chi trả DVMTR thuận lợi, hiệu quả, minh bạch và đúng thời gian theo quy định, Ban Quản lý KBTTN Mường Nhé đã phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện Mường Nhé thực hiện công tác chi trả tiền DVMTR qua tài khoản.

Ông Đào Công Tiến, Phó Giám đốc Ban Quản lý KBTTN Mường Nhé cho biết: Đời sống người dân trong khu vực vùng đệm còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là đồng bào dân tộc ít người sinh sống, trình độ dân trí không đều, phong tục tập quán canh tác lạc hậu do vậy công tác tuyên truyền chưa đạt hiệu quả cao. Tình hình dân di dịch cư tự do trong khu vực diễn biến phức tạp; việc phá rừng làm nương, khai thác lâm sản và săn bắt thú rừng trái phép vẫn thường xuyên xảy ra gây ảnh hưởng đến tài nguyên rừng, môi trường và sinh thái. Vậy nên, để làm tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn hệ sinh thái KBTTN Mường Nhé, hàng năm cùng với sự nỗ lực của anh em trong đơn vị, chúng tôi đã tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng, như: Biên phòng, quân đội, công an, chính quyền các xã và các nhóm nhận khoán của các bản vùng đệm để cùng nhau bảo vệ rừng. Mặt khác việc chi trả đầy đủ, đảm bảo kịp thời các chế độ DVMTR cũng góp phần quan trọng vào việc giữ rừng. Hết quý 1/2021, đơn vị đã tổ chức chi trả DVMTR với diện tích hơn 34.000ha gắn với mục tiêu quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, tạo sinh kế cho người dân sống tại các bản vùng đệm, góp phần tăng thêm thu nhập cải thiện đời sống cho người dân. Trong đó, diện tích khoán bảo vệ rừng chi trả môi trường rừng năm 2021 đối với 42 nhóm là cộng đồng các bản vùng đệm và các đơn vị lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn được giao quản lý là gần 30.800ha, (chiếm 89,84%); còn lại trên 3.480ha do Ban Quản lý KBTTN Mường Nhé quản lý, bảo vệ. Cuối tháng 1/2021, đơn vị đã thực hiện thanh toán tạm ứng tiền công bảo vệ rừng chi trả DVMTR đợt 2 của năm 2020 cho các nhóm nhận khoán bảo vệ rừng đặc dụng với đơn giá 180 nghìn đồng/ha; với tổng số tiền ứng hơn 5 tỷ đồng qua hệ thống tài khoản Ngân hàng CSXH huyện Mường Nhé.

Ông Lỳ Tư Xè, bản Nậm Pắc, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé chia sẻ: Nhận khoán bảo vệ rừng đặc dụng của bảo tồn và được nhận tiền chi trả DVMTR, chúng tôi rất phấn khởi. Hàng năm, gia đình nào nhiều cũng được vài chục triệu đồng tiền DVMTR nên cuộc sống từng bước ổn định hơn. Việc cán bộ chi trả phí DVMTR đầy đủ, không thiếu đồng nào giúp cho dân bản càng thêm tin tưởng và làm tốt việc giữ rừng của mình; tích cực hơn trong công tác tuần tra bảo vệ rừng. Để nắm bắt tình hình trong diện tích được giao, tháng nào, bản cũng phân công đi tuần tra bảo vệ rừng và huy động dân bản phát dây leo, làm đường băng cản lửa để PCCCR…

Cùng quan điểm với ông Xè, ông Lùng Lù Xá cùng ở bản Nậm Pắc, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé cho biết: “Bản Nậm Pắc được nhận khoán bảo vệ gần 780ha rừng đặc dụng nên thu nhập từ công bảo vệ rừng do Quỹ DVMTR chi trả khá cao từ 18 đến 20 triệu đồng/hộ. Được chi trả DVMTR nên dân bản có thêm nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống. Cùng với sự tuyên truyền, vận động của cán bộ Khu Bảo tồn, dân bản đã ý thức hơn trong việc bảo vệ rừng và không còn vào rừng phá cây rừng làm nương, bắt con thú và khai thác lâm sản trái phép nữa”.

Thực tế, những năm qua, việc triển khai và thực hiện tốt chính sách chi trả DVMTR đã góp phần quan trọng để nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng, tạo sinh kế bền vững cho người dân trên khu vực vùng đệm. Nhất là việc chi trả kịp thời, đảm bảo các chế độ liên quan đến DVMTR đã tạo hiệu ứng tốt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng cho nhân dân. Không chỉ giúp bà con có thêm việc làm, tăng thu nhập mà chính sách chi trả DVMTR đã góp phần nâng cao ý thức của người dân về quyền lợi, trách nhiệm của mình với rừng; phục vụ tốt hơn trong công tác bảo vệ, phát triển và quản lý rừng bền vững.

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận
Back To Top